Thị trường nội địa là điểm tựa để ngành du lịch vượt qua đại dịch
Ngành du lịch phải luôn trong tư thế chủ động, tích cực vươn lên vượt qua khó khăn để khôi phục và phát triển. Đồng thời phải có sự thay đổi căn bản trong quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động kinh doanh, trước mắt tập trung vào thị trường nội địa, và t
Đây là nhấn mạnh của ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam tại cuộc trao đổi với phóng viên về Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2021 diễn ra từ ngày 5-8/2021 và Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021 diễn ra từ ngày 14-15/4/2021.
Du lịch trong nước đang từng bước phục hồi |
Được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng nặng nề, Hội chợ VITM 2021 đang gửi đi thông điệp nào thông qua chủ đề “Bối cảnh mới, cơ hội mới”, thưa ông?
Đối với du lịch, một trong những hoạt động rất quan trọng đó là tổ chức các hội chợ xúc tiến để các doanh nghiệp, địa phương trao đổi sản phẩm, ký kết hợp tác kinh doanh; thông tin về hoạt động các điểm đến. Với nội dung đó, VITM dần dần đã trở thành một sự kiện, ngày hội lớn xúc tiến không thể thiếu đối với hoạt động du lịch Việt Nam.
Thực hiện chủ trương thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, từng bước khôi phục và thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển, VITM năm nay tổ chức trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch nhằm nhấn mạnh rằng, dù có khó khăn đến đâu ngành du lịch vẫn vươn lên khẳng định mình là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước.
Theo đó, Hội chợ VITM Hà Nội 2021 sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động B to B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), hoạt động B to C (doanh nghiệp với khách hàng), khuyến khích các doanh nghiệp chuẩn bị các sản phẩm kích cầu để cung cấp trực tiếp cho khách đến thăm quan. Ngoài ra, trong khuôn khổ VITM 2021, Ban Tổ chức sẽ có buổi lễ ra mắt CLB MICE (du lịch hội nghị hội thảo); hội thảo Nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh “bình thường mới”; hội thảo về du lịch Golf nhằm giúp doanh nghiệp khai thác, bắt kịp với xu hướng du lịch của thị trường, tạo việc làm cho một lực lượng lớn lao động đang gặp khó khăn cũng như mở cửa các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn.
Bên cạnh đó, Hội chợ sẽ diễn ra chương trình sơ kết 3 năm (2017-2020) của Hiệp hội Du lịch Việt Nam và vinh danh các doanh nghiệp và cá nhân tiêu biểu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam năm 2020 (VITA Awards). Cũng tại VITM 2021, nhiều hoạt động về chuyển đổi số sẽ tiếp tục được triển khai. Cụ thể, chúng tôi sẽ phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM) và Tập đoàn Google tổ chức khóa đào tạo trực tuyến về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam.
Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam |
Cho đến thời điểm này, VITM Hà Nội 2021 đang thu hút sự tham gia của các đơn vị như thế nào, có một sự dịch chuyển về đơn vị tham gia hay không, theo ông?
So với các kỳ hội chợ trước, số lượng đăng ký tham gia hội chợ của các đơn vị, doanh nghiệp sụt giảm khá lớn, thậm chí một nửa so với kỳ hội chợ vào giai đoạn tốt nhất. Theo đó, tính đến ngày 31/3, VITM Hà Nội 2021 đã có sự đăng ký của hơn 450 đơn vị từ 40 tỉnh/thành phố trong cả nước và đã có 4 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đăng ký tham dự. Đặc biệt, bên cạnh các hãng hàng không vẫn thường tham gia, kỳ hội chợ lần này còn có sự tham gia của Vietravel Airlines. Số lượng đăng ký gian hàng tại Hội chợ VITM 2021 đến thời điểm này là 350 gian hàng.
Về việc tham gia hội chợ, trước đây chủ yếu là các doanh nghiệp lữ hành thì bây giờ có thêm nhiều đơn vị khách sạn, resort tham gia, các địa phương cũng đăng ký hoạt động giới thiệu sản phẩm nhiều hơn. Điều này đang thể hiện xu hướng chuyển dịch khai thác thị trường nội địa của các đơn vị kinh doanh lưu trú, dịch vụ khách sạn, resort cũng như các điểm đến trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới.
Thưa ông, sau 3 lần bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đang rất điêu đứng, nhất là các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vậy. Vậy, việc tổ chức Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2001 tới đây nằm trong khuôn khổ VITM Hà Nội 20201 được kỳ vọng gì?
Chính phủ đã đưa ra những chủ trương phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch trong bối cảnh bình thường mới, và hiện ngành du lịch đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương trên. Đặc biệt, cho dù dịch có thể vẫn đang diễn ra hoặc có thể bùng nổ thêm một hai lần nữa nhưng không có nghĩa là nền kinh tế của chúng ta đình trệ lại. Vì thế ngành du lịch luôn trong tâm thế lạc quan, tin tưởng và cố gắng phấn đấu để không bao giờ bị đứt đoạn trên cục diện toàn quốc.
Trước đây, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, người dân, doanh nghiệp trong nước thường hay có tâm lý hướng ngoại nhiều hơn, quan tâm đến du lịch quốc tế nhiều hơn, vì thế du lịch nội địa chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh thu toàn ngành. Và bây giờ, khi dịch Covid-19 làm đóng băng thị trường quốc tế, chúng ta lại đặt gánh nặng doanh thu lên thị trường nội địa. Làm sao để đưa đóng góp doanh thu 20% lên 100% là vô cùng khó khăn đối với du lịch nội địa trong giai đoạn hiện tại.
Do đó, dù rằng chúng ta rất kỳ vọng thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, nhưng nếu không có những chính sách phù hợp, những động tác tích cực để kích thích hoạt động du lịch nội địa thì khó khăn lại càng chồng chất và khó có thể đạt mục tiêu đề ra.
Trước bối cảnh này, Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc sắp tới chính là dịp để các doanh nghiệp du lịch ngồi lại với nhau để bàn làm thế nào có thể đưa du lịch nội địa phát triển mạnh mẽ không kém gì du lịch quốc tế. Đồng thời, đề xuất các chính sách về phát triển du lịch, nguồn nhân lực, tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch và đặc biệt là kêu gọi các địa phương điều chỉnh chiến lược, xây dựng, ban hành các cơ chế phù hợp với tình hình mới, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong ngành, tạo điểm tựa để du lịch nội địa phát triển.
Xin cảm ơn ông!