Thương nhiều khoai deo xứ cát
.Thỉnh thoảng tôi được bố đưa về thăm quê, quê tôi nằm ở nơi eo nhất của bản đồ đất nước. Làng tôi có cái tên khá mỹ miều: làng Lệ Sơn.
Làng nằm dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, cảnh đẹp nên thơ "sơn thủy hữu tình". Nhưng làng tôi trũng, ở sát sông Gianh, gần biển, nên mỗi năm đến tầm tháng bảy, tháng tám âm lịch, khi những cơn bão ở Biển Đông tràn về, gây ra những cơn mưa kéo dài, là cả làng lại lo chạy lụt. Chính vì khí hậu hà khắc như vậy, nên nông dân quê tôi chỉ trồng lúa vụ chính, còn lại là trồng màu, ngô, khoai, lạc, đậu đỗ... đặc biệt làng tôi trồng rất nhiều khoai lang, khoai lang làng tôi hợp đất cát nên củ to, chắc, ruột vàng như nghệ.
Mỗi lần bố con tôi về, ông bà, chú thím và các em vui như tết. Tôi được ông đưa đi thăm họ hàng khắp trong làng. Đến chỗ nào các ông, các mệ, các bác, các o... cũng trêu: "Tau nói, mi có hiểu chi mô". Tôi đỏ mặt cười trừ, còn ông tôi vui ra mặt, nếu có ai đó khen tôi giống ông.
Bố tôi thể nào cũng đưa tôi ra sông Gianh tắm, bố kể ngày trước chưa có cầu, mà trường cấp ba bố học lại ở bên kia sông, nên mỗi sáng bố đều phải bơi qua sông, sang bên kia đi học. Tôi hiểu sông Gianh gắn bó máu thịt với bố tôi, vì nó cất giấu bao kỷ niệm thời thơ ấu của bố.
Chục ngày nghỉ phép của bố trôi qua thật nhanh, đã đến ngày bố con tôi rời quê, đi tàu ra Hà Nội, rồi bắt xe ngược lên Tây Bắc nơi bố tôi công tác và lập gia đình cùng mẹ tôi định cư ở đó. Trước hôm bố con tôi đi, bà nội lục đục cả đêm chuẩn bị, nào lạc, vừng, đỗ, khoai deo, bánh đa... Bố tôi làu bàu "hai bố con con đi gần nghìn cây số, không mang nổi đâu" rồi bố cất lại mọi thứ vào trong chạn, chỉ cầm mỗi gói khoai deo và vài cái bánh đa vừng, để mặc bà nội tủi thân lấy tay áo lau vội nước mắt vì thương con, thương cháu.
Cả nhà tôi ai cũng thích món khoai deo. Mẹ tôi là người miền Bắc, nhưng mẹ cũng rất thích khoai deo. Mỗi lần bố mang quà quê ra khoe, mẹ lại hát trêu bố "Quảng Bình khoai khoai là khoai...". Bố biết mẹ trêu, nên giả vờ giận "lần sau đi quê tôi không mang khoai deo về nữa nhé" làm thằng em trai tôi khóc ré lên.
Bố kể cách làm khoai deo cũng không cầu kỳ. Luộc khoai lên, thái lát dày tầm 3 cm rồi đem phơi vài nắng cho khoai thật khô. Khoai được nắng có màu vàng nhạt, miếng khoai trong, mịn. Khi khoai đã khô rồi, ăn luôn cũng được, nhưng hơi cứng (Nhà có trẻ con hoặc ai thích ăn mềm thì cho vào nồi đồ lại mới ăn). Nhẩn nha nhai từ từ, nước bọt tiết ra làm miếng khoai deo bở dần, thưởng thức được vị ngọt, bùi đậm đà, thơm hương của dải đất miền Trung gió lào, nắng lửa.
Mục đích làm khoai deo của người dân quê tôi là để tích trữ lương thực dự trữ phòng khi nước sông dâng lên gây lụt, có khi kéo dài nửa tháng nước vẫn chưa rút, thì cả nhà vẫn có lương thực sống tạm qua ngày.
Tôi không sinh ra và lớn lên ở quê, bố bảo "đó cũng là điều rất thiệt thòi của các con về mặt tình cảm" vì xa xôi, cách trở, vài năm, có khi cả chục năm tôi mới về thăm quê nội được một lần. Dù là rốn bão nhưng giờ đây quê tôi đã đổi thay khá nhiều, đời sống nông dân đỡ cực hơn xưa. Món khoai deo giờ đã thành đặc sản, khách đến du lịch ai cũng thích thú mua vài gói khoai deo về làm quà.
Cầm miếng khoai deo trên tay, tôi như nhìn thấy những cồn cát trắng mênh mông, tôi cảm nhận được vị mặn của những giọt mồ hôi chan chan ngoài ruộng, vị ngọt từ những nụ cười đằm thắm của các chị, các mẹ... Cảm nhận được sự kiên cường bền bỉ của những con người miền Trung không bao giờ chịu khuất phục thiên tai, bất công, ngoại xâm... khao khát vươn lên làm chủ cuộc sống của mình.
|
Theo Thanh Niên https://thanhnien.vn/van-hoa/thuong-nho-mien-trung/thuong-nhieu-khoai-deo-xu-cat-1304765.html Copylink