Wednesday, Sep 22, 09:09 AM

Tiếng chèo mỏng manh tơ lụa

NSND - đạo diễn Bùi Đắc Sừ sinh thời từng nhận xét: “Hồng Tươi là một diễn viên có đạo đức nghề nghiệp, biết tôn sư trọng đạo”. Mỗi lần nghe NSƯT Hồng Tươi hát điệu chèo “Tò vò”, người ta có cảm giác bồng bềnh, vấn vít xung quanh mình là những sợi tơ óng ả, mỏng manh.

Tiếng chèo mỏng manh tơ lụa
Tiếng chèo mỏng manh tơ lụa
tieng-ch232o-mong-manh-to-lua_1.jpg
NSƯT Hồng Tươi giữa đời thường.  

Có duyên với chèo

Chuẩn bị khăn gói lên đường đi thi đại học thì bà nội mất, cô nữ sinh đã ở nhà chịu tang bà. Con người hiếu đễ ấy được trời phật ban cho một cái duyên khác, mà sau này cứ lớn lên theo bước chân trên đường đời: Duyên chèo.

Tháng 4 năm 1997, Hồng Tươi thi tuyển lớp diễn viên đoàn chèo Hải Dương. Suốt 4 năm gian khổ vừa học tập vừa sắm vai dân làng, đến năm 2001 mới được đạo diễn cho sắm một vai phụ, xuất hiện trên sân khấu vỏn vẹn một lớp kịch.  Rồi 8 năm sau (tức 2009), khi NSND Lê Hùng dựng vở “Cơn bão màu da cam” của Bùi Vũ Minh, thì Hồng Tươi mới được chọn sắm vai chính. Huệ - cô học trò sống trong một gia đình có nhiều người nhiễm chất độc màu da cam, bị người xung quanh kỳ thị. Tâm lý nhân vật phức tạp, lại thêm áp lực của hội diễn phải có thành tích,… tất cả đè nặng lên đôi vai mảnh khảnh. Hồng Tươi gầy xọp đi sau hơn ba tháng tập vở. Nhưng bù lại, tại hội diễn sân khấu chèo toàn quốc tổ chức tại Quảng Ninh, cô nhận được tấm huy chương vàng đầu đời. Đó là mốc son trong cuộc đời làm nghệ sĩ. Từ đây, tên tuổi Hồng Tươi đã có chỗ đứng trong làng chèo và lọt vào “mắt xanh” của nhiều đạo diễn.

 Từ “Chúa Tiên” đến “Đào Lý một cành”

Nhớ ngày được giao vai phụ Chúa Tiên (năm 2001), Hồng Tươi hào hứng bước lên sàn tập. Nhưng đã bộc lộ nhiều sai lỗi. Cô không hát chuẩn nổi một câu “Trần tình”. Giọng run, chênh, phô, chòng chành như con đò không neo giữ. Đến nỗi đã có lúc đạo diễn muốn thay vai. Buồn và thất vọng. Nhưng từ trong sâu thẳm lòng cô đã vang lên lời tự nhủ: Phải vượt lên! Đêm trằn trọc, nhẩm lại từng câu hát, luyến láy sao cho ngày mai buổi tập làm hài lòng đạo diễn.

Kể từ bấy đến nay, Hồng Tươi đã được đóng hầu hết vai chính trong hàng chục vở chèo dài. Những nhân vật có cuộc sống nội tâm đa dạng, đủ cung bậc, trạng thái nỗi niềm khổ đau, chia phôi, ai oán: Đó là nàng Châu Long trong “Lưu Bình Dương Lễ”, Điểm Bích trong “Huyền Quang tôn giả”, Thái Hậu trong “Tâm đức Phật hoàng”, Huệ trong vở chèo hiện đại “Cơn bão màu da cam”... Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất là vai đào Lý, trong “Đào Lý một cành” (kịch bản TS Trần Đình Ngôn - Đạo diễn NSND Bùi Đắc Sừ).

Nhân vật đào Lý xuất hiện suốt 6 màn kịch, thời gian câu chuyện diễn ra gần nửa thế kỷ, từ lúc đào Lý còn xuân sắc, tới khi đã thành cụ bà “thất thập cổ lai hy”. Sắm vai này, cô như một người gánh nặng đi trên dặm đường gập ghềnh lởm chởm đá ong. Cô đã vắt kiệt sức lực để miêu tả tận cùng nội tâm nhân vật trong nhiều trạng thái tình cảm của đào Lý: Yêu thương và căm hận, lòng tri ân và đức vị tha của một trái tim nhân hậu. Khi hết mỗi lớp kịch, cô chỉ kịp chụp mái tóc bạc lên đầu, choàng vội tấm áo và lại bước ra sân khấu.

tieng-ch232o-mong-manh-to-lua_2.jpg
NSƯT Hồng Tươi trên sân khấu.

Khán giả nhận ra một đào Lý đã ngoài 70 tuổi, tóc bạc da mồi, chất chồng nỗi đa đoan, tấm lưng già đổ xuống, run rẩy trước nỗi đau nhân thế. Làm được điều ấy, cô phải qua 3 - 4 tháng trời luyện tập. Từ diễn xuất, đến phát âm, nhả chữ phải chuẩn xác, logic. Tiếng nói của một cô đào (còn trẻ) cuốn hút, dịu hiền trước khách văn nhân, đã thay bằng giọng nói trầm, chậm rãi và dáng đi nhẹ nhàng, thư thái nhưng vẫn ẩn chứa nét sang trọng (lúc tuổi già).

Đêm diễn vở chèo “Đào Lý một cành” ở Thái Bình đã làm nức lòng khán giả miền quê lúa. Năm ấy, Hồng Tươi có 2 giải cá nhân: Một tấm huy chương vàng và một giải Tiếng hát chèo hay nhất Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc năm 2012. Ngay sau đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức phỏng vấn, giới thiệu tiếng hát nghệ sĩ Hồng Tươi trên làn sóng để cho thính giả cả nước thưởng thức.

Còn trước đó, Kênh truyền hình Nét Việt VTC 10 (Đài Truyền hình VTC) đã giới thiệu 2 chương trình “Tiếng hát chèo nghệ sĩ Hồng Tươi”, phát sóng để phục vụ kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.

Nghệ sĩ của công chúng

Hồng Tươi còn nổi tiếng qua những bài ca lẻ. Khán giả một lần nghe Hồng Tươi hát làn điệu “Tò vò” miêu tả về tấm bánh quê hương sẽ không sao quên được. Có lẽ tuổi thơ cô gắn bó với làng quê, có hạt nếp hoa vàng, hạt đậu xanh thơm thảo, ngọt lịm mía đường của đất Kim Tân, Kim Thành, Hải Dương, nên đã thấm thía từng lời ca trong giai điệu. Tiếng hát cô nhẹ nhàng, mỏng manh như tơ lụa, nhưng tròn vành rõ chữ lay động lòng người:

“Võng kẽo kẹt bờ tre, nắng hong trưa hè, đậu rang thơm ngậy

Mang chất phác tình quê, lọc trong nghìn mưa nắng, nhọc nhằn năm tháng

Dâng cho người tấm bánh đậu quê hương...”

Hoa ngâu nép mình trong chùm lá xanh không giấu được vị hương, Hồng Tươi thuộc tuýp người khép kín, nhưng danh tiếng càng vang xa. Nhiều cơ sở văn nghệ thường tìm mời cô về hướng dẫn hát, múa. Có lần các bạn cùng học cấp 3 họp lớp, vắng Tươi, các bạn lại mở mạng ra xem “Đào Lý một cành” và điện thoại: “Chúng tôi đang xem bạn diễn đấy, Chúng tôi rất hâm mộ bạn!”

Anh Đỗ Văn Kiên, quê ở Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc vào Bình Dương làm công nhân, tình cờ xem được vở chèo “Chuông ngân rừng trúc” trên mạng Youtube, có Hồng Tươi biểu diễn, anh đã tỏ lòng mến mộ và coi cô là “thần tượng”. Thế là Kiên dò tìm địa chỉ, rồi kết bạn trên Facebook để chia sẻ. Kiên còn gặp “thần tượng” của mình trên Zalo, rồi hát cho nghệ sĩ nghe, được Hồng Tươi góp ý chân tình, Kiên vui lắm, tâm sự: “Em rất vinh dự được nghệ sĩ chuyên nghiệp chỉ dẫn hát chèo. Đó là một người thân thiện, chân thành, rất đáng trân trọng”.

Con thuyền nghệ thuật Hồng Tươi đang lướt sóng đi lên, đầy âm thanh và ánh sáng. Vậy mà có lúc nó chòng chành trên sóng nước, như câu hát “Đò đưa”. Nhớ ngày cô mới vào nghề, cha mẹ Hồng Tươi không mấy mặn mà.

Người mẹ phân tích: “Con nghĩ kỹ đi, nghề ca hát nó bạc lắm, cũng không nuôi nổi mình đâu”. Cũng đã có lần Hồng Tươi định bỏ nghề, bỏ đoàn về nhà nghỉ mấy ngày liền. Thương và hiểu con gái, mẹ cô lại khuyên nhủ: “Thôi, khó khăn thì phải khắc phục, con bỏ giữa chừng về làng, người ta cười cho”. Thế là cô lại khăn gói về đoàn, lại hát, lại diễn, quấn quýt với ánh sáng, âm thanh, phông màn sân khấu.

Từng lưu diễn trong nam ngoài bắc, có lần sang cả nước ngoài, Hồng Tươi đã trưởng thành, hằng đêm vẫn nghe băng hát của các bậc thầy: NSND Minh Lý, NSND Thanh Hoài, NSƯT Khắc Tư,... để nâng cao kiến thức.

Vào nghề hơn hai chục năm, nhưng chỉ trong những năm gần đây, Hồng Tươi đã mang về cho mình 5 huy chương vàng và một số giải đặc biệt. Đã qua một cơn sóng gió, qua rồi câu hát “Đò đưa” chòng chành, man mác buồn… Bây giờ là lúc sang khúc “Dương Xuân” phơi phới niềm vui.

Cuối năm 2015 Hồng Tươi được Nhà nước phong danh hiệu NSƯT. Đến tháng 9/2016, tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016, Hồng Tươi lại giành một huy chương vàng (vai Thị Trinh trong vở chèo “Trinh phụ hai chồng”)… NSƯT Hồng Tươi tâm sự: “Em ước mơ được sắm một vai nữ lệch hoàn toàn, có cá tính mạnh mẽ và tâm lý nhân vật khác hẳn những vai em từng sắm, để thử sức mình và trải nghiệm”. Có lẽ đó là biểu hiện sự trưởng thành của một nghệ sĩ đa tài.

Sau những ngày dài ngưng hoạt động vì đại dịch Covid-19, Nhà hát Chèo Hải Dương lại vang lên tiếng trống chèo. Hồng Tươi đắm chìm trong vai nữ chính Trịnh Thị Lan (tức Cả Tam) trong vở chèo “Duyện nợ cùng chèo” (tác giả TS Trần Đình Ngôn, đạo diễn NSƯT Đoàn Vinh, biên đạo múa Phương Nga, âm nhạc NSƯT Kim Hoàn). Vất vả 4 tháng trời luyện tập, mùa thu này, Hồng Tươi cùng anh chị em Nhà hát Chèo Hải Dương đi Liên hoan Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc - 2022.

Nghệ sĩ Hồng Tươi đã được đóng vai chính trong hàng chục vở chèo nổi tiếng. Những nhân vật có cuộc sống nội tâm đa dạng, đủ cung bậc, trạng thái nỗi niềm khổ đau, chia phôi, ai oán: Đó là nàng Châu Long trong “Lưu Bình Dương Lễ”, Điểm Bích trong “Huyền Quang tôn giả”, Thái Hậu trong “Tâm đức Phật hoàng”, Huệ trong vở chèo hiện đại “Cơn bão màu da cam”... Cuối năm 2015 Hồng Tươi được Nhà nước phong danh hiệu NSƯT. Vào nghề hơn hai chục năm, Hồng Tươi đã mang về cho mình 5 huy chương vàng và một số giải đặc biệt.

 

KHÚC HÀ LINH
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/tieng-cheo-mong-manh-to-lua-5695491.html Copylink