Tuesday, Aug 22, 05:08 AM

Tiếng dương cầm của ‘cậu bé vàng’

Tôi rất thích tiếng đàn của pianist Nguyễn Việt Trung, nhiều năm qua không lần nào em về Việt Nam biểu diễn mà tôi không có mặt. Tháng 7/2022, Nguyễn Việt Trung đã trở về Việt Nam trong chương trình hòa nhạc vì trẻ em nghèo tại Nhà hát Lớn Hà Nội, cùng với 2 bạn diễn violin Nguyễn Thiện Minh, Hoàng Hồ Khánh Vân, vilo Phùng Hoài Thu và cello Trần Hồng Nhung.

Tiếng dương cầm của ‘cậu bé vàng’
Tiếng dương cầm của ‘cậu bé vàng’
tieng-duong-cam-cua-cau-b233-v224ng_1.jpg
Nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung.  

1. Đêm đó, khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội không còn một chỗ trống. Đến dự có đông đảo người yêu nhạc cổ điển và quan khách ngoại giao nước ngoài sống ở Việt Nam cùng các vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước Việt Nam.

Chương trình đã thu được trên 2 tỷ đồng và đã trao tặng cho Quỹ Bảo trợ trẻ em nghèo, cùng các trẻ em nghèo vượt khó huyện Thạch Thất (Hà Nội) ngay tại sân khấu. Con số 2 tỷ đồng không lớn so với những con số mà chúng ta thường nghe hằng ngày, nhưng rất lớn đối với một chương trình hòa nhạc cổ điển. Chứng tỏ khán giả đã tin tưởng và yêu thích nghệ sĩ của chương trình đến mức nào.

Ai cũng đã biết đến NSND Đặng Thái Sơn, người đã giành giải Nhất cuộc thi Chopin quốc tế đem lại vinh quang cho Tổ quốc. Và sau hơn 40 năm kể từ ngày đó Cuộc thi piano quốc tế Chopin lần thứ 18 đã công bố danh sách 87 người bước vào vòng chung kết, trong đó, Nguyễn Việt Trung là đại diện duy nhất của Việt Nam (Vòng chung kết được tổ chức từ ngày 2-20/10 tại thành phố Warsaw, Ba Lan năm 2021. 87 người đó được chọn trong tổng số 500 nghệ sĩ dương cầm đến từ nhiều quốc gia trên thế giới).

2. Nguyễn Việt Trung lâu nay được ví là “cậu bé vàng của piano”. Hiện Trung đang sinh sống và theo học tại Karol Szymanowski - một trường âm nhạc dành cho các tài năng của Ba Lan.

Theo học piano từ khi còn nhỏ và giành được rất nhiều các giải thưởng âm nhạc tại quốc tế như giải Nhì (không có giải Nhất) và đạt giải dành cho tay đàn trẻ thể hiện tác phẩm Chopin hay nhất trong cuộc thi Rotaract - Rotary Intl Piano Competition tại Palma de Mallorca, Tây Ban Nha (2012), giải Nhất và Grand Pix tại cuộc thi Piano toàn quốc cho hệ trung học, tổ chức tại thành phố Krakow, Ba Lan (2014)…

Nguyễn Việt Trung đã đi lưu diễn tại các sân khấu lớn của nhiều nước như Ukraine, Hungary, Pháp, Mỹ, Nga, Ba Lan, Bỉ, Thái Lan… nhưng cậu vẫn mong muốn được về nước biểu diễn phục vụ rộng rãi công chúng trong nước.

Năm 2015, Nguyễn Việt Trung và những người bạn học cùng trường ở Ba Lan, về Việt Nam biểu diễn theo lời mời của Công ty Cổ phần tập đoàn truyền thông Champion Việt Nam phối hợp với Học viện Âm nhạc Quốc gia và Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Một chương trình để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.

Hiện Trung đang sinh sống ở Ba Lan và học đàn piano tại trường âm nhạc dành cho các tài năng ZPSM nr 4 im, Karola Szymanowskiego, Warsaw.

Trong cuộc sống đời thường Nguyễn Việt Trung là người giản dị, kiệm lời. Dường như với em, âm nhạc nói thay tất cả, nhưng lại là người dễ gần bởi sự chân thành. Yêu đất nước Ba Lan - cái nôi nuôi dưỡng em trưởng thành trong sự nghiệp bao nhiêu thì nhớ thương quê hương sinh ra mình bấy nhiêu. Em luôn sẵn sàng và có mặt khi đất nước cần. Em còn ấp ủ một giấc mơ trở về và được dạy nhạc ở Việt Nam.

tieng-duong-cam-cua-cau-b233-v224ng_2.jpg
Nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung (thứ 2 từ trái sang), trong đêm nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tháng 7/2022.  

Nguyễn Việt Trung theo cha mẹ sang Ba Lan từ khi mới 6 tháng tuổi (năm 1997). Cha là tiến sĩ vật lý. Năm lên 4 tuổi, cha mẹ phải đi làm, Trung được chị gái cho đi theo đến nhà bà giáo học đàn, rồi em bắt chước tập theo.

Một hôm, trong lúc chị giải lao, em đã thử đánh bản nhạc ấy, bà giáo rất ngạc nhiên, bà gặp bố mẹ em và khuyên nên đưa em vào trường nhạc. Thời gian đầu, em cũng gặp khó khăn vì chưa biết tiếng Ba Lan nhưng sau đó mọi chuyện đã dễ dàng hơn. Ở Ba Lan tuần nào cũng có hòa nhạc, Trung say mê đến nghe các buổi hòa nhạc, ở đó có các nghệ sĩ tên tuổi từ nhiều nơi trên thế giới sang Ba Lan biểu diễn. Đó là điều đặc biệt đối với một thiếu niên người Việt mới 7 tuổi.

Cha mẹ Nguyễn Việt Trung cũng là những người đặc biệt. Họ không phải là nhà nòi âm nhạc, nhưng họ cũng say mê âm nhạc, am hiểu nhạc cổ điển và nhất là nghe được tiếng của tâm hồn cậu con trai. Họ biết con trai của họ đang đi vào con đường cực kỳ gian khổ, không có sẵn câu trả lời về tương lai…

Nhưng họ âm thầm tin vào sự thánh thiện của âm nhạc, và dường như họ chỉ cần có thế. Không chỉ đi cùng con đến các buổi hòa nhạc, chiều nào cũng cùng con ra công viên, nơi có tượng Chopin với không khí âm nhạc luôn hiện diện mọi nơi, trước khi ngủ, mẹ hay bật nhạc Chopin để hai mẹ con cùng nghe.

Những thành công của Nguyễn Việt Trung thuở đầu đời đã mang về cho em và cả gia đình niềm phấn khởi vô bờ bến. Không ít người đã nhắc đến Trung, khi tuổi em chưa đến 20, rằng: “Em là Đặng Thái Sơn thứ 2 của Việt Nam”.

Trước những lời khen ngợi, cả Trung và gia đình em đều biết kiềm chế, không bị choáng ngợp, không chủ quan, luôn khiêm tốn trước tất cả hào quang vây quanh đó. Nguyễn Việt Trung ngoài việc học chuyên với các nghệ sĩ piano tên tuổi của Ba Lan em cũng có thời gian theo học NSND Đặng Thái Sơn.

Tôi rất nhớ lần nghe Nguyễn Việt Trung “chơi” bản Nocturne No 20 của Chopin dịp tháng 9 ở Nhà hát Lớn Hà Nội, hình như tôi đã khóc âm thầm.

3. Nguyễn Việt Trung thành thạo tiếng Pháp, Anh, Ba Lan, nhưng tiếng Việt của em rất tốt. Cha mẹ em có một nguyên tắc là khi ở nhà là phải nói tiếng Việt Nam. Ở Ba Lan, hồi còn nhỏ Nguyễn Việt Trung học trường của Pháp thì nghe/ nói tiếng Pháp, trường âm nhạc thì nói và nghe tiếng Ba Lan. Lên cấp 2, chuyên trường nhạc nhưng cũng học các môn văn hóa khác nữa.

Mỗi lần được nghỉ thì em lại xin cha mẹ cho em về Việt Nam. Và ở Ba Lan thì đôi khi em cũng biểu diễn để giới thiệu âm nhạc dân gian Việt với mọi người. Nguyễn Việt Trung luôn nói rằng: Em mong ược trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp có khả năng chinh phục được những khán giả yêu nhạc cổ điển không chỉ ở Việt Nam, Ba Lan mà toàn thế giới.

Song song với điều đó, một mơ ước lâu dài của em là Việt Nam có trường đào tạo bậc cao về nhạc cổ điển... Không chỉ là đào tạo nghệ sĩ mà là một môi trường âm nhạc hàn lâm được cải thiện hơn nữa, mặc dù sự thưởng thức âm nhạc cổ điển ở Việt Nam hiện nay đã khác trước rất nhiều. Việt Trung nhắc lại: Em mong muốn có cơ hội thực hiện nhiều hoạt động và các dự án trao đổi âm nhạc như các giáo sư ở trường em ở Ba Lan đang thực hiện.

Về Việt Nam lần này, cũng là tranh thủ đợt nghỉ của Trung. Trong vòng 20 ngày rất khẩn trương lên chương trình rồi tập và khớp với các bạn diễn, một vất vả cũng mang tầm kỷ lục. Riêng Nguyễn Việt Trung, phần solo các tác phẩm của D.Scrlatti, F. Schubert và Chopin đã hơn nửa chương trình. Cùng với các bạn diễn của mình hôm đó Nguyễn Việt Trung đã nhận sự tán thưởng nồng nhiệt của khán giả.

Sau đêm diễn em lại trở về Ba Lan tiếp tục hành trình đã chọn của mình. Chúc em đạt được thành công, không chỉ cho em, cho gia đình mà còn mang tầm vóc và niềm vinh dự cho Việt Nam.

Nguyễn Việt Trung sinh năm 1996 tại Hà Nội, bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, từng đoạt giải Nhì cuộc thi piano tại Zyrardow, Ba Lan (2004 và 2006), giải Nhất cuộc thi piano Emmy Alberg lần thứ ba ở Ba Lan (2005) và giải đặc biệt cuộc thi Chopin vùng Mazowiecki, Ba Lan (2006). Năm 2007 đến 2011, Việt Trung liên tiếp giành các giải thưởng uy tín dành cho người trẻ tuổi chơi piano. Năm 2011, tại Tây Ban Nha, anh giành giải cao nhất cùng giải dành cho cây đàn trẻ thể hiện tác phẩm Chopin hay nhất tại cuộc thi Rotary Int’l Piano. Năm 2014, anh giành Giải thưởng lớn cuộc thi piano quốc gia tại Cracow (Ba Lan). Năm 2015, anh thắng giải Nhất cuộc thi Emmy Alberg... Tờ Twoja Muza - tạp chí âm nhạc danh tiếng của Ba Lan - gọi Trung là "ngôi sao âm nhạc với tài năng piano không có gì phải bàn cãi".

TRẦN THỊ TRƯỜNG
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/tieng-duong-cam-cua-cau-be-vang-5692762.html Copylink