Saturday, Nov 20, 11:11 AM

Tìm giải pháp để du lịch Việt Nam thích ứng với bối cảnh, xu hướng mới

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc tới ngành du lịch, đòi hỏi phải có biện pháp ứng phó kịp thời, cũng như đánh giá lại, tư duy lại về cách làm du lịch, đồng thời xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian

Tìm giải pháp để du lịch Việt Nam thích ứng với bối cảnh, xu hướng mới
Tìm giải pháp để du lịch Việt Nam thích ứng với bối cảnh, xu hướng mới

Ngày 28/11, Hội nghị Du lịch toàn quốc “Liên kết, hành động và phát triển” được tổ chức, nhằm đánh giá tình hình và bàn phương hướng giải pháp phục hồi, thống nhất hành động thúc đẩy phát triển du lịch trong giai đoạn mới. Hội nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Báo điện tử VnExpress và các bên liên quan tổ chức tại Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana). Hội nghị có sự tham gia của trên 400 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, hàng không, du lịch, lữ hành, khách sạn cùng một số chuyên gia, đại diện các cơ quan báo chí…

Tìm giải pháp để du lịch Việt Nam thích ứng với bối cảnh, xu hướng mới

Những tổn thất nặng nề

Trong những năm gần đây, ngành du lịch đã có sự phát triển vượt bậc, thể hiện vai trò của ngành kinh tế mũi nhọn. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 1/2020 đã một lần nữa khẳng định quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ là “Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại”.

Giai đoạn năm 2015 - 2019 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam với rất nhiều dấu ấn: Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 đạt 18 triệu lượt, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2015; khách du lịch nội địa năm 2019 đạt 85 triệu lượt, gấp 1,5 lần năm 2015. Đóng góp của du lịch vào GDP cũng tăng từ 6,3% năm 2015 lên 9,2% năm 2019. Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ 75/141 lên 63/140 nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện - nhận định, du lịch tăng trưởng đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống xã hội, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, an sinh xã hội cho người dân; đồng thời góp phần nâng cao hiểu biết, hữu nghị, bảo tồn văn hoá, bảo vệ môi trường và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được nêu trên, ngành du lịch thời gian qua còn nhiều khó khăn và hạn chế. Theo Bộ VH-TT&DL, chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tuy được cải thiện đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực; hiệu quả kinh doanh và thu hút khách du lịch chưa cao. Đặc biệt khách du lịch cao cấp, chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài còn ít; vẫn tồn tại nhiều chương trình du lịch giá rẻ; hợp tác, liên kết trong phát triển du lịch còn mang tính hình thức; thương hiệu du lịch Việt Nam chưa thực sự nổi bật; phát triển du lịch ở nhiều nơi chưa phát huy đúng với tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch; ngành du lịch vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững.

Vốn là ngành dễ bị tác động và thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, kể từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam nói riêng và du lịch thế giới nói chung. Du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất, kéo theo sự sụt giảm các ngành, lĩnh vực liên quan và đời sống xã hội, cụ thể như ngành hàng không, lưu trú, ăn uống...

Thống kê của Bộ VH-TT&DL, từ tháng 3/2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch nội địa. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%; khách nội địa đến hết tháng 11/2020 ước đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2019; khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530 nghìn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD).

Cần giải pháp ứng phó kịp thời

Trong bối cảnh hiện nay, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng - nhấn mạnh, vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch là nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch một cách an toàn, bền vững, thích ứng với bối cảnh và xu hướng mới.

Theo đó, Bộ VH-TT&DL đưa ra 4 nhóm vấn đề cần phải sớm có giải pháp kịp thời, gồm: Cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả nhằm vào thị trường chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao, cơ cấu thị trường theo phân đoạn nhu cầu; Phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường; Đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến trong hợp tác phát triển du lịch; Chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đặc biệt trong nghiên cứu thị trường, cơ sở dữ liệu và xúc tiến, quảng bá du lịch.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, Bộ VH-TT&DL kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng như các Bộ, ngành, địa phương: Tiếp tục có chính sách hỗ trợ ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để phục hồi khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép; Đẩy mạnh đầu tư công cho phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch như sân bay, cảng biển đón tàu du lịch cỡ lớn, tăng khả năng tiếp cận điểm đến du lịch; đầu tư vào các công trình văn hóa lớn, công viên sinh thái; đầu tư cho xúc tiến, quảng bá du lịch.

Trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới ngành du lịch, trong khi hai Chương trình hành động quốc gia về du lịch và Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia đã kết thúc, kiến nghị Chính phủ giao Bộ VH-TT&DL xây dựng và phê duyệt kế hoạch hành động nhằm phục hồi du lịch Việt Nam trong tình hình mới; phối hợp với Bộ Tài chính bố trí kinh phí thực hiện.

Bên cạnh đó, giao Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số trong ngành du lịch đến năm 2030 phục vụ phát triển du lịch; Đề nghị các Bộ, ngành liên quan tích cực tham gia vào các công tác bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh; tích cực tham gia vào việc xây dựng chuỗi cung ứng phát triển du lịch, phát triển đa dạng sản phẩm, đào tạo nhân lực, lồng ghép truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam trong các chương trình, sự kiện ở trong và ngoài nước để hỗ trợ du lịch vượt qua thách thức, tiếp tục phát triển.

Bộ VH-TT&DL cũng đề nghị các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo việc phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch trên địa bàn, tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn và huy động nguồn lực thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ cho giai đoạn tăng trưởng mới; hỗ trợ người lao động dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ và tham gia đào tạo nghề, bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm đến du lịch…

hoa-qu2724nh
Theo Công Thương https://congthuong.vn/tim-giai-phap-de-du-lich-viet-nam-thich-ung-voi-boi-canh-xu-huong-moi-148340.html Copylink