Trò chơi Phật dạy người Lự trong ngày Tết
Tương truyền, những trò chơi trong Tết cấm bản của người Lự ở xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ - tỉnh biên giới Lai Châu được Bun (Phật) truyền dạy.
Tương truyền, những trò chơi trong Tết cấm bản của người Lự ở xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ - tỉnh biên giới Lai Châu được Bun (Phật) truyền dạy.
Theo các huyền sử và các tài liệu cổ, tộc người Lự di cư từ Myama và Sipsongpana (Trung Quốc) vào Việt Nam rất sớm, vào trước thế kỷ X. Người Lự là tộc người duy nhất ở Tây Bắc có tôn giáo nguyên thủy theo đạo Phật. Theo các tài liệu ghi chép về vùng đất Phòng Tô (bao gồm các huyện Tam Đường, Phong Thổ và một phần của huyện Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu ngày nay) sau ngày Lập quốc (2.9.1945) thì vùng đất Nậm Tăm có rất nhiều ngôi chùa ở dạng đơn sơ để thờ Phật. Cũng theo ông Lò Văn Chiến (dân tộc Giáy), nguyên chủ tịch huyện Phong Thổ từ năm 1980 - 1985, trong các lần đi thực tế các xã trong huyện, ông cũng đã từng mục sở thị những phế tích từng là những ngôi chùa thờ Phật của người Lự ở Nậm Tăm.
Ông Lò Văn Chiến lý giải, có thể những ngôi chùa của người Lự bị tàn phá bởi chiến tranh, bởi những đợt tiễu phỉ và cả những trận lũ ống, mưa rừng nên ngày nay đã không còn một ngôi chùa nào trên vùng đất tận cùng ải Bắc này. Tuy nhiên, những nét văn hóa, tín ngưỡng về Phật giáo vẫn còn tồn tại trong đời sống tộc người Lự ở Nậm Tăm.
Từ những thông tin đó, tôi nhằm ngày Tết cúng bản đầu Xuân, năm mới để về Nậm Tăm tìm hiểu và khám phá ra cả kho tàng trò chơi dân gian của tộc người này được tương truyền là của Phật dạy.
Cũng theo lệ ngày Tết cấm bản của các tộc người khác ở Tây Bắc, Tết cấm bản của người Lự tự ngàn xưa quy định nội bất xuất, ngoại bất nhập. Có nghĩa là, trong ba ngày Tết, người ngoài tộc không được vào bản và người trong bản không được ra ngoài. Vì thế, ông Tao Văn Ón mới làm lễ nhận tôi làm thành viên trong gia đình và được ngủ trong bản trước một ngày diễn ta Tết. Ông Ón bảo: “Thế là mày được Bun (Phật) nhận mặt, được Bun che chở và phù hộ”.
Nói về nguồn gốc của ngày Tết ngày, ông Tao Văn Ón cho biết, người Lự từ lâu lắm rồi có một trận đại dịch tràn bản làng của người Lự vùng Sìn Hồ. Có nhiều nhánh tộc người Lự vùng này đã phải bỏ bản, bỏ mường di cư sang vùng đất Tam Đường sinh sống đế tránh dịch. Những nhánh, tộc còn trụ lại vùng Nậm Tăm tìm trăm phương ngàn kế để chống dịch nhưng không thành, người Lự cứ mất dần đi, bản làng càng tiêu điều xơ xác.
Một đêm, một già bản trong vùng được Phật báo mộng rằng, Người Lự sống dưới chân dãy Phiêng Chá (tiếng Lự gọi là Núi Đầu Rồng) nhưng không cúng tế, tưởng nhớ nên bị thần rồng phạt. Bun cũng báo mộng rằng, dân bản phải làm lễ cấm bản rồi Bun dạy cho người Lự các trò chơi để này thể hiện ý nghĩa tôn vinh và tưởng nhớ đến Bun đến thần Núi Đầu Rồng.
Cụ Ón cũng cho biết thêm, ban đầu Bun báo mộng truyền dạy chỉ có hai trò chơi là đối đáp với bà mụ và trò rồng lăn nhưng sau này, do ảnh hưởng của người Thái, người H’Mông, người Dao trong vùng nên trong Tết cấm bản, người Lự đã chơi nhiều trò như ngày nay. Bên cạnh đó, những trò chơi này thể hiện ý chí và khát vọng từ ngàn xưa của cha ông người Lự muốn chinh phục dãy Núi Đầu Rồng, làm chủ suối Nậm Lò, trẻ em lớn lên trở thành trai mường khoẻ mạnh, gái mường đảm việc nhà, duyên dáng.
Ông Tao Văn Coong, người đã có thâm niên hơn chục năm làm giám khảo trong các trò chơi của ngườ Lự trong ngày Tết cấm bản ở Nậm Tăm cho biết, trò đối đáp với bà mụ thể hiện nhiều nhất và rõ rất văn hóa truyền thống của người Lự. Trò chơi này gồm hai đội nam và nữ ngồi thành hàng và trước mỗi hàng có một bà mụ (người phụ nữ lớn tuổi, có tri thức và hiểu biết) đóng vai bà mụ. Mỗi thành viên trong đội nhảy quanh rồi lên hỏi bà mụ về những điều về cuộc sống, về bản làng, về văn hóa của người Lự. Nếu người nào hỏi mà bà mụ không trả lời được, hoặc trả lời sai thì người đó thắng cuộc.
Ông Coong bảo, từ trò chơi này, rất nhiều tri thức dân gian và văn hóa của người Lự được truyền dạy lại cho con trẻ. Nếu người nào muốn thắng cuộc, muốn được dân bản tôn vinh thì phải tìm hiểu sâu về văn hóa của tộc người mình. Thì ra, từ những “game show dân gian” như thế mà văn hóa người Lự vẫn được bảo tồn dù tộc người này chỉ còn hơn 5.000 người, sinh sống duy nhất ở hay huyện Sìn Hồ và Tam Đường của tỉnh Lai Châu, xung quanh người Thái, H’Mông, Dao mà vẫn không bị hòa tan.
Còn trò rồng lăn thì thiên về rèn luyện sức khỏe. Trò chơi này quy định, cần hai hàng người đứng đối diện, đan tay vào nhau và người thi thì lăn ở giữa hai hàng người ấy. Người nào lăn đến cuối hàng người thì thắng cuộc. Hỏi ông Coong về nghĩa trò chơi này thì được giải thích rằng, đấy là mô tả lại hành trình của người Lự vượt núi Hoàng Liên Sơn, núi Đầu rồng, vượt sông Đà, sông Nậm Na đến định cư ở vùng đất Nậm Tăm ngày nay.
Trong ba ngày Tết cấm bản của người Lự, tôi mới được biết, người Lự ở Nậm Tăm ví ông Coong như “cuốn bách khoa tri thức” của bản làng. Ông vừa là thầy cúng, vừa biết và thuộc nhiều bài hát dân ca, trò chơi dân gian, biết nhiều đạo lý... Nhiều gia đình trong vùng khi có khúc mắc, xô sát, chuyện khó xử đều đến hỏi và xin ý kiến ông Coong. Nên ông Coong năm nào cũng là giám khảo cho các trò chơi đầy chất tri thức và văn hóa của người Lự. Ông Coong lý giải về cách gọi Phật là Bun của người Lự rằng, đó có thể là tiếng đọc chệch của từ Bụt (Bụt trong tiếng Phạn là Phật, là đấng giác ngộ) thì tôi hiểu rằng, ông cũng rất am hiểu Phật pháp.
Trò chuyện với ông Coong, tôi đã hiểu cách mà người Lự bảo tồn văn hóa của tộc người mình hàng nghìn năm qua.