Thursday, Dec 21, 09:12 AM

Trong cảnh khó, tình người vẫn rạng ngời

Là một nhà báo, người dẫn chương trình chuyên về mảng y tế tại TP HCM, MC-nhà báo Ngô Thiên Chương chia sẻ về tinh thần, những vấn đề từ nhiều người anh đã gặp, trong tình hình vừa phải làm việc phục hồi kinh tế, vừa tránh để không bị nhiễm bệnh…

Trong cảnh khó, tình người vẫn rạng ngời
Trong cảnh khó, tình người vẫn rạng ngời
trong-canh-kh243-t236nh-nguoi-van-rang-ngoi_1.jpg

- Ban đầu mọi người khá hồ hởi được đi làm kiếm tiền sau nhiều tháng ở nhà. Mong được thoát khỏi tình cảnh “tiền ra mà không có tiền vô”. Song sau đó, khi văn phòng làm việc phát hiện có người F0 thì bắt đầu lo. Vậy đấy. Hầu hết những người mà tôi tiếp xúc đều vừa đi làm vừa lo. Không ít thì nhiều.

May mắn ta có vaccine và phần lớn người dân mình đã tiêm. May mắn hơn là ta sắp có thuốc kháng virus để điều trị. Nhưng không vì thế mà không lo. Ai nấy bảo nhau, cứ 5K rồi tới đâu tính tới đó. Chả nhẽ ở nhà mãi. Hy vọng đã tiêm rồi thì không bệnh nặng.

Với những bệnh nhân trong bệnh viện, các bác sĩ, y tế… ở TPHCM những ngày qua thế nào, thưa anh?

- Rất đáng quý và đáng thương. Không ai ngờ dịch lây lan nhanh và gây nhiều ca bệnh nặng như vậy. Gần 20 năm tôi làm báo mảng y tế, đây là lần đầu. Lần đầu với bệnh nhân và cả bác sĩ.  Bệnh nhân bối rối do thiếu kiến thức, có triệu chứng thì lo lắng vô cùng, rồi gọi điện cầu cứu nhưng các đường dây đều bận. Ở đầu bên kia, nhất là giai đoạn đầu, bác sĩ cũng loay hoay vì thiếu thốn từ trang thiết bị đến nhân lực và cả cách điều trị. Mãi đến về sau này, khi mọi thứ đã vào nề nếp, việc thu dung tiếp nhận điều trị mới có thể được thở phào.

Chúng ta đã rất cố gắng. Ngành Y và cả bệnh nhân đã cùng cố gắng. Vậy mà nhiều người vẫn không qua khỏi. Chúng ta vừa tưởng niệm 23 nghìn người qua đời vì Covid-19. Cứ thử tưởng tượng, ngần ấy ca tử vong là trước đó, ngần ấy lần các bác sĩ phải chạy đua với tử thần và rồi đành ngậm ngùi nuốt nước mắt nhìn người bệnh ra đi. Sẽ thấy sự khốc liệt của trận chiến.

23 nghìn chỉ là một phần. Số người nhập viện trong nguy kịch và được cứu sống còn lớn rất nhiều. Mỗi lần nhận ca bệnh là mỗi lần căng não. Chỉ riêng tại Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, tình trạng quá tải bà bầu nhiễm bệnh đã khiến nhân viên y tế gần như thức trắng đêm suốt nhiều tháng liền. Còn tại các cơ sở y tế tuyến đầu như bệnh viện như Bệnh viện Hồi sức Covid, Bệnh viện Trưng Vương, các bệnh viện dã chiến, máy thở luôn tút tút vang lên suốt đêm, những ánh mắt lo âu, những bàn tay của các bác sĩ nhăn nhúm vì tẩm cồn và những giọt nước mắt. Trong vài tháng, nhiều người sụt đến hơn chục kí lô. Vô số người dương tính. Thế nhưng họ vẫn chiến đấu. Chiến đấu và chiến đấu. Lần nào khoác bảo hộ vào thăm, tôi cũng đều xót xa.

Có thể nhìn thấy rất nhiều khó khăn và thử thách đang bao trùm lên cuộc sống của nhiều người, đi nhiều, viết nhiều, anh có thể chia sẻ điều này?

- Khó khăn thì không còn phải bàn nữa. Trừ mấy tiệm thuốc tây, tiệm tạp hóa, mấy người bán cồn bán khẩu trang… vẫn kinh doanh trong dịch, còn lại chắc ai cũng khó.

Cô em bạn tôi hai vợ chồng làm ca sĩ, dịch mấy tháng không còn tiền ăn.

Anh bạn tôi mới vay tiền đầu tư cái quán hơn 1 tỷ đồng, dịch đến… Nói chung, khó khăn tứ bề. Nhưng điều an ủi duy nhất của mọi người lúc này là còn được khoẻ mạnh. Rồi trong khó khăn, họ tìm cách động viên nhau. Rằng “khổ thì không phải chỉ có một mình mình. Thôi thì cố gắng tháo gỡ từ từ và cố gắng làm lại. Không còn cách nào khác”.

Những chia sẻ, cảm thông từ đồng nghiệp, từ tình làng nghĩa xóm, từ người thân gia đình trong khó khăn đã thể hiện ra sao qua chứng kiến của anh?

- Mẹ tôi, hay bố mẹ của các bạn đồng nghiệp tôi, những người còn ở quê có con làm việc ở thành thị, ngày nào cũng gọi điện. May mắn là ngày nay chúng ta đã có điện thoại miễn phí bằng video để được nhìn thấy nhau.

Mẹ tôi ngày nào cũng gọi. Chủ yếu là để kiểm tra xem nó có đang là F0 mà nói dối mình không. Phải gọi để nhìn. Thấy con đi đứng khoẻ mạnh mới an lòng. Bố mẹ của bạn tôi nhiều người lo lắng đến mức bảo con “thôi không khéo mày về quê sống chung, lỡ có gì còn có nhau”. Nhưng lo lắng thì nói vậy chứ về làm sao được.

Lại nói về tình làng nghĩa xóm. Phải nói qua mùa dịch mọi người trước đây không chào nhau, nay dã xích lại gần nhau hơn. Từ khi chuẩn bị giãn cách, cả cái xóm xin số điện thoại nhau để lập nhóm. Rồi sau này ai có chuyện gì thì thăm hỏi giúp đỡ. Nhà ai thiếu thốn gì thì bịt kín mặt rồi he hé cửa nhau cung cấp.

Trong dịch bệnh, nhiều chuyện nhỏ xíu vậy mà vui. Tôi biết khắp đất nước này trong những ngày dịch còn có hằng khối chuyện rơi nước mắt từ tấm lòng của người với người.

Thật may mắn khi chúng ta sống giữa xã hội mà tình cảm và sự giúp đỡ lẫn nhau luôn được coi trọng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay…

- Quá may mắn, thậm chí nó còn khiến ta thay đổi cả suy nghĩ của mình về chữ Tình giữa người với người ở cái thời tưởng chừng như ai chỉ lo việc người ấy. Đúng là như vậy. Phải rơi vào cảnh khó mới thấy cuộc đời vẫn còn đáng yêu biết bao và tình người vẫn đẹp rạng ngời.

Nếu ở những ngày đầu khi dịch bệnh mới xuất hiện, phát minh ATM gạo, hay việc hàng loạt chủ nhà giảm tiền phòng trọ cho đã giúp không ít hoàn cảnh được ấm lòng, thì mấy tháng vừa qua, sự quan tâm giữa người với người mới thực sự nở rộ và lan toả khắp nơi.

Tôi có người bạn làm chủ một quán ăn ở quận 3. Quán vừa đóng cửa không phục vụ khách do giãn cách, bạn ấy lập tức biến ngày cái bếp kinh doanh thành bếp từ thiện. Suốt mấy tháng trời, mỗi ngày mấy trăm phần thức ăn ngon từ bếp đã được chuyển đến các bệnh viện phục vụ bệnh nhân và nhân viên y tế.

Tôi có nhiều người bạn là nghệ sĩ, công việc ngừng trệ, thay vì nằm nhà, họ rủ nhau thành lập bếp tình thương. Họ nấu ngày nấu đêm, mỗi ngày họ chỉ ngã lưng vài giờ, còn lại họ làm hết việc này đến việc khác để bà con vùng phong toả có thể đủ no.

Tôi có một anh bạn là diễn viên cascadeur nổi tiếng, hoàn cảnh gia đình không khá giả, chỉ có chiếc ô tô be bé, vậy mà suốt hơn nửa năm qua, anh tình nguyện trở thành người vận chuyển. Mỗi ngày từ tờ mờ sáng đến tối, anh cần mẫn nhận hàng từ các nhà hảo tâm, rồi chuyển hàng đi khắp thành phố để trao tận tay cho hàng nghìn hoàn cảnh khốn khó ở các khu phong toả. Gọi điện hỏi thăm, người đàn ông vốn gai góc mạnh mẽ trên phim trường bắt đầu bằng mấy giây yên lặng, sau đó là khóc. Không phải khóc vì vất vả. Mà khóc vì mới chứng kiến hai người khuyết tật, dịch bệnh nằm nhà không có người mua giúp đồ ăn…

Còn và còn nhiều lắm những tấm lòng trong mùa dịch, như chàng trai 27 tuổi ở Phú Nhuận cho bộ đội và bác sĩ ở miễn phí trong 200 phòng trọ; chuyện những bà cụ, những bé học sinh góp tiền đóng quỹ vaccine; chuyện các hoa hậu, diễn viên đăng ký vào đội tình nguyện để đi chợ thay, hay xông pha vào các điểm tiêm trợ giúp… Những hành động như thế không chỉ mang ý nghĩa giúp người, mà nó còn có giá trị lan toả cho cả cộng đồng. Chính sự lan toả này đã khiến người ta cảm thấy nên làm gì đó cho đời, hoặc chí ít là thôi không còn than vãn.

Theo anh, tinh thần tích cực quan trọng thế nào và việc cùng nhau vượt khó có ý nghĩa ra sao?

- Có lẽ đây là lúc cần nhất tinh thần tích cực. Không có chúng, nhiều người khó lòng mà sống nổi. Bạn tôi, nhiều người lên Facebook đếm từng ngày không đi làm do dịch bệnh, họ than vãn rằng “kéo dài thế này chết”. Ngày nào cũng vậy. Tôi thấy mệt theo. Nên tôi chọn vào xem những người lao đi cống hiến. Họ tham gia các công tác tình nguyện, họ nấu cơm cho bác sĩ, họ làm người vận chuyển hàng hoá, họ diễn kịch online, họ làm đủ thứ dù họ nghèo. Những người này đã sử tinh thần tích cực để sống. Nó giúp họ thấy mọi thứ có ý nghĩa hơn và thậm chí còn lan toả tinh thần này cho cộng đồng.

Xin cảm ơn những câu chuyện tình người thật hay của anh. Chúc anh luôn giữ tinh thần tích cực đó trong đời sống và công việc. 

vi35752t-qu35752nh-th35752c-hi35752n
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/trong-canh-kho-tinh-nguoi-van-rang-ngoi-5674675.html Copylink