Wednesday, Mar 22, 04:03 PM

Từ tín ngưỡng đến mê tín: Ranh giới mỏng manh

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu được thờ cúng các bậc thần linh của người Việt trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng phân định rõ ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín. Bởi ranh giới giữa hai khái niệm này vô cùng ...

Từ tín ngưỡng đến mê tín: Ranh giới mỏng manh
Từ tín ngưỡng đến mê tín: Ranh giới mỏng manh

Có đi lễ nhưng không hiểu

Chính vì không hiểu rõ ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín đã khiến các tín đồ không phân định được đúng sai, chân lý dẫn đến thiếu sự kiểm soát.

tu-t237n-nguong-den-m234-t237n-ranh-gioi-mong-manh_1.jpg
Màng ranh giữa tín ngưỡng và mê tín rất mỏng manh. Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Còn nhớ, khoảng 5 năm về trước, cảnh tượng hàng nghìn người đổ về chùa Phúc Khánh dâng lễ đầu năm dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Thậm chí, thời điểm đó, tại tổ đình Phúc Khánh, người dân ngồi tràn ra đường, làm tắc nghẽn cầu vượt Ngã Tư Sở.

Hàng nghìn người xếp hàng chen chân trong biển người đi lễ chùa bất chấp lực lượng chức năng cản trở là minh chứng cho việc “có đi chùa nhưng không hiểu hết về hoạt động tâm linh”.

“Chỉ có thể lý giải chính xuất phát do lòng tham và sự mong cầu quá lớn khiến con người mất hết lý trí, bị mê tín dị đoan chi phối, tạo cơ hội cho những kẻ xấu lộng hành”, một Phật tử đánh giá.

tu-t237n-nguong-den-m234-t237n-ranh-gioi-mong-manh_2.jpg
Các Phật tử đi lễ tại đền chùa Gám (Yên Thành, Nghệ An).

Từ việc đã và đang diễn ra ở chùa Phúc Khánh cho đến vụ việc tại chùa Ba Vàng và cả những hoạt động chưa được đưa ra ánh sáng cho thấy, hoạt động tín ngưỡng cần được truyền bá rộng rãi hơn.

Bởi, chung quy nguồn cơn của mê tín xuất phát từ sự cuồng tín, u mê của nhiều người vô tình đã tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo, trục lợi tâm linh phát triển rầm rộ. 

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, thực trạng cuồng tín, mê muội không những không mất đi mà còn tồn tại âm ỉ, dai dẳng, thậm chí ngày càng nhiều, khiến con người rơi vào vòng xoáy cạm bẫy khó có thể dứt ra.

tu-t237n-nguong-den-m234-t237n-ranh-gioi-mong-manh_3.jpg
Hiện nay, có không ít người hiểu chưa đúng về hoạt động tín ngưỡng. Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Từ những suy nghĩ lệch lạc, thiếu hiểu biết, những người thường gặp hoạn nạn, khó khăn, bất hạnh đã tìm đến sự che chở của thế lực siêu hình, mong cầu bình an, yên ổn. Thậm chí, một vài trường hợp “siêng ăn, nhác làm” cũng tìm đến tín ngưỡng như là một điểm tựa để tiếp tục hão huyền về sự thành công của bản thân.

Chính những suy nghĩ lệch lạc trên đã vô tình tạo điều kiện cho mê tín, dị đoan len lỏi vào đời sống văn hóa tâm linh. Cùng với lời bói toán, dâng sao giải hạn, thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ, vung tiền để được phước báu, họ dễ bị dẫn vào con đường sai trái.

Nhờ vậy mà những kẻ truyền bá mê tín bày ra nghiệp chướng để “khủng bố” tinh thần của tín đồ, dẫn dụ họ phải dâng lễ cúng bái.

tu-t237n-nguong-den-m234-t237n-ranh-gioi-mong-manh_4.jpg
Thượng tọa Thích Nhật Từ.

Nói về thực trạng thực hành tín ngưỡng của người Việt hiện nay, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Trụ trì chùa Giác Ngộ cho rằng, ngày nay đi chùa đang trở thành nét đẹp tâm linh của người Việt. Tuy nhiên, không phải người nào đi lễ chùa cũng hiểu hết về tín ngưỡng, về giá trị của việc đi lễ chùa. Chính vì lẽ này mà dẫn đến hủ tục mê tín dị đoan đã len lỏi và xuất hiện trong đời sống xã hội.

Nói về những tác động của mê tín lên đời sống xã hội, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho hay: “Mê tín là có niềm tin vào những thứ nhảm nhí, mơ hồ, không có thật và không phù hợp với quy luật tự nhiên. Những người mắc chứng mê tín dị đoan thông thường sẽ không thể tự nhận thức được về bản thân mình hiện đang có niềm tin vào những thứ hoang đường, nhảm nhí, dị thường”.

“Dù cho những người xung quanh có nhắc nhở, khuyên bảo, ngăn cấm nhưng bản thân họ vẫn khó có thể từ bỏ những niềm tin đó. Cũng bởi vậy mà đã gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn cho bản thân, gia đình và toàn xã hội. Khi xã hội phát triển hoạt động mê tín ẩn chứa bên trong nhiều mặt trái, tiêu cực tác động xấu đến đời sống con người và cả xã hội”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh.

Đẩy mạnh truyền bá giáo lý Phật giáo

Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, thầy Thích Tuệ Minh, trụ trì chúa Gám (Yên Thành, Nghệ An) cho rằng, ranh giới giữa hoạt động tâm linh với hoạt động mê tín thường rất mỏng manh. Khi định hình được ranh giới ấy, các tín đồ sẽ cảm thấy thoải mái, tự tin hơn trong tham gia các hoạt động tâm linh...

tu-t237n-nguong-den-m234-t237n-ranh-gioi-mong-manh_5.jpg
Thầy Thích Tuệ Minh, Trụ trì chùa Gám (Yên Thành, Nghệ An).

“Hoạt động tâm linh tín ngưỡng là những hoạt động bày tỏ tình cảm thiêng liêng, sự biết ơn của người sống đối với các bậc bề trên (bao gồm Đức Phật, tổ tiên, anh hùng liệt sĩ…) có cống hiến cho đất nước, Tổ quốc nên được nhân dân suy tôn làm Thành hoàng hay các bậc Thánh Thần... đó là những điều tốt đẹp, nhân văn mà bất kỳ ai cũng cần hướng đến.

Ngược lại những điều trên với hoạt động kiểu buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan chắc chắn sẽ làm xã hội tụt hậu và đáng bị phê phán. Trong Phật giáo cũng không chấp nhận những điều đó mà luôn luôn đấu tranh để loại bỏ”, thầy Tuệ Minh đưa ra nhận định.

Theo trụ trì chùa Gám, mê tín chỉ xuất hiện khi con người thiếu đi nhận thức đúng, thiếu suy nghĩ đúng và cả phương pháp đúng.

“Tất cả các tín đồ của Tôn giáo nếu không được học về Phật giáo và Phật pháp đều có khả năng rơi vào cạm bẫy của mê tín. Chính vì lẽ này mà giải pháp đưa ra đấy là cần phải truyền bá mạnh mẽ hơn nữa các giáo lý về Phật giáo để các tín đồ có thể hiểu rõ về những chân lý, mặt tích cực, điều tốt đẹp mà Phật giáo đang hướng tới”, thầy Thích Tuệ Minh nhấn mạnh.

Thầy Thích Tuệ Minh cho rằng tâm linh tín ngưỡng là nhu cầu giống như việc đói ăn khát uống nên nếu ăn đúng uống đúng cách thì người thụ hưởng đương nhiên được lợi cả thể chất lẫn tinh thần và ngược lại.

“Khi đi chùa nếu không hiểu rõ thì hậu quả đem lại thường là sự bất an và nỗi sợ hãi, thông thường liên quan đến bệnh tật, gia đình, con cái, sự nghiệp và cả cái chết. Chưa kể, nếu đi chùa không chánh tín thì dễ bị những người khai thác tâm lí sợ hãi của mình để từ đó tạo ra nhiều việc làm tổn thất đến tài của, danh dự”, thầy Tuệ Minh nhấn mạnh.

Đưa ra biện pháp nhằm hạn chế hoạt động mê tín khi thực hành tín ngưỡng, thầy Thích Tuệ Minh thông tin, người tu học Phật cần phải nắm rõ kinh Phật, đọc kinh là để hiểu và nắm rõ những chân lý. “Chỉ có khi hiểu rõ về kinh Phật thì mới không sa vào mê tín, dị đoan, không bị kẻ xấu dẫn dụ”, thầy Tuệ Minh nói.  

tu-t237n-nguong-den-m234-t237n-ranh-gioi-mong-manh_6.jpg
TS Lưu Hồng Minh. 

Nhìn nhận vấn đề tín ngưỡng dưới góc độ của chuyên gia văn hóa, TS Lưu Hồng Minh nhấn mạnh đến vai trò của Nhà nước và Giáo dục. TS Lưu Hồng Minh cho rằng, giáo dục và nhà nước đóng vai trò quan trọng tác động đến nhận thức của con người khi mang đến nhãn quan liên quan đến giáo lý cũng như các khía cạnh của Phật giáo đến đời sống, xã hội. 

“Muốn định hướng hoạt động văn hóa tín ngưõng cần chú trọng đến sự quản lý của Nhà nước và Giáo dục. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông, truyền bá giáo lý Phật giáo đến gần hơn với công chúng. Bởi truyền thông Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc duy tu, tôn tạo các di tích, di sản văn hóa ở nước ta, cũng như phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhân văn của dân tộc Việt Nam”, TS Hồng Minh bày tỏ.

---

Hình ảnh trong bài chỉ mang tính chất minh họa không liên quan trực tiếp đến nội dung bài viết.

ho38885ng-v38885n
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/tu-tin-nguong-den-me-tin-ranh-gioi-mong-manh-5680862.html Copylink