Văn học trong đại dịch
Dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp đã khiến nhiều hoạt động văn học nghệ thuật (VHNT) phải tạm hoãn nhưng việc sáng tác của văn nghệ sĩ vẫn bám sát, phục vụ các sự kiện chính trị-xã hội. Cùng với đó là vai trò của các nhà văn, nhà thơ trong phản ...
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mỗi tác phẩm ra đời đều là thành quả nghệ thuật chứa đầy tâm huyết của nhà văn. Bởi suy cho cùng, dù là viết về đề tài gì, nói về vấn đề gì, thì tác phẩm luôn thể hiện rõ quan điểm, thái độ của nhà văn trước cuộc sống. Cái đích hướng tới của văn chương không chỉ dừng ở việc phản ánh hiện thực mà qua phản ánh hiện thực, nhà văn đều gửi những thông điệp về tư tưởng, những chuẩn mực về tình cảm, thẩm mỹ đối với xã hội và con người.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Dù không ai muốn đại dịch Covid xảy ra nhưng nó đã cho con người ta suy ngẫm nhiều hơn. Đặc biệt các nhà văn sẽ suy ngẫm về những sáng tác của mình, cho số phận của con người rất mong manh. Khi đó, tất cả những hoạt động của con người trong đại dịch này như chia sẻ, sự cảm thông, che chở nhau… gợi mở rất nhiều cho văn chương. Con người cần bảo vệ đời sống này, thế gian này nhiều hơn”.
Nhà thơ Lê Anh Hoài: Sống chậm, ngẫm nhiều hơn
Dịch Covid-19 chưa đầy 2 năm đã làm thay đổi toàn bộ đời sống con người trên toàn thế giới. Điều này dĩ nhiên khiến nhà văn, vốn là những người nhạy cảm nhất với đời sống, phải suy nghĩ và đưa những nhận thức mới này vào tác phẩm.
Nhưng những điều quá mới mẻ, không phải cứ đưa vào sáng tác là thành tác phẩm hay, sâu sắc. Tôi có quan sát những sáng tác ở nhiều thể loại, không chỉ văn chương thì thấy là có khá nhiều thứ ở dạng “phong trào”. Điều này có tác dụng nhất định, trong việc phản ánh hiện thực, cổ vũ lực lượng chống dịch, phê phán những điều chưa hay, chưa tốt. Nhưng nếu chưa đủ độ chiêm nghiệm, chưa đủ độ chín cảm xúc thì đa số những tác phẩm này cũng sẽ trôi, không đọng lại được trong lòng độc giả, khán thính giả.
Nhà thơ, nhà văn dù muốn hay không thì những gì họ viết ra cũng phản ánh hiện thực, quan trọng hơn, phản ánh đời sống tinh thần của con người trong giai đoạn họ chứng kiến, họ sống và viết. Dĩ nhiên, nhà văn cũng chỉ là một con người cụ thể với nhận thức, cảm xúc, ý hướng cá nhân; bởi vậy rõ ràng hiện thực sẽ được phản ánh dưới góc nhìn riêng. Nhiều cái nhìn, nhiều phong cách sẽ góp phần phản ánh, tái tạo một thời kỳ, xa hơn là một thời đại đầy đủ, phong phú, sâu sắc hơn.
Trong thời gian này, tôi cũng thực hiện một loạt những bài thơ mà tôi đặt tên chúng là “Ghi chép” và đánh số thứ tự theo thời gian. Gọi là “ghi chép” vì có đưa vào những sự việc nổi bật nhất, tác động mạnh nhất vào cuộc sống con người. Nhưng tôi cố gắng chắt lọc những gì gây cảm xúc nhất với cộng đồng và quan trọng nhất là với chính tôi; những gì khiến mình trăn trở, đau đớn nhất.
Nhà văn Hoàng Hiền: Văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội
Tôi đang sống tại tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh. Khi dịch bệnh bùng phát, xã hội giãn cách, đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã đứng ra quyên góp tiền bạc, vật chất để hỗ trợ bà con khó khăn. Trên hành trình đi tặng gạo và nhu yếu phẩm, họ gặp những thân phận đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt, môi trường đặc biệt. Đó là những chất liệu “quý” để họ sáng tạo nên tác phẩm của mình.
Hành trình hàng ngàn cây số của người lao động nhập cư, những hoàn cảnh vô cùng khó khăn đã tác động mạnh mẽ đến tâm thức của những người cầm bút. Giữa đại dịch, nhiều người có cơ hội “sống chậm” và ngẫm ngợi nhiều hơn. Tôi tin sẽ có rất nhiều tác phẩm hay ra đời sau đại dịch, lúc đó đại dịch đã được đẩy lùi, nhà văn bình tâm nhìn lại những sự kiện đã xảy ra, lúc đó cảm xúc đã lắng lại và nhà văn có thể tạo nên những tác phẩm hay”.
Nhà văn Phạm Thanh Thúy: Viết bằng những thôi thúc dữ dội
Đây là thời điểm mà mọi người đều “đứng ngồi không yên”. Cùng với sự lo lắng thì họ nhiệt thành, hăng say đóng góp sức người, sức của cho công cuộc phòng chống dịch trên địa bàn và cả nước. Và, cũng không ít thành phần “kỳ lạ” cố ý chống phá, cố ý gây chia rẽ. Vì thế, nhà văn, hay những người làm nghệ thuật hiểu và nóng lòng muốn phản ánh hiện thực bằng các hình thức nghệ thuật khác nhau, để làm sao không bỏ rơi chính bản thân trong giai đoạn nóng bỏng này.
Là một nhà văn, đồng thời cũng là Biên tập viên của Báo Văn nghệ, tôi nhận thấy lượng bài vở gửi về Báo Văn nghệ rất nhiều. Trong tác phẩm của mình, các tác giả đều cố gắng phản ánh sự thật, cố gắng xoa dịu những tổn thương, nói chung, họ viết bằng những thôi thúc dữ dội trong trái tim. Tuy vậy, để có thể đăng tải với tư cách một tác phẩm văn chương thì còn rất hạn chế. Hầu hết các tác giả chỉ kể về những gì mà đại đa số người ta đã và đang thấy mà thôi.