Vẻ vang Khu di tích ATK II Hiệp Hòa
Tối 27/5, tại quảng trường trung tâm thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt khu di tích ATK II Hiệp Hòa; Bằng xếp hạng di tích Quốc gia điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuy...
Ông Hoàng Công Bộ - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: Trước nay, nhiều người từng biết đến ATK (an toàn khu) ở Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan trung ương về ở và chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Thế nhưng, từ căn cứ địa Cao Bằng, hay ATK Định Hóa về thủ đô Hà Nội để lãnh đạo sẽ gặp khó khăn vì khoảng cách. Do đó, từ năm 1941, Trung ương Đảng có chủ trương xây dựng các căn cứ địa và ATK.
Với vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ Việt Bắc đi xuống đồng bằng nên ngay từ đầu năm 1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng xây dựng ATK II trên địa bàn các xã giáp ranh ba huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) và Phổ Yên, Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên). ATK II tại Hiệp Hòa được xác định là căn cứ đặc biệt quan trọng bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não, bảo vệ cán bộ chủ chốt của Đảng, giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ và Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc kỳ được liên tục, thông suốt, kịp thời.
Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia ATK II được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Ông Hoàng Công Bộ cho biết, với nỗ lực từng bước hoàn thành bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, huyện Hiệp Hòa phấn đấu đến năm 2025 có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn kiểu mẫu. Có thêm từ 10 - 15 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thôn NTM kiểu mẫu đạt 30 - 35 thôn. Các công trình hạ tầng thiết yếu được xây dựng, duy tu, bảo dưỡng đảm bảo tính kết nối, liên thông và đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Di tích ATK II Hiệp Hòa là nơi bảo vệ an toàn cho các cơ quan, cán bộ của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ và Ủy ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ; là nơi lưu niệm sự kiện lịch sử, cách mạng và kháng chiến gắn với các hoạt động của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ; đồng thời, lưu dấu ấn của các đồng chí lãnh đạo cách mạng như: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng... là nơi tổ chức nhiều Hội nghị quan trọng của Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ.
Theo hồ sơ di tích, huyện Hiệp Hòa có 16/25 xã được công nhận là xã An toàn khu II. Di tích cấp quốc gia đặc biệt ATK II Hiệp Hoà gồm 8 địa điểm, tập trung chủ yếu ở 4 xã Hoàng Vân, Hoàng An, Hòa Sơn, Xuân Cẩm. 8 địa điểm gồm: Nhà ông Ngô Văn Thấu (cụ Đồ Ba), nhà ông Nguyễn Văn Chế, nhà ông Ngô Văn Đông (Lý Đông), Soi Đền, đình Vân Xuyên, đình Chợ Vân, đình Xuân Biều và chùa Y Sơn.
Trong các di tích, đình Xuân Biều (xã Xuân Cẩm) nổi tiếng là nơi đầu tiên trên toàn quốc đứng lên giành chính quyền năm 1945. Đêm 9/3/1945, Hội Nghị Ban thường vụ Trung ương mở rộng do đích thân Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì họp tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Kết thúc Hội nghị, ngày 12/3/1945, Tổng Bí thư Trường Chinh đã ra chỉ thị nổi tiếng: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản chỉ thị đã có tác dụng rất kịp thời, chỉ đạo và phát huy tinh thần độc lập sáng tạo của Đảng.
Di tích nhà cụ Đồ Ba (Ngô Văn Thấu) xã Hoàng Vân là cở sở cách mạng đầu tiên của ATK II Hiệp Hòa khi vào tháng 8/1938 đồng chí Hoàng Quốc Việt - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ về gây dựng cơ sở cách mạng tại tổng Hoàng Vân và được bố trí ở tại gia đình cụ Đồ Ba. Các con của cụ Đồ Ba được giác ngộ cách mạng và sau này trở thành những cán bộ cấp cao.
ATK II Hiệp Hòa ghi dấu nhiều hoạt động của Tổng Bí thư Trường Chinh. Ví như tại nhà cụ Nguyễn Văn Chế (cụ Hựu), thuộc xóm Đá, làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân. Ngày 19/11/1942, Trung ương Đảng đã khai mạc lớp tập huấn chính trị cho cán bộ các tỉnh thuộc Bắc Kỳ tại nhà cụ Hựu. Lớp huấn luyện gồm 8 học viên do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng trực tiếp giảng bài.
Cũng tại Vân Xuyên, ngày 1/6/1945, tự vệ tổng Hoàng Vân cùng lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Giang đã tập trung ở đình Vân Xuyên tiến vào huyện lỵ giành chính quyền, thành lập chính quyền cách mạng.
ATK II Hiệp Hòa cũng là nơi đã diễn ra Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ lần thứ Nhất do Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập. Hội nghị được tổ chức họp tại nhà cụ Ngô Văn Đông (Lý Đông), thuộc thôn Liễu Ngạn, xã Hoàng Vân. Tham dự hội nghị có đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Văn Tiến Dũng, các cán bộ lãnh đạo các chiến khu, cán bộ xây dựng kinh tế, hậu cần cho quân đội và các đại biểu du kích, tự vệ ở nhiều địa phương khác về dự, dưới sự chủ trì của đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng. Đây là Hội nghị đặc biệt quan trọng đã đề ra chủ trương thúc đẩy hoạt động vũ trang, tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Cũng vào tối 27/5 là Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia địa điểm ghi dấu Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm thôn Cẩm Xuyên xã Xuân Cẩm. Từ tháng 10/1954 đến tháng 2/1955, Đảng, Chính phủ đã chọn thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm làm nơi mở Trường tập huấn của Đoàn ủy Đoàn cải cách ruộng đất. Hơn 2.000 cán bộ cải cách đoàn Thái Nguyên, Bắc Giang đã về đây học tập. Ngày 8/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về làm việc với Ban cán sự Đoàn ủy Đoàn cải cách ruộng đất tại đình Cẩm Xuyên...