Sunday, May 24, 09:05 AM

Làng nghề sản xuất cốc thủy tinh uống bia hơi độc quyền ở Nam Định

Làng nghề thổi thủy tinh Xối Trì, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định từng được biết đến là nghề “hái” ra tiền vào những năm 1980 của thế kỷ XX. Nhờ bám nghề mà nhiều gia đình ở đây có “của ăn, của để”, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Làng nghề sản xuất cốc thủy tinh uống bia hơi độc quyền ở Nam Định
Làng nghề sản xuất cốc thủy tinh uống bia hơi độc quyền ở Nam Định

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, xã hội ngày càng phát triển, nhiều ngành nghề khác cho thu nhập cao hơn nên số xưởng sản xuất sản phẩm thủy tinh ở làng nghề Xối Trí giảm dần theo năm tháng. Hiện, làng nghề chỉ còn 1 vài xưởng vẫn đỏ lửa hoạt động. 

Đi quanh 1 vòng làng nghề, chúng tôi nhận thấy các xưởng sản xuất đồ thủy tinh hiện chủ yếu sản xuất cốc thủy tinh để uống bia hơi là chủ yếu.

Những người thợ làm nghề thổi thuỷ tinh ở Xối Trì cho biết, nguyên liệu để sản xuất cốc thủy tinh gồm thủy tinh vỡ vụn được thu mua ở những cơ sở làm kính. Nguyên liệu được phân loại sạch sẽ trước khi đưa vào lò nung nóng.

Trung bình, một mẻ thủy tinh thường được nấu và ủ trong khoảng thời gian từ 4 - 5 tiếng. Khi đạt tới gần 2000°C thì những mảnh thủy tinh sẽ tan chảy thành thể lỏng.

Để sản xuất không bị gián đoạn, mỗi dây chuyền sản xuất cốc thủy tinh có 5 thợ thổi hơi tạo dáng cốc, 1 thợ cắt miệng cốc, 1 thợ ủ tro để cốc nguội từ từ.

Mỗi người sẽ dùng chiếc ống kim loại dài khoảng 2m, lấy thủy tinh nóng chảy từ trong lò ra, liên tục lăn khối thủy tinh đó trên bề mặt phẳng có bôi chút mỡ để tạo độ trơn, nhẵn, bóng và tạo khối trụ cho chiếc cốc. 

Sau đó, người thợ dùng miệng thổi vào một đầu ống thổi khối thủy tinh đang nóng chảy để giãn nở theo ý muốn và nhanh chóng đưa khối thủy tinh vào khuôn. 

Chiếc cốc được định hình trong khuôn lập tức được chuyển sang máy thổi giảm nhiệt rồi mới đến khâu cắt miệng cốc.

Người thợ cắt miệng cốc ngồi bên bếp lửa nóng rực có trách nhiệm thực hiện công đoạn cắt mép, làm tròn miệng cốc. 

Xong công đoạn này, người thợ khác sẽ đưa những chiếc cốc hoàn chỉnh còn nóng rực đi ủ nguội bằng tro sạch, với mục đích để cốc không bị nứt, nẻ đột ngột.

Công việc đóng gói cốc thủy tinh thường nhẹ nhàng, đỡ vất vả nên chủ yếu là lao động nữ, lớn tuổi đảm nhận việc này.

Lãng Hồng - Văn Chiến
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/lang-nghe-san-xuat-coc-thuy-tinh-uong-bia-hoi-doc-quyen-o-nam-dinh-a221719.html Copylink