Monday, Jun 21, 08:06 AM

Mùa hè nóng và trái vải ngọt

Mỗi đợt dịch Covid-19 xảy ra, nỗi lo lớn nhất đối với người nông dân một nắng hai sương làm ra nông sản đó là đầu ra cho sản phẩm. Cùng với sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương còn có sự đóng góp không nhỏ của những người làm báo.

Mùa hè nóng và trái vải ngọt
Mùa hè nóng và trái vải ngọt
Báo chí chung tay tiêu thụ vải

Dịch Covid-19 đợt 4 xảy ra được đánh giá là nguy hiểm và phức tạp hơn những đợt dịch trước đó và Bắc Giang được đánh giá là tâm dịch đợt này, đúng lúc mùa vụ thu hoạch vải cận kề. Cùng với việc xây dựng các kịch bản cụ thể, chi tiết để có thể tiêu thụ vải thiều thuận lợi, đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Bắc Giang đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phân phối và cả cơ quan truyền thông chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Mùa hè nóng và trái vải ngọt
Báo chí góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Ngay sau đó, hàng loạt các bài viết tuyên truyền về chất lượng vải thiều Bắc Giang, về việc vải thiều Bắc Giang tiếp tục được xuất khẩu đến những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, về việc tạo điều kiện tiêu thụ nội địa thuận lợi... và cả công tác bảo vệ vùng trồng không để bị tác động bởi dịch bệnh cũng đã được báo chí, truyền thông vào cuộc với hàng trăm bài viết nhằm định hướng thị trường tiêu thụ giúp người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm.

Khi có thông tin lan truyền về "vải thiều bị ép giá 2.000 đồng/kg" lan trên mạng xã hội, cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường thì trên các mặt báo, các thông tin chính thống như: "Bắc Giang: Sự thật về "vải thiều bị ép giá 2.000 đồng/kg" lan trên mạng xã hội" đăng trên báo Thanh niên; "Bắc Giang: Không có chuyện vải thiều Lục Ngạn bị ép giá còn 2.000 đồng/kg" đăng trên báo Lao động… đã đồng loạt minh oan cho trái vải.

Mận Sơn La, vải Bắc Giang, vải Thanh Hà (Hải Dương) bán trên các trang thương mại điện tử cũng được các báo đưa tin để người tiêu dùng có thể mua hàng trên các nền tảng trực tuyến, vừa góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Trên Báo Công Thương, hàng loạt bài viết như: Tạo thuận lợi lưu thông, hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử; tiếp tục mở rộng tiêu thụ vải thiều trên nền tảng số; Hà Nội: Quản lý thị trường kết nối siêu thị MM Mega Market Thăng Long tiêu thụ vải thiều Bắc Giang; Big C "bắt tay" Grab Việt Nam hỗ trợ nông sản Bắc Giang; Bộ Công Thương: Chung tay cùng Bắc Giang tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản… đã được đăng tải liên tục.

Xông pha không quản ngại

Ngay giữa tâm dịch, hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều đã được UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại 30 điểm cầu trong nước và quốc tế, bao gồm: 22 điểm cầu trong nước, 8 điểm cầu tại Nhật Bản, Australia, Singapore và Trung Quốc. Nhà báo Quang Lộc, Cấn Dũng (Báo Công Thương) đã có mặt đưa tin sự kiện. Song hành với tác nghiệp để có bài viết nhanh nhất, hay nhất gửi về tòa soạn công tác phòng dịch Covid-19 được các nhà báo đặt lên hàng đầu. Bởi lẽ, phòng, chống dịch không chỉ mỗi cá nhân mà còn vì cả gia đình, đồng nghiệp và xã hội. Nhà báo Quang Lộc chia sẻ, chúng tôi được Bộ Công Thương và Báo Công Thương tạo điều kiện tiêm phòng dịch Covid-19 sớm để đi tác nghiệp, chúng tôi yên tâm nhưng không chủ quan, cố gắng tốt nhất hoàn thành nhiệm vụ.

Tại Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 tổ chức hồi cuối năm 2020, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng ghi nhận, trong các thời khắc đầy khó khăn, thách thức trước thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19, cùng với hệ thống chính trị, lực lượng báo chí đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, chủ động ứng phó linh hoạt, sáng tạo trong thông tin, tuyên truyền; càng khó khăn, càng thách thức, trách nhiệm xã hội của người làm báo càng được thể hiện rõ nét.

Nhiều nhà báo đã không quản hiểm nguy bám sát hiện trường, dũng cảm, dấn thân đi vào tâm dịch, tâm bão để kịp thời chuyển tải, cung cấp những thông tin thời sự, nóng hổi, chân thật nhất về phòng, chống dịch bệnh, về thiên tai. Nhiều tác phẩm báo chí ở tất cả các loại hình báo chí đã góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị nước ta; thể hiện ý chí, sức mạnh của dân tộc Việt Nam; và để cho thế giới hiểu hơn về một Việt Nam đoàn kết, kiên cường, mạnh mẽ, chủ động, linh hoạt trong ứng phó với thiên tai, dịch bệnh.

nguy12222n-h12222nh
Theo Công Thương https://congthuong.vn/mua-he-nong-va-trai-vai-ngot-159268.html Copylink