Mở ngành học mới đón đầu xu thế
Năm 2025, một số trường đại học (ĐH), cao đẳng sẽ mở các chương trình, ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, ngành học mới là xu hướng tất yếu nhưng thí sinh cũng cần cẩn trọng tìm hiểu, tránh chạy theo trào lưu ngành hot nhưng không phù hợp với bản thân.
ĐH Bách khoa Hà Nội đã có kế hoạch mở chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù về ô tô số, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Chương trình này, tương đương trình độ thạc sĩ, được xây dựng bởi Trường Cơ khí và trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông. Các đối tượng tuyển sinh bao gồm cử nhân các ngành như Kỹ thuật ô tô, Khoa học máy tính, An toàn thông tin và Kỹ thuật cơ điện tử. Đại diện nhà trường nhấn mạnh, chương trình này nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp ô tô và phần mềm chuyên dụng trong tương lai.
Năm 2025, Trường ĐH Luật TPHCM dự kiến mở thêm 2 ngành mới nên sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Về phương án tuyển sinh, trường đang bàn thảo kế hoạch tuyển sinh năm 2025 sao cho phù hợp với thực tế.
Trường ĐH FPT tiếp tục mở rộng danh mục đào tạo trong năm 2025. Các ngành dự kiến mở là chuyên ngành đang khát nhân lực, có triển vọng trong tương lai như: Công nghệ tài chính (Fintech), Tài chính ngân hàng số (Digital Banking and Finance), Tài chính doanh nghiệp, Tài chính đầu tư, Luật kinh tế, Luật thương mại quốc tế được đưa vào đào tạo.
Việc các trường mở ngành học mới đã không còn là bất ngờ mỗi mùa tuyển sinh bởi đây là xu thế tất yếu đáp ứng nhu cầu lao động trong nước và hướng đến mục tiêu vươn ra khu vực và quốc tế. Riêng năm 2024, nhiều cơ sở giáo dục còn mở các ngành học trái với truyền thống đào tạo trước đó như trường kinh tế lấn sân sang đào tạo lĩnh vực kỹ thuật… Dẫu điều này không xung đột với Luật Giáo dục, các trường được tự chủ tuyển sinh, mở ngành mới khi đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo song với sản phẩm đào tạo ra là con người, việc mở ngành mới cần được cân nhắc cẩn trong.
Theo TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, thách thức lớn cho hệ thống giáo dục hiện nay đó là công nghệ luôn phát triển rất nhanh. Những gì chúng ta dạy ngày hôm nay có khi hai năm nữa đã lạc hậu. Vì thế, các trường cần sẵn sàng bắt nhịp với cái mới để phù hợp với thực tiễn.
Đây cũng là lưu ý của nhiều chuyên gia đối với quá trình đào tạo ở bậc ĐH cần trang bị cho sinh viên không chỉ là kiến thức mà cần chú trọng rèn luyện mọi mặt, bao gồm cả kỹ năng, thái độ để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Không ít doanh nghiệp cho biết phải đào tạo lại sinh viên sau khi tuyển dụng. Dù có nhiều cách lý giải khác nhau nhưng đây là một thực tế không thể phủ nhận khi hầu hết sinh viên sau khi tốt nghiệp đều thiếu kỹ năng mềm.
Đưa ra lời khuyên với người học về việc chọn ngành, chọn trường, đặc biệt là các ngành mới mở, các chuyên gia cho rằng hiện nay các trường ĐH, cao đẳng trên cả nước đều đào tạo đa ngành, đa nghề và đa lĩnh vực. Không nên chỉ dựa vào độ “hot” hiện tại mà cần cân nhắc sự kết hợp giữa đam mê cá nhân và sự phát triển xã hội. Đồng thời, để không thất nghiệp trong tương lai, không chỉ cần cân nhắc việc chọn học ngành nào mà quan trọng hơn đó là phải không ngừng học hỏi và nâng cao kiến thức. Đây là yếu tố cần thiết để người học có thể thích ứng với sự thay đổi liên tục của thị trường lao động.
Bác sỹ Đỗ Doãn Bách - 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 từng chia sẻ lý do khi chọn học ngành y là vì cảm nhận được niềm vui khi được giúp đỡ người bệnh. Dẫu vậy, vị bác sĩ này cũng nhấn mạnh bên cạnh đam mê, mỗi người cũng cần phải hiểu xem bản thân mình có năng lực thế nào và lựa chọn nghề nào thì phải có trách nhiệm với nghề nghiệp đó.
Trong bối cảnh xã hội phát triển hiện nay, tất cả các lĩnh vực đều cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Dù chọn ngành học nào, học ở ngôi trường nào thì kiến thức, kỹ năng, thái độ của chính ứng cử viên mới là yếu tố quyết định người đó có được tuyển dụng hay không, hoàn toàn không phụ thuộc vào bằng cấp mà người đó sở hữu.