Wednesday, May 24, 10:05 AM

Vì sao, xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Âu Mỹ tăng đột biến?

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang khu vực châu Âu, châu Mỹ như Pháp, Cuba… trong những tháng đầu năm 2024 có sự tăng đột biến. Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhận định, khu vực Âu Mỹ mặc dù không phải là thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm, tuy nhiê

Vì sao, xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Âu Mỹ tăng đột biến?
Vì sao, xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Âu Mỹ tăng đột biến?

Đánh giá của Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), nhìn chung, xuất khẩu gạo sang khu vực châu Âu - châu Mỹ chỉ chiếm 1 tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch. “Tổng kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang khu vực Âu Mỹ trong năm 2023 đạt 283 triệu USD, tăng 15,7% so với năm trước”, thống kê của Tổng cục Hải quan.

Tại khu vực châu Á - châu Mỹ trong Qúy I/2024 có sự tăng đột biến, đạt 181,2 nghìn tấn, trị giá 135,9 triệu USD (tăng 218,3%) so với cùng kỳ. Có được sự tăng đột biến này là do quý I/2024, xuất khẩu gạo sang thị trường Cuba đạt 82,9 triệu USD, tăng 492,1% (chiếm tỷ trọng 61,0% tổng xuất khẩu sang khu vực châu Âu - châu Mỹ).

Hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sang Pháp trong Quý I/2024 ghi nhận tăng đột biến, đạt 18,2 nghìn tấn với giá trị 19,1 triệu USD, tăng 180 lần so với cùng kỳ năm 2023. (Ảnh: Tạp chí Công thương)
Hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sang Pháp trong Quý I/2024 ghi nhận tăng đột biến, đạt 18,2 nghìn tấn với giá trị 19,1 triệu USD, tăng 180 lần so với cùng kỳ năm 2023. (Ảnh: Tạp chí Công thương)

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu gạo sang khu vực châu Âu trong Quý I/2024 đạt 45,9 nghìn tấn với giá trị đạt 41,4 triệu USD, tăng 117,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ghi nhận lượng gạo xuất khẩu sang Pháp tăng đột biến, đạt 18,2 nghìn tấn với giá trị đạt 19,1 triệu USD, tăng 180 lần so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường nhập khẩu gạo chính tại khu vực châu Âu gồm: Pháp (19,1 triệu USD, tỷ trọng 46,1%); Đức (4 triệu USD, tỷ trọng 9,7%); Hà Lan (3,2 triệu USD, tỷ trọng 7,7%); Ba Lan (2,2 triệu USD, tỷ trọng 5,3%); Anh (2,2 triệu USD, tỷ tọng 5,3%); Nga (1,9 triệu USD, tỷ trọng 4,6%); Séc (1,6 triệu USD, tỷ trọng 3,9%)

Còn kim ngạch xuất khẩu gạo sang khu vực châu Mỹ đạt 135,3 nghìn tấn với giá trị là 94,5 triệu USD, tăng 298,7% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường nhập khẩu gạo chính tại khu vực châu Mỹ gồm: Cuba (82,9 triệu USD, tỷ trọng 87,7%); Hoa Kỳ (7,3 triệu USD, tỷ trọng 7,7%); Canada (2,9 triệu USD; tỷ trọng 3,1%); Brazil (0,9 triệu USD, tỷ trọng 0,1%).

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhận định: Khu vực Âu Mỹ mặc dù không phải là thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm, tuy nhiên khu vực này hứa hẹn sẽ có nhiều tiềm năng trong tương lai bởi nhu cầu của thị trường này ổn định, trong khi đó thị phần của Việt Nam mới chỉ chiếm một phần nhỏ và còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Cùng với đó, khu vực Âu Mỹ cũng là khu vực mà Việt Nam có thể tận dụng nhiều ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký như EVFTA, UKVFTA và CPTPP. Trong khi đó, một số đối thủ chính của Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan không được hưởng các ưu đãi về thuế này.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong xuất khẩu gạo, bởi những thị trường này được đánh giá là rất khắt khe, khó tính với các sản phẩm nông sản, thực phẩm… đặc biệt là các thị trường như EU, Hoa Kỳ,… có rất nhiều quy định và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón hay kể cả các tiêu chuẩn lao động, xã hội,… “Đây được coi là rào cản lớn đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam sẽ tốn thêm nhiều chi phí cho việc tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn.” - Đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhấn mạnh.

Cũng theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, gạo Việt Nam sẽ khó cạnh tranh về giá, chất lượng, mẫu mã với các đối thủ chính ở phân khúc phổ thông, trước những quốc gia đã có mặt tại thị trường này rất lâu và chiếm phần lớn thị phần như Thái Lan và Ấn Độ, tuy nhiên Việt Nam sẽ có cơ hội lớn ở phân khúc cao cấp tại thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Gạo Việt Nam sẽ khó cạnh tranh về giá, chất lượng, mẫu mã với các đối thủ chính ở phân khúc phổ thông...
Gạo Việt Nam sẽ khó cạnh tranh về giá, chất lượng, mẫu mã với các đối thủ chính ở phân khúc phổ thông...

Vì vậy, để tiếp tục khai thác có hiệu quả và mở rộng thị trường, hoạt động xuất khẩu gạo sang khu vực Âu Mỹ cần tiếp tục phát triển theo hướng: Trở thành nhà cung cấp phân khúc gạo cao cấp khi thâm nhập vào thị trường châu Âu, châu Mỹ; Chiến lược phát triển ngành lúa gạo phải hướng tới mục tiêu gia tăng giá trị, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế; Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung cũng như nguồn hàng bền vững cho thị trường.

Tập trung xuất khẩu sang khu vực Âu Mỹ các loại gạo thơm, giá trị cao, là đặc sản, đặc trưng và có thương hiệu của Việt Nam và phát triển các sản phẩm chế biến từ gạo như phở, bún, bánh đa,… để mang lại hiệu quả tốt hơn.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có khả năng xuất khẩu qua các kênh thương mại điện tử và điều này sẽ giúp cho gạo Việt Nam phát triển một cách năng động hơn tại nhiều thị trường trong khu vực châu Âu, châu Mỹ.

Từ ngày 6-8/6 tới đây, Bộ Công Thương tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế” - Viet Nam International Sourcing 2024 tại TP. Hồ Chí Minh và mặt hàng gạo cũng sẽ là mặt hàng được nhiều đối tác thu mua quan tâm.

Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” (Viet Nam International Sourcing 2024) được tổ chức nhằm thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.

Minh An (t/h)
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/vi-sao-xuat-khau-gao-viet-nam-sang-thi-truong-au-my-tang-dot-bien-a220577.html Copylink