Thursday, May 22, 10:05 AM

Cách phòng chống và chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng ngoài việc dùng thuốc và vệ sinh theo hướng dẫn của bác sĩ, cần có chế độ chăm sóc nâng cao thể trạng cho trẻ bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, ăn uống đủ dinh dưỡng.

Cách phòng chống và chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng
Cách phòng chống và chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng
Nguồn: TTXVN.
Nguồn: TTXVN.

Theo Bộ Y tế, dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng trong thời gian tới đây. Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 5.500 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh hiện chưa có vaccine phòng bệnh.

Những điều cha mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Theo SKĐS, ThS. BS Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E thông tin về những điều cha mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng.

Theo ThS. BS Trương Văn Quý, trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện mệt mỏi, sốt tùy mức độ từ nhẹ đến sốt cao 39-40 độ. Sau đó xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ (2 - 3 mm) nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ.

Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét làm trẻ đau rát, khó ăn uống. Tiếp đó ở bàn chân, bàn tay, mông cũng xuất hiện các mụn nước, bọng nước, không gây đau rát.

Trẻ bị bệnh tay chân miệng cần được khám điều trị và theo dõi sát để có thể kịp thời phát hiện các biểu hiện nặng của bệnh.

Bệnh có thể biểu hiện thể nhẹ dưới dạng tổn thương da, niêm mạc, sốt nhẹ, mệt mỏi hoặc ở những thể nặng như tổn thương thần kinh biểu hiện như li bì, giật mình, yếu liệt chi. Thậm chí rất nặng như tổn thương cơ qua hô hấp và tuần hoàn với biểu hiện khó thở, phù phổi cấp. Bệnh tay chân miệng thể nặng cần được theo dõi và điều trị tại bệnh viện, đặc biệt ở những cơ sở y tế có các trung tâm hồi sức Nhi khoa.

Vì vậy, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được hướng dẫn điều trị đúng cách.

c225ch-ph242ng-chong-v224-cham-s243c-tre-mac-benh-tay-ch226n-mieng_1.jpeg
Trẻ mắc tay chân miệng cần được bác sĩ khám và hướng dẫn điều trị đúng cách. Ảnh: SKĐS.

Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ

Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng và các điều trị hỗ trợ. Thông thường bệnh diễn biến trong vòng 1 tuần đến 10 ngày thì các triệu chứng sẽ hết.

Nếu trẻ phải nhập viện điều trị, cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định điều trị của bác sĩ. Các trường hợp trẻ mắc bệnh nhẹ, bác sĩ có thể cho điều trị tại nhà. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để trẻ nhanh khỏi và phòng ngừa biến chứng.

Trước hết cần cách ly trẻ bệnh tại nhà. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ thì dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn. Ngoài ra có thể chườm ấm cho trẻ cũng góp phần giảm thân nhiệt và giảm số lần dùng thuốc hạ sốt.

Theo dõi nếu trẻ có các biểu hiện như: Sốt cao trên 39 độ, hạ sốt không giảm, trẻ li bì, giật mình, run tay chân, yếu liệt chi, tím tái… thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc.

Giữ vệ sinh phòng ngừa bội nhiễm

Để phòng tránh bội nhiễm, cha mẹ cần lưu ý vệ sinh da cho trẻ, vệ sinh các vùng da có mụn phỏng, nhất là các vết loét trong miệng.

Chú ý đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng ngoài việc dùng thuốc và vệ sinh theo hướng dẫn của bác sĩ, cần có chế độ chăm sóc nâng cao thể trạng cho trẻ bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, ăn uống đủ dinh dưỡng.

- Do trẻ sẽ rất khó chịu, đau rát miệng và chán ăn nên cần cho trẻ ăn thức ăn lỏng, ấm, chia thành nhiều bữa nhỏ. Thức ăn nên xay nhỏ, nấu thành cháo, súp giúp trẻ ăn dễ hơn và dễ hấp thu hơn.

- Để tăng cường sức đề kháng, giúp trẻ nhanh hồi phục sau khi nhiễm trùng đường hô hấp, cha mẹ nên lựa chọn các thực phẩm giàu vitamin A, C như: thịt, trứng, sữa, cá, tôm…; các loại rau có màu xanh sẫm; các loại củ quả có màu vàng đỏ… trong các bữa ăn của trẻ.

Đặc biệt nên cho trẻ ăn thực phẩm chứa nhiều kẽm như: thịt gà, lòng đỏ trứng... vì chất kẽm vừa có tác dụng tăng cường sức đề kháng vừa làm các vết thương, vết loét chóng lành hơn, giúp trẻ nhanh hồi phục.

Cần lưu ý: Thức ăn cho trẻ cần được lựa chọn từ nguồn thực phẩm an toàn, đảm bảo đã nấu chín kỹ. Vật dụng ăn uống phải rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi). Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa...

Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ.

bph42050c-t42050ng-h42050p
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/cach-phong-chong-va-cham-soc-tre-mac-benh-tay-chan-mieng-5687311.html Copylink