Cần biện pháp hiệu quả để ‘bóc tách’ F0
Theo các chuyên gia y tế, Hà Nội cần tập trung xét nghiệm vùng nguy cơ cao, đối tượng nguy cao nhằm nâng cao tính hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, từng quận, huyện cần tiếp tục nâng cao các biện pháp phòng dịch, “phản ứng nhan...
Tập trung lấy mẫu xét nghiệm vùng, đối tượng nguy cơ cao
Hà Nội huy động các lực lượng xét nghiệm thần tốc, quét nhiều vòng để giúp bóc tách rất nhanh các ca F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước thu hẹp các vùng đỏ, vùng vàng và mở rộng vùng xanh trong khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó, từ ngày 6 đến ngày 12/9, Hà Nội xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn địa bàn thành phố.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội chop rằng, xét nghiệm chỉ giúp phát hiện, khoanh vùng, dập dịch sớm khi trả kết quả trong ngày. Nếu việc trả kết quả được thực hiện sau 2-3 ngày thì việc xét nghiệm không còn giá trị trong phòng, chống dịch.
Theo kết quả xét nghiệm diện rộng có trọng điểm đợt 3 tại Hà Nội, tính đến hết ngày 7/9, toàn thành phố lấy được 817.765 mẫu, đạt 81,78% kế hoạch. Kết quả có 685.519 mẫu có kết quả (11 mẫu dương tính và 685.508 mẫu âm tính), còn lại 132.246 mẫu chưa có kết quả. Nếu thực hiện xét nghiệm toàn dân trên địa bàn TP, tỷ lệ mẫu dương tính sẽ thấp hơn. Theo đó, việc thực hiện xét nghiệm chưa phát huy được tối đa hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch.
“Xét nghiệm là cần thiết nhưng Hà Nội nên tập trung xét nghiệm vùng, đối tượng có nguy cơ cao. Hà Nội không nên quá nóng vội trong việc loại bỏ hết F0 ra khỏi cộng đồng mà triển khai xét nghiệm toàn dân, không hiệu quả cả về mặt phòng, chống dịch và kinh tế xã hội” - ông Hùng lưu ý.
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng dịch, kế hoạch xét nghiệm diện rộng
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện nay, UBND quận Hoàn Kiếm chỉ đạo Trung tâm VHTT quận phối hợp các phường tập trung làm tốt công tác tuyên truyền (thông qua hệ thống loa truyền thanh phường, trang thông tin điện tử phường, nhóm Zalo các tổ dân phố…) để người dân nắm được mục đích, ý nghĩa của việc xét nghiệm sàng lọc diện rộng phát hiện nhiễm SASR-CoV-2 trên địa bàn quận.
Công tác đảm bảo an toàn trong việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của quận đặc biệt chú trọng, thông qua triển khai nhiều biện pháp. Trong đó, tổ chức tập huấn về kỹ thuật lấy mẫu cho cán bộ lấy mẫu xét nghiệm; chỉ đạo Trung tâm Y tế quận phối hợp với UBND 18 phường đảm bảo trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch tại mỗi điểm lấy mẫu xét nghiệm, cung cấp đủ dụng cụ phòng hộ cho người lấy mẫu xét nghiệm: quần áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay, dung dịch sát khuân tay nhanh, phun hóa chất khử khuẩn môi trường trước và sau khi lấy mẫu.
Quá trình tổ chức lấy mẫu phải đảm bảo giãn cách, các phường chia giờ lấy mẫu theo từng số nhà để không tập trung đông người, giao phòng y tế quận phối hợp với các đơn vị kiểm tra, giám sát chặt chẽ các điểm tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo thực hiện đúng các quy định chuyên môn, không để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh trong khi thực hiện lấy mẫu.
Đối với quận Đống Đa, một trong những địa bàn phát sinh các “ổ dịch” phức tạp, ông Phan Thế Long - Văn phòng UBND quận Đống Đa cho biết, hiện quận đã chỉ đạo tổ chức phát thanh 4 buổi/ngày với thời lượng 30 - 45 phút/buổi, tuyên truyền bằng loa kéo tại các ngõ phố, chợ dân sinh, hồ nước, vườn hoa và các khu vực công cộng. Nội dung tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 17 của UBND thành phố ngày 23/7/2021, Công điện số 18, 19 của UBND thành phố về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP để phòng, chống dịch Covid-19. Hiện nay quận đang thực hiện tuyên truyền Công điện số 20 của UBND thành phố về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở vùng nguy cơ cao, thực hiện xét nghiệm toàn dân trên địa bàn TP.
Ông Long thông tin thêm, hiện có 193.121/ 381.502 thuê bao cài đặt và sử dụng Bluezone trên địa bàn quận (51,03%), có 2.808/3.962 cơ sở đã đăng ký điểm kiểm dịch và quét mã QRCode.
Phản ứng nhanh đối với các ca bệnh mới
Sáng ngày 8/9, lực lượng chức năng phường Phúc Xá, quận Ba Đình đã cho dựng barie, rào chắn khu dân cư 113/71, đường Tân Ấp do có 4 trường hợp là F2 đã cách ly, được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Trước đó, gia đình này có một F1 cách ly tập trung nên những người trong gia đình được xác định là F2 được cách ly tại nhà, không tiếp xúc với ai.
Theo ông Ngô Ngọc Điển, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Phúc Xá, quận Ba Đình, ngay sau khi có kết quả dương tính của 4 trường hợp trên, CDC Hà Nội và y tế quận Ba Đình đã lấy mẫu cho cư dân sống quanh nhà của 4 người này, được khoảng 223 mẫu gộp và 8 mẫu lẻ, hiện đang tiếp tục xét nghiệm mở rộng ra thêm các khu xung quanh.
Tương tự, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai cũng mới ra thông báo về việc tạm thời phong toả chợ Đại Từ từ 21h30 ngày 7/9 do có ca nghi nhiễm Covid-19 là tiểu thương tại chợ. Các lực lượng chức năng được phân công nhiệm vụ sẽ có trách nhiệm lập chốt kiểm soát tại khu vực này. Trong thời gian giãn cách xã hội, chợ Đại Từ có 190 hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Khi phát phiếu đi chợ, phường Đại Kim đã thông báo là người dân có thể đi chợ Đại Từ và các siêu thị, nên trong thời gian tạm thời phong tỏa chợ, người dân trên địa bàn phường có thể đi mua hàng ở các siêu thị gần nhà. UBND phường Đại Kim cũng đã tạm thời phong tỏa các khu dân cư liền kề, bao gồm 1.200 hộ dân thuộc 5 tổ dân phố 5, 6, 9, 10, 11.
Chiều 8/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine phòng, chống Covid-19 cho người dân trên địa bàn thành phố. Để đạt kế hoạch sẽ có 11 tỉnh, TP tham gia hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm, tiêm chủng gồm 7 tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên; và 4 tỉnh Hà Nội đề nghị hỗ trợ là Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng.
H.Vũ