Thursday, Dec 21, 07:12 AM

Cần làm rõ chức năng của trạm y tế lưu động

Trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19 trên địa bàn Hà Nội trong những ngày qua, thành phố đã khẩn trương chuẩn bị các trạm y tế lưu động, sẵn sàng các kịch bản ứng phó khi lượng F0 tăng cao.

Cần làm rõ chức năng của trạm y tế lưu động
Cần làm rõ chức năng của trạm y tế lưu động

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm thành phố Hà Nội xung quanh nguy cơ bùng phát dịch cũng như các biện pháp phòng, chống dịch đang được triển khai tại Thủ đô.

can-l224m-r245-chuc-nang-cua-tram-y-te-luu-dong_1.jpg

PV: Ông nhận định ra sao về tình hình diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội trong những ngày gần đây?

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Theo quan điểm của cá nhân tôi thì dịch Covid-19 tại Hà Nội vẫn đang trong tầm kiểm soát. Bởi lẽ, để đánh giá về tình hình dịch bệnh thì chúng ta cần dựa trên một vài yếu tố như mức độ ca nhiễm, tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng và số ca tử vong do dịch bệnh, cùng với đó là tỷ lệ người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Nếu dựa theo những tiêu chí này, chúng ta có thể thấy, hầu hết các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn chỉ nằm ở cấp độ 2, bên cạnh đó là tỷ lệ bệnh nặng, tử vong cũng nằm ở mức thấp, song song với đó là tỷ lệ người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 cũng đang ở mức rất cao.

Một điều cần phải nhắc đến, đó là trải qua 2 năm Covid-19 xuất hiện thì người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã đủ hiểu biết về SARS-CoV-2 cũng như các biện pháp để phòng chống virus này.

Ngoài ra, Hà Nội có một thuận lợi rất lớn là không chỉ có các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội trên địa bàn mà còn các bệnh viện thuộc Trung ương, nên nếu bàn về năng lực điều trị thì Hà Nội cũng không ở mức quá tải. Tôi cho rằng, số ca mắc tăng trong thời gian qua là sự phản ánh về vấn đề nới lỏng các biện pháp giãn cách.

Để ứng phó với số ca mắc tăng cao, Hà Nội đã triển khai thực hiện điều trị F0 tại nhà, cùng với đó là thành lập hơn 500 trạm y tế lưu động. Ông đánh giá thế nào về năng lực ứng phó của Thủ đô khi lượng F0 đang tăng cao từng ngày?

- Việc điều trị F0 tại nhà đã được quán triệt và có cơ sở thành công thực tế tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Hà Nội triển khai là phù hợp với tình hình và đúng thời điểm. Nếu thực hiện tốt, ngành y tế sẽ không bị quá tải kể cả trong trường hợp có 3.000 ca mắc một ngày.

Tuy nhiên, thực tế công việc được triển khai như thế nào lại là vấn đề chúng ta cần phải bàn lại. Theo những thông tin được công bố, tôi cho rằng số ca mắc Covid-19 được điều trị tại nhà trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn nằm ở mức thấp. Đồng thời, nhiều địa phương thành lập trạm y tế lưu động nhưng lại thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại đó, việc này cần xem xét lại.

Cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế lưu động. Tôi cho rằng, chỉ với 5-10 nhân viên và thành lập chủ yếu dựa trên các trạm y tế xã, phường thì đây không thể là nơi thu dung, điều trị F0 được mà chỉ đóng vai trò là nơi cấp cứu ban đầu và vận chuyển người dân tới những cơ sở điều trị Covid-19 khi F0 điều trị tại nhà có những dấu hiệu chuyển nặng.

Cần hiểu, khi người dân biết mình mắc Covid-19, tâm lý lo sợ, hoang mang là không thể tránh khỏi, với những F0 không triệu chứng, nồng độ virus thấp đã được điều trị tại nhà thì vai trò của trạm y tế lưu động ở đây là theo dõi sức khỏe của người dân, giúp người dân tin tưởng hơn vì có nhân viên y tế bên cạnh khi cần bằng các biện pháp như gọi điện thoại, Zalo và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

Trạm y tế lưu động không thể thực hiện chức năng của bệnh viện dã chiến. Mặt khác, như đã nói ở trên, việc tư vấn, hướng dẫn cho người dân đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị F0 tại nhà. Hà Nội cần có sự chuẩn bị trong trường hợp bệnh nhân tăng cao, các trạm y tế lưu động, các bệnh viện quá tải.

Lúc này cần có sự tham gia của những đội tư vấn tình nguyện, của lực lượng y tế tư nhân, của các nhân viên y tế có kinh nghiệm đã nghỉ hưu. Cần đảm bảo khi người dân có khó khăn, thắc mắc cần được hướng dẫn thì sẽ có người tư vấn qua điện thoại. Tránh tình trạng người dân gọi nhưng không có ai trả lời, khi đó người dân hoang mang, tự mình đi tới các cơ sở y tế sẽ khiến nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm.

Ông có thể đưa ra một vài khuyến cáo đối với F0 điều trị tại nhà, cũng như các địa phương để việc điều trị F0 tại nhà thực sự được hiệu quả?

- Về các biện pháp phòng, chống dịch và điều trị, đã được quy định vô cùng chi tiết tại hướng dẫn của Bộ Y tế ban hành. Đội ngũ y tế tại địa phương cần nắm vững các quy định về hướng dẫn cách ly.

Bên cạnh đó, cần truyền thông, hướng dẫn cho người dân được điều trị tại nhà ý thức được nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh có thể xảy ra chỉ trong 1 chút lơ là, không hợp tác. Bên cạnh đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền cơ sở và lực lượng y tế trong giám sát, theo dõi sức khỏe của người bệnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

ngh36194a-to36194n-th36194c-hi36194n
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/can-lam-ro-chuc-nang-cua-tram-y-te-luu-dong-5675363.html Copylink