Chào đời trong đại dịch
Hơn 4 tháng qua, đại dịch Covid-19 ở TP HCM cũng như các tỉnh phía Nam mang đến nỗi đau mất mát của nhiều gia đình. Cũng trong thời gian này đã có hàng ngàn em nhỏ chào đời trong hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo, mang lại sự hạnh phúc vô bờ bến cho n...
Đặt tên con là “bé Vy”
Mỗi sinh linh bé nhỏ chào đời là một niềm vui, sự hạnh phúc. Điều đó càng đặc biệt hơn với gia đình vợ chồng chị Phạm Thị Vân (25 tuổi) ở huyện Thạnh Hóa (Long An). Chị Vân kể, hồi cuối tháng 6 vừa qua chị cùng chồng lên Bệnh viện Hùng Vương (Quận 5, TP HCM) khám bầu theo định kỳ. Nhưng rồi bác sĩ phát hiện chị nhiễm Covid-19 ở tuần mang thai thứ 35.
Chị kể đây mới là lần đầu tiên làm mẹ nên rất lo lắng. Sau đó vợ chồng bàn bạc, quyết định phẫu thuật sinh sớm theo tư vấn từ bác sĩ.
“Lúc đó tôi sợ lắm, sợ Covid-19, sợ con trong bụng bị ảnh hưởng gì đó nên nghĩ sinh sớm ngày nào hay ngày đó. Thực sự thì sức khỏe tôi lúc đó rất bình thường, có sốt với ho một chút nhưng không cảm thấy mệt mỏi gì cả. Nhưng vẫn cứ sợ. Buổi tối đó phẫu thuật rồi tôi được chuyển sang phòng hồi sức. Do bé sinh sớm hơn 2 tuần nên được các y bác sĩ chăm sóc trong phòng riêng, chồng tôi cũng không được gặp nhưng anh vẫn ở dưới sảnh bệnh viện suốt mấy ngày”, chị Vân kể.
“Ngày hôm sau tôi tỉnh lại sau phẫu thuật nhưng cũng phải ở phòng riêng vì đang nhiễm Covid-19. Các bác sĩ thông báo bé vẫn khỏe mạnh nên tôi cũng có động lực lắm. Rồi chừng một tuần sau tôi âm tính trở lại, con cũng được cho về với mẹ. Lúc ôm con vào lòng cho bé bú mình mới hết lo lắng”, chị Vân nhớ lại.
Chị Vân còn kể thêm, do sinh con khi đang bị nhiễm Covid-19 nên vợ chồng chị đặt tên còn là bé Tường Vy. “Trước nghe nói Covid-19 thì sợ lắm nhưng thời gian qua mới biết cũng không phải quá lo lắng. Hiện nay bé Vy nhà tôi đã gần 4 tháng tuổi, khỏe mạnh và uống sữa rất nhiều. Con cũng ngoan, không quấy gì cả và do các y, bác sĩ thực hiện đúng quy trình nên bé cũng không bị mắc Covid-19 hay ảnh hưởng gì khi sinh sớm cả dù bé vừa chào đời đã là... F1. Đến giờ tôi vẫn thầm cảm ơn các y bác sĩ ở trên đó”, chị Vân cho biết.
Cũng sinh con trong lúc dịch bệnh Covid-19 ở TP HCM diễn biến phức tạp và cũng đặt tên con Vy nhưng hoàn cảnh của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng (ngụ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) lại khá khác biệt.
Chị Hồng kể, hồi tháng 9 vừa qua chị sinh một bé gái ở Bệnh viện Hùng Vương. Sau ít ngày “mẹ tròn con vuông” thì chị được bệnh viện cho về nên đặt một chiếc xe taxi. Ngoài hai mẹ con chị còn có chị gái đi cùng chăm sóc.
Tuy nhiên khi tới chốt kiểm tra nằm giáp ranh trên địa bàn TP HCM và Long An thì lực lượng chức năng phát hiện tài xế xe taxi có giấy test nhanh Covid-19 không hợp lệ, đã quá thời gian 3 ngày theo quy định nên bị buộc yêu cầu quay đầu xe.
“Nhà tôi giáp với thành phố nhưng không có xe thì không thể đi bộ về được, nhất là khi mới sanh bé được 4 ngày. Chưa biết tính sao thì mấy anh chị làm nhiệm vụ ở chốt lấy xe ôtô của công an chở về. Quãng đường từ chốt về nhà chỉ 15 cây số thôi nhưng thật quá cảm động. Lúc về tới nhà ai cũng mừng, cảm ơn anh công an lái xe nhưng tới nay cũng không biết mặt ảnh, chỉ nhớ tên là Thành mà thôi”, chị Hồng kể lại.
Hạnh phúc trong bất an
Những ngày chuẩn bị chào đón đứa con thứ hai của gia đình anh Đặng Văn Tuấn (36 tuổi) ở thành phố Dĩ An (Bình Dương) lại khá hồi hộp, lo âu. Anh Tuấn bảo bà xã anh đã sinh cậu trai bé bỏng hôm đầu tháng 10, tới nay hai mẹ con đều mạnh khỏe. Nhưng trước đó từ hồi cuối tháng 7, lúc con sắp chào đời thì con hẻm nhà anh Tuấn xuất hiện nhiều người là F0.
“Lúc đó nghe tới F0 là tôi sợ lắm, thấy hàng xóm bảo F0 rất nhiều, cả ngàn người nên mình cũng bất an. Rồi người ta kéo nhau về quê tránh dịch, đồn thổi đủ thứ sợ hãi khiến gia đình cũng bất an. Vợ bảo như thế này không biết có tới bệnh viện được không vì nhiều nơi bị phong tỏa, nhiều bệnh viện có F0 nữa. Thậm chí hai vợ chồng còn tính chạy xe về quê ngoại ở dưới Hàm Tân (Bình Thuận) để tránh dịch và sinh em bé. Nhưng rồi thông tin người qua được chốt, người không qua được khiến hai vợ chồng mình không dám về”, anh Tuấn chia sẻ.
Cũng theo anh Tuấn, lúc vợ anh mang bầu thời gian cuối gia đình lo lắng sợ bị nhiễm Covid-19. Rồi những tháng trước thường đưa vợ đi khám định kỳ bên Thủ Đức (TP HCM) vì giáp ranh nhưng dịch bệnh không di chuyển được không biết thế nào.
“Thời gian đó thực sự rất lo lắng. Nhưng cuối cùng thì cũng qua, vợ tôi sinh ở bên Bệnh viện Thuận An, cách nhà cũng không xa lắm. So với lúc mới bùng dịch thì ít bữa trước khi đi sanh tình hình đã cơ bản được kiểm soát nên không lo lắng nhiều. Giờ gia đình có thêm cậu con trai nên ai cũng hạnh phúc”, anh Tuấn chia sẻ thêm.
Dù không có thống kê chính thức nhưng thời gian qua, những phụ nữ mang bầu, phụ nữ khi sinh em bé bị nhiễm Covid-19 ở TP HCM và các tỉnh phía Nam khá nhiều, lên đến hàng ngàn người. Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh của Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết, từ đầu mùa dịch này đến nay (khoảng 4 tháng), khoa đã nhận nhiều ca sơ sinh F1 từ bà mẹ F0. Tất cả đều sanh non từ 29-30 tuần với cân nặng lúc sanh từ 1.000g-1.500g.
Ngay khi chào đời các bé đều được đặt Nội khí quản, trong đó 6 ca cần phải thực hiện thủ thuật bơm surfactant xâm lấn (thuốc trưởng thành phổi) tại khoa Cấp cứu. Sau khi được chăm sóc đặc biệt theo quy trình đủ ngày tháng, các bé được chuyển lên khoa Hồi sức sơ sinh cách ly điều trị 14 ngày sau khi xét nghiệm PCR SARS-CoV-2 âm tính. Hàng tuần, bác sĩ đều gọi điện cho ba hoặc mẹ bé để thông tin về tình hình sức khoẻ bé hiện tại, với những ca nặng thì liên lạc báo tin thường xuyên hơn. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp không liên lạc được với cả ba lẫn mẹ bé vì cả hai đều đang điều trị Covid-19.
Bác sĩ Tâm cảm thấy rất vui và ấm lòng khi được là những người tham gia điều trị cho bé ngay từ giây phút lọt lòng mẹ. Dù vậy đến thời điểm này chưa có ca sơ sinh nào từ mẹ F0 chuyển dương với Covid-19, và cũng không có ca tử vong do sinh non.
TP HCM và các tính phía Nam đã trải qua một khoảng thời gian đặc biệt, khi rất nhiều sự việc bình thường cũng trở nên đặc biệt. Ở đó, người ta mới thấy hết sự đùm bọc, sẻ chia, yêu thương để cùng nhau chào đón những điều hạnh phúc phía trước. Với những em bé chào đời trong khoảng thời gian này, các em bắt đầu hành trình cuộc sống của mình với niềm hạnh phúc xen lẫn chút bất an trong lòng mỗi bậc cha mẹ. Và có lẽ đó mới chính là điều hạnh phúc có giá trị, đáng trân trọng hơn.
TP HCM và các tính phía Nam đã trải qua một khoảng thời gian đặc biệt, khi rất nhiều sự việc bình thường cũng trở nên đặc biệt. Ở đó, người ta mới thấy hết sự đùm bọc, sẻ chia, yêu thương để cùng nhau chào đón những điều hạnh phúc phía trước. Với những em bé chào đời trong khoảng thời gian này, các em bắt đầu hành trình cuộc sống của mình với niềm hạnh phúc xen lẫn chút bất an trong lòng mỗi bậc cha mẹ. Và có lẽ đó mới chính là điều hạnh phúc có giá trị, đáng trân trọng hơn.