Friday, Jun 22, 08:06 AM

Chủ động ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ

Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da.

Chủ động ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ
Chủ động ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ
chu-dong-ung-ph243-voi-benh-dau-m249a-khi_1.png
Ảnh minh họa.

Khoảng 300 ca mắc/nghi mắc trên toàn thế giới

Bệnh đầu mùa khỉ là căn bệnh không mới, nó được phát hiện lần đầu tiên ở những đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu vào năm 1958. Sau đó bệnh mới được phát hiện ở người vào năm 1970. Thế nhưng, trong những ngày qua, thế giới đã ghi nhận đợt bùng phát lớn nhất bệnh đầu mùa khỉ bên ngoài châu Phi.

Vốn là một căn bệnh đặc hữu có nguồn gốc từ khu vực Trung Phi và Tây Phi nhiều năm qua, đậu mùa khỉ trong những tuần qua bất ngờ lan rộng sang các khu vực khác, chưa rõ nguyên nhân. Khoảng 200 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và hơn 100 ca nghi mắc đã được phát hiện tại các quốc gia vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này.

Cụ thể, chỉ trong chưa đầy một tháng kể từ khi Anh xác nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại nước này vào ngày 7/5, đến nay các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã tăng mạnh trên toàn cầu. Báo cáo mới được công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, tính đến ngày 29/5, cơ quan này đã nhận được báo cáo của 257 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và khoảng 120 trường hợp nghi ngờ tại 23 quốc gia ngoài châu Phi. Tại châu Phi, nơi bệnh đậu mùa khỉ thường được phát hiện, từ đầu năm tới nay đã ghi nhận 1.365 ca mắc, 69 trường hợp tử vong.

Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Ban thường bắt đầu với 1 đến 3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy. Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.

Mới nhất, Mỹ xác nhận một bệnh nhân đầu tiên lây virus từ người mang trùng sang người bệnh trong đợt bùng phát này. Ca nhiễm thứ cấp được phát hiện ở California. Cơ quan y tế của Anh cũng xác nhận về những trường hợp đầu tiên lây nhiễm từ người sang người tại nước này.

Theo WHO, đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh có thể lây lan từ động vật sang người và cũng có thể lây truyền giữa người với người. Trước đợt bùng phát vào tháng 5 vừa qua, căn bệnh này thường được thấy ở Trung Phi và Tây Phi - nơi có nhiều rừng nhiệt đới và nơi các loài động vật có thể mang virus thường sinh sống.

Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Ban thường bắt đầu với 1 đến 3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy. Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.

Từ cơ chế lây nhiễm có thể thấy, đậu mùa khỉ ít có khả năng lây truyền rộng và nhanh chóng như SARS-CoV-2, và tỷ lệ tử vong tại các nước thường thấy nằm ở mức 3-6%. WHO cũng đánh giá, rủi ro sức khỏe mà căn bệnh này có thể gây ra cho cộng đồng nằm ở mức trung bình.

Thế nhưng, chính cơ quan này cũng thừa nhận: “Tỷ lệ tử vong này có thể cao hơn thực tế do hoạt động giám sát ở các nước lưu hành bệnh còn hạn chế. Nguy cơ sức khỏe cộng đồng cũng có thể tăng cao hơn trong trường hợp virus đậu mùa khỉ biến đổi để dễ dàng lây nhiễm từ người qua người hơn và tấn công vào các nhóm có nguy cơ cao như trẻ nhỏ và người bị ức chế miễn dịch”.

Chủ động ứng phó

Để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khỉ và kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong, Bộ Y tế đã có các văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế và các đơn vị liên quan chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ như Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Congo, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Sierra Leone và Nam Sudan.

Mặt khác, tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp với các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh; chủ động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Bác sĩ Ngô Thanh Hà - Trung tâm phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho hay, đậu mùa khỉ có hai chủng, một chủng là nguồn gốc từ Congo, tỷ lệ tử vong là 10%. Còn chủng khác lưu hành ở Tây Phi, tỷ lệ tử vong chỉ có 1%. Hiện tại chủng đang lưu hành ở Anh và châu Âu là chủng ở Tây Phi.

Theo bác sĩ Hà, hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã thành lập các đơn vị tiếp nhận thông tin bệnh này. Nếu người đi từ vùng dịch tễ về, khi liên hệ bệnh viện qua đường dây nóng thì sẽ được cách ly và điều trị sớm cho người bệnh. Tốt nhất, bệnh nhân nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ cần được phát hiện sớm kịp thời cách ly. Trong trường hợp phát hiện ở giai đoạn muộn cũng nên đến bệnh viện để truy vết, cách ly, điều trị phòng ngừa, hỗ trợ và theo dõi người tiếp xúc gần. Phòng bệnh rất quan trọng với cộng đồng.

chu-dong-ung-ph243-voi-benh-dau-m249a-khi_2.jpg

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TPHCM:

Tốc độ lây nhiễm của bệnh không cao

Đậu mùa khỉ không phải là bệnh mới, trước đến nay đây là căn bệnh hiếm gặp ngoài châu Phi.

Về mặt lây truyền, đậu mùa khỉ cũng chỉ mang tính lây nhiễm cục bộ. Cụ thể hơn, các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, khi người nhiễm không có triệu chứng thì đậu mùa khỉ không có khả năng lây truyền cho người khác, còn khi đã có triệu chứng thì rất dễ nhận biết bởi những nốt tổn thương lớn trên da, phần nhiều khi đó người mắc đã biết được tình trạng và tới cơ sở y tế để điều trị hoặc tự cách ly.

Tiếp theo, đậu mùa khỉ chỉ có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp qua da, hoặc qua những giọt bắn rất lớn, virus đậu mùa khỉ không lơ lửng trong không khí nên tốc độ lây nhiễm của nó không hề cao.

Về triệu chứng, đậu mùa khỉ cũng rất dễ phân biệt nhờ những mụn nước trên da người bệnh và thông thường, người bệnh nổi hạch. Đây là căn bệnh duy nhất khiến người bệnh vừa xuất hiện mụn nước vừa nổi hạch. Tuy nhiên, cũng khá dễ nhầm lẫn giữa đậu mùa khỉ và thủy đậu vì mụn nước gần giống nhau trong khi thời điểm hiện tại đang là thời gian lưu hành của bệnh thủy đậu.

Thực tế, chúng ta chưa cần lo lắng tới đậu mùa khỉ và người dân cũng không cần lo lắng, hoang mang vì như đã nói, đây là căn bệnh hiếm gặp với cơ chế lây truyền thấp. Những căn bệnh lây truyền từ người qua người vẫn ở mức hiếm. Có thể nói, một căn bệnh chỉ có nguy cơ bùng phát thành đại dịch lớn khi nó phát triển, biến đổi làm sao để dễ dàng lây nhiễm từ người sang người, trong khi đó, các nhà khoa học đã giải trình tự gen và thấy những căn bệnh đậu mùa khỉ thời gian qua không ghi nhận sự biến đổi của virus.

chu-dong-ung-ph243-voi-benh-dau-m249a-khi_3.jpg

PGS. TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh

Bệnh đậu mùa khỉ thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Bệnh thường kéo dài từ 2-4 tuần và các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể từ 5-21 ngày sau khi nhiễm virus. Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ lúc khởi phát thường là sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Bệnh đậu mùa khỉ có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch bạch huyết sưng to trong khi bệnh đậu mùa thì không.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine cho bệnh này. Người mắc thường tự khỏi. Tiêm vaccine đậu mùa có thể phòng tránh được đậu mùa khỉ, khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo không nên tiêm tràn lan mà chỉ tiêm ở vùng có nguy cơ, người tiếp xúc gần

Để phòng bệnh, người dân cần giữ vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, khử khuẩn, không ngủ chung chăn, gối với người nhiễm bệnh, cách ly y tế người nhiễm.

Người dân không nên lo lắng quá, nhưng cũng không được chủ quan, lơ là. Mặc dù Việt Nam chưa phát hiện thấy có bệnh nhân đậu mùa khỉ, song nước ta vẫn lưu hành bệnh thủy đậu, Zona virus, bệnh phát ban có mọng nước… Vì vậy, người dân khi có các triệu chứng trên cần đến cơ sở y tế để thăm khám và loại trừ.

Nghĩa Toàn (ghi)

42468c-tr42468n
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/chu-dong-ung-pho-voi-benh-dau-mua-khi-5687926.html Copylink