Saturday, Aug 21, 07:08 AM

Cứ 5 người trưởng thành thì 1 người mắc tăng huyết áp

Không phải ngẫu nhiên mà thế giới coi tăng huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng”.

Cứ 5 người trưởng thành thì 1 người mắc tăng huyết áp
Cứ 5 người trưởng thành thì 1 người mắc tăng huyết áp

Những con số thống kê do Hội Tim mạch học Việt Nam cho thấy, khoảng 1 tỷ người trên toàn thế giới bị tác động bởi căn bệnh này với 9,4 triệu người chết mỗi năm và dự kiến, số người bị tăng huyết áp có thể lên tới 1,5 tỷ người vào năm 2025.

Nguy hiểm hơn, bộ phận rất lớn người dân ở nước ta còn mang quan niệm sai lầm, chủ quan cho rằng khi có triệu chứng như bồn chồn, lo lắng, đổ mồ hôi, khó ngủ và mặt thường bị đỏ mới cần điều trị tăng huyết áp. Tuy nhiên, lý do chính khiến tăng huyết áp được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng” bởi nó thường không có triệu chứng rõ ràng và rất khó phát hiện. Thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh.

BS Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Việt Đức cho biết, 95% tăng huyết áp không có nguyên nhân, thường tập trung ở nhóm người trung niên và cao tuổi, còn lại 5% tăng huyết áp có nguyên nhân thường tập trung ở nhóm người trẻ. Những nguyên nhân gây tăng huyết áp thường do bệnh lý về thận như suy thận, sỏi thận, viêm cầu thận cấp.

BS Bình nhấn mạnh, những biến chứng của tăng huyết áp rất nguy hiểm, khó lường, thậm chí gây tử vong. Trong các ca bệnh về tim mạch, đột quỵ hiện nay, khoảng 70% liên quan đến tăng huyết áp. Đặc biệt đáng quan tâm, trong đại dịch Covid-19 như hiện nay, những nghiên cứu mới nhất và số liệu thống kê đều chỉ ra, những người mắc tăng huyết áp có thể dễ phải nhập viện và bệnh nặng hơn do SARS-CoV-2. Nhiều bằng chứng cho thấy, những người trẻ tuổi bị tăng huyết áp không thể kiểm soát hoặc không được điều trị có nguy cơ mắc Covid-19 thể nặng hơn so với những người khác.

PGS.TS Phạm Quốc Khánh - chuyên gia về tim mạch cho biết, hệ thống miễn dịch yếu là một lý do người bị tăng huyết áp có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn. Ngoài ra, quá trình lão hoá cũng làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, tạo điều kiện cho virus xâm nhập dễ dàng hơn. Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, người mắc các bệnh lý về tim mạch nói chung và tăng huyết áp nói riêng là một trong những đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng nếu mắc Covid-19. Một nghiên cứu trên người nhiễm Covid-19 cho thấy, tỷ lệ tử vong ở người có bệnh nền tim mạch cao gấp 5 lần so với người bình thường.

Một nguy cơ khác có thể đến với người mắc tăng huyết áp trong mùa đại dịch được BS Nguyễn Anh Quân - Viện Tim Mạch, Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra rằng, một số bệnh nhân vì yêu cầu hạn chế đi lại nên có thể trì hoãn việc khám lại theo lịch hẹn, không liên hệ với bác sĩ để được tư vấn tiếp tục dùng thuốc theo đơn. Điều này là cực kỳ nguy hiểm, vì căn bệnh tăng huyết áp có thể gây ra những biến chứng cấp tính, nặng nề, thậm chí đe doạ tính mạng người bệnh như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch chủ…nếu không tuân thủ điều trị.

Trong mùa dịch bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh mắc tăng huyết áp, cần duy trì lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ. Nên vận động vừa sức, đảm bảo hạn chế tiếp xúc theo các quy định phòng chống dịch và có chế độ ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất. Bên cạnh đó, người bệnh nên ngủ đủ giấc, không căng thẳng quá mức và không lạm dụng rượu bia, các chất kích thích. Nếu có các triệu chứng khó thở, nặng ngực, mệt mỏi ngày càng tăng dần hoặc huyết áp, tần số tim không ổn định, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị để nhận được hướng dẫn xử trí phù hợp. Nếu bị các triệu chứng nặng như khó thở, đau ngực nhiều, tím tái, lú lẫn…cần gọi ngay đơn vị cấp cứu để được chuyển đến bệnh viện gần nhất.           

n-to21461n
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/cu-5-nguoi-truong-thanh-thi-1-nguoi-mac-tang-huyet-ap-5663681.html Copylink