Sunday, Dec 21, 09:12 AM

Dấu hiệu chẩn đoán sốt xuất huyết ở trẻ em

Trong 6 tháng cuối năm nay, số ca sốt xuất huyết ở trẻ em tăng khá nhiều.

Dấu hiệu chẩn đoán sốt xuất huyết ở trẻ em
Dấu hiệu chẩn đoán sốt xuất huyết ở trẻ em

Theo BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (TPHCM) nhiều trường hợp bố mẹ với tâm lý e ngại bệnh viện, thấy trẻ có triệu chứng nhẹ nên tự điều trị ở nhà. Khi trẻ rơi vào tình trạng sốt cao không hạ, có biến chứng, trụy mạch cần phải hồi sức chống sốc và hỗ trợ hô hấp tích cực mới đưa đi cấp cứu. Đối với các trường hợp này, quá trình điều trị rất khó khăn.

Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhi bị sốt xuất huyết đều cần nhập viện. Do vậy, phụ huynh cần nắm rõ dấu hiệu, thăm khám thường xuyên để có chỉ định phù hợp. Để chẩn đoán sốt xuất huyết, trẻ sốt cao khó hạ cần được khám và thực hiện xét nghiệm máu. Tùy tình trạng của bệnh nhân và kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ quyết định bệnh nhi có thể điều trị và theo dõi tại nhà hay cần theo dõi tại bệnh viện.

Cũng theo BS Thoa, có một số phụ huynh vì thấy con sốt cao và ăn uống kém nên muốn bé được truyền dịch. Việc truyền dịch cho trẻ sốt xuất huyết khi chưa có chỉ định và ngoài môi trường bệnh viện rất nguy hiểm.

Bởi lẽ, khi trẻ bị sốt xuất huyết, chỉ định truyền dịch sẽ được cân nhắc dựa trên các dấu hiệu, thời gian mắc bệnh cũng như kết quả xét nghiệm máu. Nếu chỉ định truyền dịch không phù hợp có thể làm cho diễn tiến và việc điều trị bệnh không thuận lợi.

Khi theo dõi trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà, bố mẹ cần lưu ý những dấu hiệu cảnh báo sau: Trẻ hết sốt nhưng bứt rứt, lừ đừ, tay chân lạnh, vã mồ hôi (thường là vào ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh). Trẻ có dấu hiệu ngủ nhiều, không chơi, quấy khóc liên tục hay các trẻ lớn có biểu hiện đau bụng hoặc nôn ói cần tái khám ngay.

Với những trẻ không chịu uống nước và có nguy cơ thiếu nước hay đặc máu thì cần nhập viện để bác sĩ xem có cần bổ sung dịch truyền hay không. Trẻ bị chảy máu chân răng, chảy máu cam, tiêu ra máu, tiểu ra máu hay một số trẻ gái đến tuổi hành kinh có lượng máu kinh ra nhiều hơn bình thường thì cần chú ý đưa đến bệnh viện.

Ngoài dấu hiệu cảnh báo trên, phụ huynh cần theo dõi nhiệt độ của trẻ. Trong trường hợp trẻ hạ sốt đột ngột nhưng không được khỏe thì có thể tình trạng chuyển nặng. Phụ huynh cần thường xuyên theo dõi nhiệt độ của trẻ để nắm được diễn tiến ngày bệnh và kịp thời hạ sốt cho trẻ. Có thể kết hợp dùng thuốc hạ sốt nhóm paracetamol, lau mát và uống nhiều nước.

Trẻ cần uống thuốc hạ sốt đúng liều theo hướng dẫn của bác sĩ. Phụ huynh không tự ý tăng liều hạ sốt khi thấy bé sốt cao không hạ, nếu lạm dụng có thể ảnh hưởng đến chức năng gan.

Ngoài ra, BS Kim Thoa lưu ý, trong quá trình trẻ bệnh, nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, hạn chế cho bé ăn những thực phẩm có màu đỏ, đen để có thể theo dõi tình trạng xuất huyết tiêu hóa trong trường hợp bé nôn ói hay đi tiêu ra máu.

Cần cho trẻ uống nhiều nước như dung dịch điện giải, nước dừa, nước cam, nước chanh... Trẻ sốt trên 2 ngày cần được đưa đến cơ sở khám chữa bệnh để chẩn đoán sốt xuất huyết.             

tm
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/dau-hieu-chan-doan-sot-xuat-huyet-o-tre-em-5676341.html Copylink