Điện quang can thiệp tạo hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị bệnh
Đây là kỹ thuật tiên tiến được áp dụng trong các bệnh liên quan đến hệ thần kinh.
Hội nghị Điện quang can thiệp toàn quốc lần thứ 9 diễn ra trong 2 ngày (22 và 23/4/2022) tại Bệnh viện Bạch Mai. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hậu Covid-19 theo 2 hình thức: trực tuyến và trực tiếp. Trước Hội nghị diễn ra Hội thảo về đào tạo chuyển giao kỹ thuật điện quang can thiệp lấy huyết khối.
Tham dự hội nghị lần này có khoảng 100 đại biểu (trực tiếp) và 1.000 đại biểu (trực tuyến) là các Giáo sư, Bác sĩ cùng đông đảo các đồng nghiệp đến từ các tỉnh, thành trong cả nước
Đặc biệt, hội nghị còn có sự tham gia của 17 giảng viên nước ngoài là các giáo sư, bác sĩ, kỹ thuật viên đến từ các nước: Đức, Pháp, Canada, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và 18 giảng viên, báo cáo viên Việt Nam là các chuyên gia trong lĩnh vực điện quang can thiệp thần kinh, ngoại biên, can thiệp các tạng có uy tín trên thế giới.
Hội nghị là dịp để các bác sĩ trong và ngoài chuyên ngành, các Bệnh viện trong toàn quốc cập nhật kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực điện quang can thiệp để cùng nhau phát triển, đào tạo lĩnh vực điện quang can thiệp cho các Bệnh viện, sử dụng tối đa các phương tiện hiện có, giúp triển khai các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu nhằm chẩn đoán, điều trị triệt để, tăng cường khả năng hồi phục và rút ngắn thời gian nằm viện, từ đó tránh quá tải cho các Bệnh viện.
Trước đây, lĩnh vực điện quang can thiệp tại Việt Nam được thực hiện rất đơn lẻ tại một số bệnh viện lớn như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 115. Tuy nhiên, đến năm 2010, Chi hội Điện quang can thiệp mới được thành lập. Ban đầu, từ một chi Hội chỉ có khoảng 50 hội viên thì đến nay đã có khoảng hơn 500 hội viên.
Trước đây, để thực hiện các kỹ thuật can thiệp gặp rất nhiều khó khăn như: phải thực hiện dưới các máy chiếu tăng sáng, thiếu các trang bị máy chụp mạch số hóa xóa nền, vật liệu can thiệp rất đắt tiền chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam và bệnh nhân không đủ khả năng chi trả.
Do đó, chỉ thực hiện được một số kỹ thuật rất đơn giản như: chụp mạch máu, nút động mạch phế quản để cầm máu, chụp mạch chi… Đến nay, do điều kiện kinh tế phát triển, các trang bị các máy móc chụp mạch hiện đại được trang bị tới các bệnh viện tuyến tỉnh, các vật liệu can thiệp sẵn có và đặc biệt đã được BHYT (bảo hiểm y tế) chi trả một phần chi phí, giúp tạo điều kiện cho các bệnh nhân tiếp cận được các kỹ thuật cao.
Nhờ sự giúp đỡ, nhiệt tình của các chuyên gia nước ngoài đến từ Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Đài Loan (Trung Quốc)…, và các chương trình dự án (1816, NORRED..), đào tạo chuyển giao kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ việc từ các Bác sĩ Bệnh viện tuyến Trung ương, cho tới nay trên toàn quốc đã có khoảng 30 Bệnh viện thực hiện được các kỹ thuật điện quang can thiệp, trong đó có khoảng gần 20 đơn vị có thể thực hiện được các kỹ thuật điện quang can thiệp thần kinh.