Thursday, May 22, 09:05 AM

Điều dưỡng - những người thầm lặng

Hầu hết người bệnh đều nhớ tên, nhớ mặt và mang ơn bác sĩ điều trị cho mình. Thế nhưng, ít người nhớ tới những điều dưỡng - những nhân viên y tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bệnh viện. Họ được ví như những “người hùng thầm lặng”

Điều dưỡng - những người thầm lặng
Điều dưỡng - những người thầm lặng
dieu-duong-nhung-nguoi-tham-lang_1.jpg
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân Ảnh: BV Trung ương Quân đội 108.

Những chiến sĩ tuyến đầu

PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá, lực lượng điều dưỡng có vai trò quan trọng không thể phủ nhận. "Trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 ở nước ta, đặc biệt trong giai đoạn thứ 4, chúng ta đã thấy nhiều tấm gương về những điều dưỡng nỗ lực, làm việc hết mình, họ xa gia đình, con thơ nhiều ngày, gác lại niềm riêng để vào tâm dịch phục vụ người bệnh tại những bệnh viện điều trị Covid-19. Sự miệt mài, tận tâm, tận lực cống hiến của những người thầy thuốc, của lực lượng điều dưỡng đó đã góp phần đẩy lùi đại dịch"- ông Khuê nhấn mạnh.

Thực tế, trong những thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nước ta thời gian trước, các điều dưỡng tại tuyến xã, phường đang làm việc ngày đêm, không có ngày nghỉ, thực hiện công tác truy vết, tiêm chủng, kiểm soát nhiễm khuẩn..

Khảo sát mới nhất của Công đoàn Y tế Việt Nam đối với 70 công đoàn cơ sở trực thuộc trong thời gian chống dịch Covid-19, số giờ làm việc gia tăng (trung bình 3,65 giờ/ngày) đối với các đơn vị trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt tại các cơ sở y tế thực hiện khám, chữa bệnh.

ThS Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam chia sẻ, đại dịch Covid-19 giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn và thuyết phục hơn về sự đóng góp của điều dưỡng, với vai trò là những chiến sĩ tuyến đầu. Họ đã vượt lên những nguy cơ của dịch bệnh, phối hợp với các thầy thuốc, thực hiện hàng loạt các hoạt động y tế như: Sàng lọc, tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, theo dõi, chăm sóc và là chỗ dựa về tinh thần cho người bệnh Covid-19.

“Điều dưỡng ngày nay đã phát triển rất nhiều với đủ các trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học. Chức năng, nhiệm vụ của điều dưỡng không chỉ thực hiện y lệnh như trước đây, mà con tham gia quản lý, nghiên cứu, nhận định và đưa ra các quyết định chăm sóc người bệnh. Đặc biệt trong cuộc chiến chống Covid-19, vai trò của điều dưỡng là hết sức quan trọng, song hành cùng các cán bộ y tế để chăm sóc cho người bệnh, góp sức vào sự thành công trong chống dịch của đất nước” - ông Mục cho biết.

Số lượng còn thiếu hụt

Nhớ lại những ngày chống dịch, điều dưỡng Trần Thị Thanh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết: “Đến giờ nghĩ lại, tôi cũng không nhớ rõ mình đi chống dịch bao nhiêu ngày, tháng. Chỉ nhớ rằng, chồng tôi đã quá quen với việc vừa làm cha, vừa làm mẹ để chăm sóc lũ trẻ và lo lắng mọi việc trong gia đình khi tôi không có nhà. Thế nhưng, những lo lắng khi đi chống dịch, những mệt mỏi về sức khỏe cũng như về tâm lý cũng không còn hằn sâu trong ký ức. Đối với tôi, điều làm tôi còn nhớ mãi trong cả cuộc đời về sau là ánh mắt của bệnh nhân được cứu sống nhìn về chúng tôi - ánh mắt hạnh phúc và những nụ cười, những giọt nước mắt khi bệnh nhân được xuất viện. Chỉ nghĩ lại thôi cũng đã làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc. Đó cũng là lý do càng ngày tôi càng thấy tự hào và thêm yêu nghề điều dưỡng của mình hơn”.

Không chỉ đóng góp vai trò không thể thiếu trong đại dịch Covid-19, theo thống kê của Hội điều dưỡng Việt Nam, cả nước có hơn 140.000 điều dưỡng/hộ sinh - chiếm gần 50% nguồn nhân lực y tế, cung cấp dịch vụ nhiều nhất, thường xuyên nhất và và liên tục nhất, là xương sống của ngành y tế.

ThS Phạm Thị Ngọc Dung - Chuyên gia Điều dưỡng, nguyên Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương tâm sự: “Người ta ví điều dưỡng là “nghề làm dâu trăm họ”, bởi đối tượng mà điều dưỡng tiếp xúc chính là người bệnh. Mỗi con người nói chung, đối với người bệnh nói riêng thì không ai giống ai, từ bệnh tật cho đến suy nghĩ, thái độ, cách cư xử và để gần gũi, hiểu được điều người bệnh muốn, không phải là chuyện dễ. Nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thực sự, họ đã không chọn nghề này. Có thể nói, sự đóng góp của ngành Điều dưỡng vào nền Y tế của nước nhà là không nhỏ, dù chưa được xã hội tôn vinh đúng mức, dù thu nhập chưa cao, dù còn nhiều thách thức nhưng với đặc tính nghề nghiệp của mình, những người Điều dưỡng chúng tôi luôn tự hào là người mang trên mình sứ mệnh vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân”.

Tuy nhiên hiện nay số lượng điều dưỡng tại Việt Nam còn thiếu hụt trầm trọng, với số lượng điều dưỡng ít như hiện nay, chúng ta khó có thể triển khai chăm sóc người bệnh toàn diện. Điều dưỡng ở các khoa trọng điểm như hồi sức cấp cứu, cấp cứu, sơ sinh phải trực ca - kíp kéo dài 24/24h và tình trạng ca chồng ca còn khá phổ biến tại nhiều bệnh viện.

Thực tế, ngay trong giai đoạn chưa xảy ra dịch Covid-19, môi trường làm việc của các cán bộ y tế nói chung và của điều dưỡng, hộ sinh nói riêng luôn tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe. Bên cạnh đó, các chính sách đãi ngộ hiện hành cho cán bộ y tế chưa tương xứng với đặc thù nghề y như phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp đặc thù, phụ cấp độc hại nguy hiểm, phụ cấp công vụ, chức vụ, phụ cấp thu hút ở địa phương, phụ cấp cho các đơn vị bảo vệ cán bộ cao cấp…

Tỷ lệ điều dưỡng trung bình trên 10.000 dân ở Việt Nam hiện nay là 11,4, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình trên thế giới. Để tiến tới tỷ lệ điều dưỡng đạt chuẩn, đảm bảo đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc y tế của người dân thì Việt Nam cần thêm lượng điều dưỡng viên gấp 2, 3 lần số lượng điều dưỡng viên hiện có.

41548c-tr41548n
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/dieu-duong--nhung-nguoi-tham-lang-5686130.html Copylink