Wednesday, Jan 22, 01:01 PM

Dinh dưỡng cho F0 điều trị tại nhà

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, ở thời điểm hiện tại, toàn thành phố có khoảng 75% người mắc Covid-19 thuộc diện nhẹ, không triệu chứng đang được điều trị tại nhà. Đối với những người bệnh này, dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng để cải thiện ...

Dinh dưỡng cho F0 điều trị tại nhà
Dinh dưỡng cho F0 điều trị tại nhà
dinh-duong-cho-f0-dieu-tri-tai-nh224_1.jpg
Ảnh minh họa.

Đảm bảo đủ dinh dưỡng cho người bệnh

Thực tế cho thấy, khi mắc Covid-19, người bệnh thường có dấu hiệu đột ngột bị mất vị giác hoặc khứu giác, làm giảm khả năng ăn uống. Do vậy cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh thiếu hụt về dinh dưỡng dẫn tới suy dinh dưỡng - đây là nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng của hệ miễn dịch, làm giảm khả năng bảo vệ của cơ thể khỏi nhiễm trùng.

TS.BS Chu Thị Tuyết - Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết: F0 điều trị tại nhà cần bảo đảm cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối về cả năng lượng và các vi chất dinh dưỡng. Một vài nguyên tắc chung về bổ sung dinh dưỡng mà người bệnh cần phải tuân thủ là ăn bình thường với đầy đủ dưỡng chất và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng bằng đa dạng loại thực phẩm để duy trì thể trạng, thể chất bình thường bao gồm nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng - xanh thẫm.

Bổ sung thêm 1 đến 2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa, đặc biệt khi ăn giảm sút do sốt, ho, mệt mỏi...

Tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá nạc.., đậu đỗ, hạt các loại) để ngăn ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng. Ăn tăng cường trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại, gia vị (như tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng. Uống đủ nước (trung bình 2 lít/ ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy.

TS.BS Nguyễn Thị Thùy Linh - Phó trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng thông tin: F0 nhẹ, không triệu chứng cần ăn đủ 3 bữa chính và tăng cường thêm các bữa phụ, hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt và không kiêng khem thực phẩm nếu không có dị ứng thực phẩm hoặc theo lời khuyên riêng của bác sĩ. Đồng thời, tránh đồ ăn, uống có nhiều đường, muối, rượu, bia.

Không dùng thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng và luôn đảm bảo vệ sinh khi chế biến thực phẩm, luôn rửa tay trước và sau khi chế biến thực phẩm...

Lưu ý chế độ ăn cho trẻ em

Đối với trẻ em mắc Covid-19 nhẹ, không triệu chứng, TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục - Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo: Trẻ cần thực hiện chế độ ăn cân đối với 4 yếu tố chính là lipit động vật, thực vật, vitamin và khoảng chất, protein.

Hàng ngày trẻ cần ăn ít nhất là 5 trong 8 nhóm thực phẩm (nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng – xanh thẫm). Hạn chế ăn quá ngọt, quá mặn và cần cung cấp đầy đủ nước, đặc biệt là nước trái cây.

BS Thục cũng khuyến khích phụ huynh cho trẻ từ 1-2 tuổi uống sữa công thức tối thiểu 600ml/ ngày (đối với trẻ không uống sữa mẹ) và trẻ lớn hơn 2 tuổi cần bổ sung 500ml/ngày sữa công thức theo tuổi/ngày để đáp ứng dinh dưỡng cho tăng trưởng và cân bằng dinh dưỡng.

Gợi ý cụ thể về một bữa ăn cho F0 đều trị tại nhà, BS Vũ Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng Quốc gia ví dụ: Một nam thanh niên 19 tuổi nhu cầu protein là 71g/ngày thì cần ăn các thực phẩm giàu chất đạm là 100g thịt lợn, cá chép 150g, lạc 50g và 50g đậu tương một ngày, thì tỷ lệ protein động vật so với protein tổng số là 56,8%.

Tăng cường sử dụng rau xanh và hoa quả trong bữa ăn hàng ngày, nhu cầu rau xanh 300-400 g/người/ngày và quả chín 200-300g.

Khi chế biến bữa ăn nên dùng thêm các loại gia vị như hành, tỏi, xả, gừng,… vì ngoài vitamin và khoáng chất, chúng còn có chất kháng sinh thực vật. Với người trưởng thành, cần bổ sung từ 1,6 - 2,4 lít nước/người/ngày (tương đương 8 - 12 ly thủy tinh)…

37496c-tr37496n
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/dinh-duong-cho-f0-dieu-tri-tai-nha-5677762.html Copylink