Saturday, Aug 21, 09:08 AM

Dồn lực kéo giảm ca tử vong

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh những ngày qua vẫn diễn biến phức tạp, số bệnh nhân nặng và ca tử vong ở mức cao. Thành phố đang dồn lực kiểm soát dịch trong thời gian ngắn, đặc biệt là kéo giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất có...

Dồn lực kéo giảm ca tử vong
Dồn lực kéo giảm ca tử vong

Dịch bệnh có thể còn kéo dài

Nhận định về tình hình dịch bệnh, ngày 13/8, ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM cho rằng dịch bệnh có thể còn kéo dài. “Cần chuẩn bị tinh thần, tâm lý trường kỳ kháng chiến. Dịch trên địa bàn vẫn phức tạp, số ca dương tính còn cao, số ca cần điều trị, ca tử vong còn nhiều. Nhu cầu chữa trị quá tải so với năng lực tiếp nhận của các cơ sở y tế. Vì vậy, nhiệm vụ của thành phố trong thời gian tới phải cố gắng tập trung, ngăn chặn nguồn lây, giảm ca dương, giảm ca chuyển nặng để điều trị thật tốt, giảm tử vong” - ông Mãi nhấn mạnh.

Cũng về vấn đề này, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có thể kéo dài. Số ca nhiễm hiện đang đi ngang, có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững do dịch đã ngấm sâu trong cộng đồng.

Bình quân trong 7 ngày từ 5/8 đến nay, trung bình 3.687 ca nhiễm trong ngày. Trong đó, 78,6% ở khu phong tỏa, 2,3% trong khu cách ly, 17,7% sàng lọc tại bệnh viện. Như vậy số lây nhiễm chủ yếu nằm trong khu phong tỏa. Dự kiến, sau ngày 15/8, số F0 vẫn ở mức khoảng 3.000 ca/ngày. Ông Dương Anh Đức khẳng định: “Nếu không thực hiện triệt để các biện pháp chống dịch thì sẽ rất khó giữ vững được những thành quả đã đạt được. Thậm chí tình hình sẽ xấu đi nếu chúng ta không đồng lòng, không quyết liệt, không quyết tâm thực sự thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch”.

Tập trung nâng cao khả năng điều trị

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết, tính đến ngày 13/8, thành phố có 139.615 trường hợp mắc bệnh. Trong đó: 139.220 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 395 trường hợp nhập cảnh. Hiện đang điều trị 32.917 bệnh nhân, với 1.612 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong những ngày gần đây, trung bình có 241 ca tử vong/ngày.

Trước tình hình trên, TP HCM đã lên kế hoạch tập trung để nâng cao điều trị nhằm giảm số lượng tử vong tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Để làm được điều này, một trong những vấn đề tiên quyết đặt ra là giảm được những ca Covid-19 nặng ở tầng 2, tầng 3 trong mô hình tháp điều trị. Từ đó giảm áp lực ở tầng trên và có biện pháp để giảm tử vong. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và các địa phương tuyến đầu của cả nước, có 4 trung tâm hồi sức tích cực quy mô 1.750 giường đi vào hoạt động. Đồng thời, nâng cao năng lực cấp cứu của Trung tâm 115, thành lập 5 cơ sở cấp cứu vệ sinh của Trung tâm cấp cứu 115. Song song đó, thành phố kiện toàn các tổ phản ứng nhanh cấp cứu tại từng phường, xã, thị trấn. Thành phố đã bố trí hệ thống taxi chuyển đổi công năng để phục vụ cấp cứu tại các địa phương, phường, xã, thị trấn.

“Hiện thành phố đã nâng cấp năng lực các bệnh viện tầng 2 lên tầng 3 để huy động nguồn lực có thể điều trị được các bệnh nhân trở nặng, không gây áp lực lớn cho tầng trên. Suy cho cùng, muốn giảm số ca nhiễm tử vong, trước tiên phải làm sao giảm được số ca F0 có nguy cơ trở nặng”- ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Lý giải nguyên nhân khiến tỷ lệ F0 tử vong cao mỗi ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nhận định có 3 nguyên nhân chính: Do quá tải số lượng bệnh nhân, do biến chủng Delta lây lan nhanh diễn biến nặng, điều kiện chuẩn bị trang thiết bị chưa thật sự tốt.

Giảm tối đa F0 ở khu phong tỏa

Theo ông Dương Anh Đức, chỉ còn 3 ngày nữa là TP HCM sẽ kết thúc đợt 2 thực hiện Chỉ thị 16 với các biện pháp tăng cường. Thành phố sẽ cân nhắc giải pháp tiếp theo. Lãnh đạo TP HCM nhìn nhận, giãn cách xã hội vẫn là biện pháp quan trọng nhất. Đảm bảo được việc giãn cách xã hội, đảm bảo được việc cách ly nhà với nhà, đặc biệt trong các khu phong tỏa, mà ở đó 80% ca F0 được phát hiện.

“Chúng ta phải thật sự giảm được số ca F0 phát sinh ở khu vực phong tỏa. Nếu gia đình có ý thức được đầy đủ biện pháp phòng dịch thì sẽ không phát sinh F0 sang những gia đình khác. Tuy nhiên thời gian vừa qua, ghi nhận những điều hết sức buồn. Một gia đình có 1 F0 thì hầu như cả gia đình đều bị F0” - ông Đức lo lắng.

Sắp tới, thành phố tiếp tục thực hiện sao cho đảm bảo “chặt trong, chặt ngoài” thì mới giảm được tỷ lệ số ca F0 tăng. Đây là điểm mấu chốt kìm hãm và giảm mạnh số F0. “Chỉ cần giảm 50% số ca F0 tại khu vực phong tỏa thì sẽ giảm được hàng ngàn ca F0 khác” – theo ông Đức.

Giữ chặt vùng chưa có dịch

Chốt bảo vệ “vùng xanh” tại phường Tân Thuận Tây là mô hình xây dựng “vùng xanh” rất hiệu quả tại Quận 7, TP HCM. Theo ông Trần Văn Hùng - Tổ trưởng tổ 13 (khu phố 1, phường Tân Thuận Tây), qua thời gian thiết lập tự quản vùng xanh trên địa bàn, tại khu vực dân cư chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nào. Để bảo vệ 150 hộ khỏi sự xâm nhập của Covid-19, người dân ở đây đã cùng đồng thuận lập chốt và quyết bảo vệ “vùng xanh” an toàn cho đến nay.

Tương tự, tại xã Vĩnh Lộc B, thuộc huyện Bình Chánh, đến nay đã thiết lập được 16 ấp, với 8 tổ nhân dân thiết lập và giữ vững “vùng xanh” an toàn. Theo bà Lại Thị Bích Trâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Lộc B, xã quyết tâm giữ vững và mở rộng “vùng xanh”, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe người dân. Bà Trâm cho biết, xã đã khảo sát tại 605 khu nhà trọ, với 11.619 phòng gồm 25.906 nhân khẩu. Xác định nguy cơ lớn nhất F0, F1 là những nơi này, Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo thiết lập “khu trọ an toàn”. Hiện 16 khu nhà trọ tại các ấp trên địa bàn đang được UBND xã Vĩnh Lộc B đưa vào một trong những “vùng xanh” an toàn đầu tiên của xã.

Đây cũng chính là chỉ đạo của UBND thành phố: Tiếp tục phát huy mô hình tự quản vùng xanh, mở rộng mô hình này để phủ xanh toàn thành phố trong thời gian tới.

thanh-giang-th18474nh-lu18474n-m18474-h18474a
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/don-luc-keo-giam-ca-tu-vong-5661790.html Copylink