Friday, Jul 20, 02:07 AM

Hà Nội giám sát và công khai người đốt rơm rạ

TN&MT Thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng mô hình tính toán phát thải, giám sát và công bố công khai tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn các huyện, thị xã của thành phố. Cùng với đó là phát triển nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiến tiến, hiện đại trong công tác thu hoạch sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ.

Hà Nội giám sát và công khai người đốt rơm rạ
Hà Nội giám sát và công khai người đốt rơm rạ


Ảnh minh họa.

Thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, về quản lý nhà nước, nhất là sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý thí điểm rơm rạ tại các quận, huyện. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2020 tỷ lệ đốt rơm rạ đã giảm rõ rệt, cụ thể: huyện Mê Linh 30%; Quốc Oai: 15%; Thanh Oai: 1%; Thường Tín: 0,7%; …

Theo Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, khi rơm rạ bị đốt cháy, thành phần C,H,O sẽ biến thành khí CO2, CO và hơi nước; protein bị phân hủy và biến thành các khí NO2, NO3, SO2… và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện.

Cũng theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, làm đất biến chất, chai cứng hơn. Ngoài ra, khói sinh ra từ quá trình đốt ngoài trời còn gây khói mù và ảnh hưởng đến tầm nhìn, đặc biệt trên các đoạn đường giao thông.

Đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn, đặc biệt trên các đoạn đường giao thông. Ảnh minh họa.

Được biết. Trong thời gian tới, Sở TN&MT Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra liên ngành về tình trạng đốt rơm rạ tại các quận, huyện, thị xã; tham mưu trình UBND TP xem xét phê duyệt Chỉ thị tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường TP.

Tìm giải pháp hạn chế đốt rơm rạ, vừa qua, Sở TN&MT Hà Nội phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng và Mạng lưới Không Khí Sạch Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ đánh giá hiện trạng và kết quả của TP trong việc hạn chế đốt rơm rạ.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra các giải pháp mới đang trong quá trình nghiên cứu nhằm nhằm hạn chế đốt rơm rạ như làm các viên nhiên liệu sinh học, sử dụng phối trộn với các vật liệu khác để làm việc liệu mới, vật liệu thay thế. Trong tương lai, hướng tới sản xuất dưới dạng năng lượng như sản xuất điện với các nhà máy điện có công suất nhỏ sẽ rất phù hợp với các địa phương giúp cách quản lý, vận hành đơn giản hơn. Nếu được triển khai thì đây là một trong những giải pháp để hạn chế đốt rơm rạ trên địa bàn TP Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trên cả nước.

Khi rơm rạ bị đốt cháy hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển. Ảnh minh họa.

Hàng năm lượng rơm, rạ tại Việt Nam thải ra một lượng lớn ước tính hàng triệu tấn, chủ yếu được đốt tại đồng ruộng. Việc đốt lượng lớn rơm rạ không những không có lợi cho người nông dân mà còn có những hệ luỵ lâu dài cho ngành nông nghiệp nói chung, trong đó có nguồn tài nguyên khó phục hồi là đất và khí quyển. Vì vậy, Việc đốt rơm rạ vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân, gây lãng phí nguồn tài nguyên, mà còn làm thoái hóa đất canh tác. Việc đốt đồng còn có tác hại lớn là tiêu diệt nhiều vi sinh vật đất có ích, góp phần làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa, một trong những nguyên nhân gây bộc phát sâu bệnh trên đồng ruộng, buộc bà con nông dân phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, khiến cho việc sản xuất lúa ngày càng trở nên khó khăn, chi phí cao, hiệu quả thấp./.

Sỹ Tùng

Theo tainguyenvamoitruong.vn http://tainguyenvamoitruong.vn/ha-noi-giam-sat-va-cong-khai-nguoi-dot-rom-ra/ Copylink