Hệ tiêu hóa - Hệ miễn dịch: Mối liên kết cho sức khỏe
Hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch đều đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe con người. Nhưng ít ai biết rằng, 70% hệ miễn dịch biểu mô tập trung ở hệ tiêu hóa. Hệ tiêu hóa cũng là nơi tham gia sản xuất các yếu tố miễn dịch cho cơ thể.
Hệ tiêu hóa là nơi cư trú của một cộng đồng vi sinh đường ruột khổng lồ và phức tạp. Hệ vi khuẩn đường ruột cân bằng sẽ giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh và thường không mắc các bệnh hay các rối loạn tiêu hóa. Khi hệ vi sinh mất cân bằng, các vấn đề rối loạn chức năng tiêu hóa, miễn dịch tại đường ruột cũng như các rối loạn về thể chất và tinh thần cũng bắt đầu xuất hiện.
Hệ miễn dịch quyết định khả năng đề kháng của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh khác nhau, nhằm bảo vệ cơ thể trước những nguy cơ bệnh tật. Kháng thể (antibody) hay immunoglobulin (Ig), là hoạt chất sinh hóa học, được hệ miễn dịch sản sinh. Tùy theo nguyên nhân, vị trí mô tế bào bị xâm nhập mà chúng được sản xuất nhiều hay ít, loại chuyên biệt hay không chuyên biệt… Mục đích cuối cùng là triệt tiêu, loại trừ các tác nhân gây bệnh. Có 5 loại kháng thể: IgA; IgD; IgE; IgG và IgM.
Tại buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề Tiêu hóa khỏe - “Chìa khóa” giúp phòng bệnh từ xa do Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp cùng Sữa chua Vinamik tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho hay, hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch có mối quan hệ mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời, hệ tiêu hóa khỏe mạnh cũng tham gia vào quá trình sản xuất các yếu tố miễn dịch như IgA, IgG… góp phần quan trọng vào việc bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật. Trường hợp virus, vi khuẩn gây bệnh xâm nhập, cơ thể có khả năng chống đỡ tốt, góp phần phòng bệnh cũng như giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn khi mắc bệnh.
Điều đáng nói là dù có vai trò quan trọng với sức khỏe toàn cơ thể nhưng việc chăm sóc hệ tiêu hóa lại không quá khó khăn, chỉ cần chúng ta kiên trì ăn uống đầy đủ các nhóm chất và tốt nhất là nên bổ sung sữa chua vào thực đơn mỗi ngày.
Cụ thể, về dinh dưỡng, cần cung cấp đủ 4 nhóm chất bột đường, đạm, béo, vitamin - khoáng chất. Bên cạnh đó cần ăn đủ rau xanh, trái chín - nguồn thực phẩm cung cấp nhiều chất xơ, là thức ăn cho lợi khuẩn, giúp lợi khuẩn phát triển trong đường ruột.
Một trong các bí quyết đơn giản và dễ áp dụng giúp nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng được nhiều nghiên cứu cũng như các chuyên gia khuyến cáo chính là mỗi ngày nên bổ sung sữa chua lên men tự nhiên sử dụng chủng Lactobacillus Bulgaricus. Đây là men vi sinh điển hình trong sữa chua (một hũ sữa chua Vinamilk được lên men tự nhiên từ khoảng 12 triệu men này). Khi được đưa vào đường ruột, chủng men này sẽ góp phần cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa, giúp hấp thu các chất dinh dưỡng tốt hơn, từ đó hỗ trợ nâng cao hệ miễn dịch.
Bên cạnh đó, sữa chua còn là nguồn cung cấp dinh dưỡng (đạm, canxi, vitamin…), một số thành phần được lên men nên cơ thể dễ hấp thu, khiến hệ tiêu hóa không phải làm việc quá vất vả. Điển hình như những người không hoặc kém dung nạp lactose, khi uống sữa tươi có thể bị đau bụng, vẫn có thể hấp thu hiệu quả các dinh dưỡng trong sữa chua nhờ đường lactose đã được lên men và chuyển hóa.
Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mọi người nên ăn 1-2 hộp sữa chua mỗi ngày là một trong những giải pháp góp phần duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh đồng nghĩa với cơ thể hấp thu dinh dưỡng hiệu quả hơn, góp phần sản xuất được nhiều yếu tố miễn dịch hơn, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể để có thể phòng bệnh tốt, đỡ phải thường xuyên thăm khám, làm phiền bác sĩ.