Không chủ quan với bệnh thường gặp
Trước tiên đó là chóng mặt. Người bệnh cảm thấy mọi vật quanh mình quay tít, hoặc bản thân bị quay như đứng giữa một cơn lốc, có khi cảm thấy bồng bềnh như đi thuyền trên sóng hoặc bước hẫng, đi lại không vững hoặc đi như bị kéo lệch về một phía. ...
Trong một số trường hợp, chóng mặt kèm theo buồn nôn hoặc nôn, vã mồ hôi, tim đập nhanh, hồi hộp, sợ hãi. Cơn xảy ra đột ngột, nhưng chấm dứt cũng rất nhanh, chỉ trong mấy giây đồng hồ để rồi xuất hiện trở lại: chóng mặt có thể gặp từ độ tuổi 20 đến 80 tuổi, hay gặp nhất ở quãng 50 - 60 tuổi. Chóng mặt có khi gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người bệnh.
Nguyên nhân có thể do chấn thương (va chạm, ngã, đụng đập, tai nạn giao thông...) gây ra chấn động tai trong; Nhiễm độc (rượu, thán khí, oxyt cacbon...); Dùng một số thuốc có ảnh hưởng đến tai trong (tiền đình); viêm tai giữa, viêm xương chũm, viêm màng não; Nhiễm virus; Rối loạn điều hành tuần hoàn ở trong tai, huyết áp dao động...
Với người cao tuổi, hay gặp nhất loại chóng mặt kịch phát, thường là đột ngột, trước đó không có bệnh gì rõ rệt, thường vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối lúc đi ngủ. Khi đang nằm, đầu nghiêng trên gối quay sang phải hoặc trái, hay quay cả người, hoặc đang ngồi mà nghiêng đột ngột sang một bên, người bệnh thấy chóng mặt dữ dội.
Thường người bệnh lo lắng, sợ hãi nhiều hơn là thực sự có một tổn thương thực thể. Tuy nhiên hiện chưa có thuốc đặc trị chóng mặt. Vì vậy người bệnh cần được thăm khám bác sĩ và uống thuốc, tập luyện theo chỉ định, tránh để những cơ chóng mặt kéo dài dễ dẫn đến nguy hiểm.
Một bệnh thường gặp khác ở người cao tuổi, tuy diễn biến âm thầm nhưng khá nguy hiểm. Đó là bệnh loãng xương. Về bản chất, loãng xương là tiến trình tự nhiên của cơ thể, âm thầm nhưng nguy hiểm trong quá trình lão hóa, đặc trưng bởi sự mất chất xương làm cho xương trở nên dòn và dễ gãy.
Quá trình loãng xương kéo dài trong nhiều năm, sau 30 tuổi đã bắt đầu xuất hiện quá trình mất chất xương, mất khá nhiều trên 50%, thường khoảng vào tuổi 50 - 70 thì triệu chứng đau mới xuất hiện, chủ yếu ở cột sống lưng hay thắt lưng. Đôi khi cũng xuất hiện những cơn cấp tính dữ dội làm cho người bệnh rất hoang mang, lo sợ.
Để phát hiện sớm bệnh loãng xương cần khám sức khỏe định kỳ. Bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm. Thường thì có thể làm 2 xét nghiệm. Một là chụp X quang cột sống và xương tay chân. Đây là xét nghiệm rẻ tiền và dễ thực hiện ở cơ sở y tế nào cũng có. Nhưng có hạn chế là khi thấy được loãng xương trên phim X quang thì bệnh đã trong giai đoạn muộn, xương đã bị mất khá nhiều. Và hai là xét nghiệm do mật độ xương giúp đánh giá được khối lượng xương có thể phát hiện loãng xương sớm hơn.
Loãng xương phải được điều trị trong thời gian dài và các loại thuốc điều trị hầu hết là đắt tiền như Rocaltrol. Miacalcic... thường phải kèm theo cung cấp can-xi và nội tiết tố khi cần thiết. Tùy theo dạng loãng xương bác sĩ sẽ hướng dẫn cách điều trị riêng theo từng loại.
Nhìn chung, loãng xương là bệnh diễn ra âm thầm trong nhiều năm, lúc đầu còn nhẹ, bệnh không có bất kỳ biểu hiện gì nên người bệnh không biết hoặc chủ quan không lo điều trị sớm. Cho đến khi xuất hiện tình trạng đau lưng hay gãy xương thì bệnh đã quá nặng, lúc này việc điều trị rất khó khăn, tốn kém và ít hiệu quả.
Vì vậy, đối với bệnh loãng xương, việc ngừa bệnh và phát hiện bệnh sớm là rất quan trọng, nhất là khi bước vào tuổi trung niên, phụ nữ sau tuổi mãn kinh hoặc mãn kinh sớm ở tuổi 40.