Khảo sát di sản văn hóa ẩm thực Việt Nam khởi động hành trình tại Nam Định
Từ chiều nay (25/3), hành trình khảo sát nhằm xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh phía Bắc, nằm trong và là hoạt động khởi động Dự án 100 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam bắt đầu diễn ra tại Nam Định.
Hoạt động do Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam chỉ đạo, phối hợp cùng Hiệp hội Văn hóa ẩm thực tỉnh Nam Định tổ chức, diễn ra từ ngày 25/3 đến 31/3 tại địa bàn các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Thái Nguyên, Phú Thọ và Thủ đô Hà Nội.
Theo Ban tổ chức, hành trình có mục đích khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa ẩm thực, các món ăn, uống tiêu biểu của các vùng miền.
Trên cơ sở đó lập đề cử các món ẩm thực đưa vào danh sách lựa chọn của Dự án 100 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam. Thu thập dữ liệu thực tế để xây dựng Bản đồ văn hóa ẩm thực Việt Nam với các món ăn Việt Nam truyền thống và hiện đại.
Tạo điều kiện để các thành viên hiệp hội, các nghệ nhân tiếp cận thực tế địa phương, lịch sử và văn hóa của các món ẩm thực, từ đó hiểu rõ hơn giá trị của văn hóa ẩm thực; xác định được vai trò và trách nhiệm của từng cá nhân và tổ chức trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, ứng dụng vào công việc thực tế và trao truyền lại cho thế hệ sau…
Theo lịch trình, trong 2 ngày 25, 26/3, tại tỉnh Nam Định, các nghệ nhân ẩm thực đến từ 3 miền của đất nước và những người yêu mến văn hóa này sẽ được tìm hiểu di sản lịch sử và văn hóa ẩm thực vùng Trấn Sơn Nam Hạ với các món ăn dân gian vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, thông qua các hoạt động như tham gia chương trình giao lưu nghệ nhân, quảng diễn một số món ăn (tại khách sạn Nam Cường, Nam Định); thăm quan làng Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực - nơi có nhiều gia đình đang làm chủ các quán phở với thương hiệu “Phở bò gia truyền Nam Định” ở khắp mọi miền đất nước; nơi có dòng họ Cồ nổi danh với nghề phở; tham quan, trải nghiệm cách thức làm cỗ, dâng cỗ và thi cỗ tại đền Din (xã Nam Dương, huyện Nam Trực, thờ Đức Thánh Kiều Công Hãn) do người dân địa phương trình diễn; tham quan khu Trung tâm văn hóa ẩm thực Nam Định tại Bảo tàng tỉnh…
Ngoài ra, trong chuỗi hoạt động tại Nam Định, có hoạt động Trung tâm kỷ lục Việt Nam trao Bằng xác lập: Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2020-2021) cho món Bún đũa và Phở bò Nam Định; Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2020-2021) cho sản phẩm Kẹo Sìu Châu-Nam Định.
Trước đó, vào tối ngày 24/3, ngay khi vừa đặt chân đến Thành Nam, tại Khách sạn Sojo Nam Định, các nghệ nhân ẩm thực đến từ 3 miền, những người yêu mến văn hóa ẩm thực đã được chủ nhà Nam Định giúp “thỏa mãn” khi được tham quan gian trưng bày, thưởng thức không thiếu món gì trong số các món “ẩm thực đường phố Thành Nam” quen thuộc, nổi tiếng ở đô thị cổ này, từ bánh cuốn, phở, cơm rang dưa bò, bánh dày vò, xôi kê, giò lụa đến kẹo Sìu Châu, chuối ngự…
Tiếp đến, trong các ngày 27, 28/3 các nghệ nhân sẽ được tham gia khảo sát tuyến điểm du lịch kết hợp trải nghiệm ẩm thực tại Khu du lịch tâm linh Tam Chúc (Hà Nam); tham dự cuộc thi Ẩm thực “Mâm cơm chay cúng Phật”; quảng diễn một số món ăn chay và cùng tham gia thực hiện kỷ lục “Lá bồ đề làm bằng cơm nắm lớn nhất Việt Nam”; giao lưu với các đầu bếp ở các chùa Tam Chúc, Bái Đính.
Trong các ngày 28, 29/3, hành trình sẽ tiếp tục với hoạt động giao lưu các nghệ nhân, tìm hiểu văn hóa ẩm thực vùng đất Tổ, Phú Thọ.
Sang ngày 29, 30/3 là hoạt động tham quan, trải nghiệm, giao lưu cùng bà con dân tộc, nghệ nhân ẩm thực địa phương tại bản Thái Hải, tỉnh Thái Nguyên, cùng thực hành các món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Cũng trong ngày 30/3, hành trình sẽ được tổng kết, với điểm nhấn là hoạt động giao lưu với nghệ nhân ẩm thực Hà Nội.
Chia sẻ thêm về Dự án 100 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam, ông Lê Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội văn hóa ẩm thực Nam Định cho biết, dự án quy tụ các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực đến từ nhiều vùng miền nhằm tìm kiếm, lập danh sách đề cử các món ăn, đồ uống Việt Nam theo khu vực ba miền Bắc, Trung và Nam. Sau khi có đề cử của các nghệ nhân, sự bình chọn của công chúng hội đồng tuyển chọn sẽ chọn ra 100 món ăn, đồ uống đặc sắc của Việt Nam, làm cơ sở để tổ chức Festival ẩm thực 100 món ăn, đồ uống Việt Nam đặc sắc vào năm 2022.
Các hoạt động trên hướng đến các mục đích tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các món ăn đặc sắc thuần Việt của Việt Nam, với các giá tiêu chí: ngon, lành, đặc sắc. Tìm kiếm chất liệu để xây dựng bản đồ văn hóa ẩm thực Việt Nam, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu món ăn Việt Nam truyền thống và hiện đại. Khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa ẩm thực Việt Nam. Tạo động lực, thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị văn hóa góp phần đa dạng hóa, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm ẩm thực…