Friday, May 21, 02:05 AM

Ký kết hợp đồng Khảo sát địa vật lý và Nghiên cứu địa chất biển

TN&MT Ngày 20/5 tại Hà Nội, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra TN&MT biển khu vực phía Bắc (CPIM) và Công ty Cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gan đã ký kết 2 hợp đồng có nội dung trên.

Ký kết hợp đồng Khảo sát địa vật lý và Nghiên cứu địa chất biển
Ký kết hợp đồng Khảo sát địa vật lý và Nghiên cứu địa chất biển


Buổi lễ ký kết diễn ra theo hình thức trực tuyến vì lý do dịch covid -19.  Cụ thể, Hợp đồng khảo sát địa vật lý La Gan và Hợp đồng nghiên cứu địa chất La Gan sẽ bao gồm các cuộc khảo sát và nghiên cứu địa chất lớn trị giá hàng triệu USD.

Ông Lê Anh Thắng, đại diện phía CPIM tại buổi lễ trực tuyến

Khảo sát và nghiên cứu địa vật lý là những công việc then chốt giúp các dự án điện gió ngoài khơi hiểu được hiện trạng đáy biển và xúc tiến các hoạt động phát triển các mô hình mặt đất và thiết kế nền móng.

CPIM sẽ hợp tác với nhà thầu phụ của Đan Mạch: Cục Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS) trực thuộc Bộ Năng lượng, Hạ tầng và Khí hậu Đan Mạch để thực hiện hai hợp đồng này. Theo Hợp đồng Khảo sát Địa vật lý La Gan, CPIM và GEUS sẽ phối hợp chặt chẽ để thu thập dữ liệu thủy văn cùng các mẫu trầm tích đáy biển để xác định độ sâu, đặc điểm đáy biển và địa chất tầng đáy.

Trong Hợp đồng nghiên cứu địa chất La Gan, CPIM và GEUS sẽ tiến hành đánh giá điều kiện địa chất, sinh vật biển và sử dụng tài nguyên biển. Đánh giá này sẽ cung cấp các thông tin đầu vào thiết yếu cho quá trình phát triển trang trại điện gió ngoài khơi.

Phát biểu tại lễ ký kết, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Kim H. Christensen, là một trong những quốc gia từ rất lâu nay đã luôn đồng hành, ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi ngành năng lượng sang hướng xanh và bền vững, Đan Mạch mong muốn Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia 8 (QHĐ 8) sớm được phê duyệt vì Quy hoạch này sẽ tạo ra nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của ngành năng lượng Việt Nam, bao gồm việc huy động các nguồn lực kinh tế và tài chính xã hội cần thiết, cả trong nước và quốc tế.

Với việc ký kết các hợp đồng khảo sát nói trên, dự án Điện gió ngoài khơi La Gan đã thể hiện sự cam kết đầu tư hiệu quả cả về mặt tài chính và kỹ thuật để có thể xúc tiến dự án ngay khi nhận được giấy phép từ chính phủ.

“Do đó, chúng tôi mong Dự án La Gan có thể được đưa vào QHĐ 8 càng sớm càng tốt, không chỉ giúp tạo động lực khởi đầu tốt cho cả ngành năng lượng mà còn góp phần hiện thực hóa tầm nhìn của chính phủ về phát triển ngành năng lượng theo hướng xanh và bền vững”, ông Kim H. Christensen chia sẻ.

Hợp đồng khảo sát địa vật lý La Gàn và Hợp đồng nghiên cứu địa chất La Gàn sẽ bao gồm các cuộc khảo sát và nghiên cứu địa chất lớn trị giá nhiều triệu đô la Mỹ.

Bà Maya Malik, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gan cũng cho biết: ‘‘Bằng việc trao nhiệm vụ khảo sát địa chất cho CPIM và GEUS, Công ty Cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gan tái khẳng định cam kết của chúng tôi hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng địa phương, đồng thời tạo điều kiện chuyển giao kiến thức giữa các nhà cung cấp quốc tế và nội địa trong suốt quá trình thực hiện dự án. Là một nhà phát triển dự án có trách nhiệm và giàu kinh nghiệm, Công ty Cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gan sẽ đảm bảo tiến hành các hoạt động khảo sát theo các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn, môi trường và xã hội”.

Trong hai năm qua, Dự án La Gan đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam và Đan Mạch trong quá trình phát triển dự án. Theo một nghiên cứu tác động kinh tế do các chuyên gia quốc tế thuộc BVG Associates (đơn vị tư vấn của Ngân hàng Thế giới) thực hiện, dự án sẽ đóng góp hơn 4,4 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam trong suốt thời gian thực hiện dự án.

Thay mặt cho CPIM, ông Lê Anh Thắng, Phó Giám đốc Phụ trách đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam về sự hỗ trợ trong suốt 2 năm qua. Thông qua dự án DV-Wind thực hiện năm 2020 bằng kinh phí của Đại sứ quán, các cán bộ kỹ thuật của CPIM đã được đào tạo và có thêm những hiểu biết cần thiết đối với các Dự án điện gió ngoài khơi. Qua dự án DV-Wind, CPIM đã tìm được một đối tác quan trọng từ Đan Mạch, với kinh nghiệm dày dặn trong các dự án điện gió ngoài khơi sẵn sàng hỗ trợ  và thực hiện các dự án tại Việt Nam. Đó chính là Cục địa chất Đan mạch và Greenland. Trên cơ sở đó, CPIM và GEUS đã đồng hành, tham gia gói thầu khảo sát địa chất, địa vật lý của Dự án Điện gió La Gàn.

CPIM cũng xin cảm ơn COP và bà Maya Malik đã đánh giá cao và lựa chọn CPIM là nhà thầu ưu tiên cho gói thầu này. CPIM tin tưởng với năng lực và 30 năm kinh nghiệm khảo sát tại các vùng biển Việt Nam cùng sự hợp tác của các chuyên gia từ GEUS, CPIM sẽ hoàn thành gói thầu này một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, với ưu thế là một đơn vị tại Việt Nam, không chỉ dừng lại trong khuôn khổ gói thầu này, chúng tôi luôn sẵn sàng và hỗ trợ COP trong việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi trong thời gian tới.

Được biết, Dự án dự kiến sẽ tạo ra hơn 45.000 việc làm toàn thời gian (FTE) cho các lao động trong nước tại Việt Nam, trong đó 1 đơn vị FTE tương đương với 1 việc làm trong thời gian 1 năm. Khi hoàn thành và đi vào hoạt động hết công suất, dự án dự kiến sẽ cung cấp điện cho hơn 7 triệu hộ gia đình Việt Nam mỗi năm và giúp giảm phát thải 130 triệu khí thải CO2 trong suốt vòng đời dự án.

 

Hồng Minh

 

 

Theo tainguyenvamoitruong.vn http://tainguyenvamoitruong.vn/ky-ket-hop-dong-khao-sat-dia-vat-ly-va-nghien-cuu-dia-chat-bien/ Copylink