Monday, Apr 22, 02:04 PM

Làm gì khi bị ‘sương mù não’?

“Sương mù lão” (brain fog) - một thuật ngữ gần đây được nhiều phương tiện truyền thông nhắc đến. Đây là một trong những di chứng "hậu Covid-19" khá mới, đang còn là một bí ẩn với giới y khoa và triệu chứng rất đa dạng.

Làm gì khi bị ‘sương mù não’?
Làm gì khi bị ‘sương mù não’?
l224m-g236-khi-bi-suong-m249-n227o_1.jpg

Người lớn tuổi dễ bị “sương mù não”

"Sương mù não" là thuật ngữ chỉ các triệu chứng liên quan đến tình trạng thiếu máu não và rối loạn hệ thần kinh thực vật, ảnh hưởng đến suy nghĩ và trí nhớ, người mắc có thể cảm thấy thiếu minh mẫn, khó tập trung, mất nhiều thời gian hơn khi nhớ tên một ai đó hoặc thường bất chợt quên việc mình định làm...

Những ngày gần đây, nhiều người sau khi mắc Covid-19 và khỏi bệnh chia sẻ nhiều dấu hiệu “khác thường” về sức khỏe so với trước đây.

Chị Lê Phương Lan (43 tuổi, ngụ tại Thanh Nhàn, Hà Nội) cho biết, 1 tháng sau khi mắc Covid-19, chị thấy cơ thể yếu đi, hụt hơi, làm việc kém năng suất. Sang tháng thứ 2 chị Lan thấy cơ thể uể oải, nhiều hôm mất ngủ. Đỉnh điểm, chị muốn xin nghỉ việc để nghỉ ngơi hoàn toàn 1-2 tuần. “Tôi không biết chính xác thực sự Covid-19 vẫn ảnh hưởng đến tận bây giờ hay vấn đề nằm ở tâm lý”, chị Lan băn khoăn.

Tương tự, chị Triệu Thị Nguyên (quận Hà Đông, Hà Nội) thường xuyên bị ho, mất ngủ, khó thở, trí nhớ suy giảm. Là người bán hàng online, nhưng sau khi mắc Covid-19, chị Nguyên thấy khó tập trung, thường xuyên quên đơn hàng của khách, thỉnh thoảng bị hụt hơi, khó thở.

Theo BS Nguyễn Huy Hoàng (chuyên gia điều trị rối loạn hệ thần kinh thực vật, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng), tình trạng chị Nguyên gặp phải được gọi là "sương mù não" - thuật ngữ chỉ các triệu chứng liên quan đến tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật, thiếu máu lên não. Tình trạng này ảnh hưởng đến trí nhớ và suy nghĩ, những người mắc thường cảm thấy khó tập trung, thiếu minh mẫn.

Trong quá trình tư vấn cho bệnh nhân mắc Covid-19, BS Nguyễn Huy Hoàng nhận thấy những bệnh nhân có hiện tượng "sương mù não" chiếm khoảng 20-30%, chủ yếu là người lớn tuổi 50 trở lên, người trẻ ít gặp tình trạng này hơn.

TS.BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) “sương mù não” hậu Covid là khi não giống như bị sương che phủ, làm cho nó hoạt động không còn mạch lạc. Biểu hiện phổ biến nhất là người bệnh khó đưa ra quyết định.

BS Lê Tiến Huy (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Y dược)  cho biết: Triệu chứng điển hình của người bị hội chứng sương mù não hậu Covid-19 là hay quên, kém tập trung, thiếu minh mẫn, đôi khi có thể thấy cơ thể luôn mệt mỏi. Có 4 nhóm đối tượng dễ mắc hội chứng “sương mù não” hậu Covid-19: Người bị tiểu đường, tăng huyết áp; Người bị rối loạn tăng động giảm chú ý; Người bị lo âu, trầm cảm; Người có tiền sử lạm dụng chất kích thích.

“Sương mù não” là gì?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), một trong những vấn đề phổ biến nhất và gây rắc rối lớn sau khi bị “Covid kéo dài” chính là việc suy giảm nhận thức, hay còn gọi là hội chứng sương mù não.

Theo TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền (chuyên gia về Sức khỏe tâm thần), hội chứng sương mù não là một dạng rối loạn chức năng nhận thức, có thể gây ra một số các triệu chứng khó chịu: Mệt mỏi, kém tập trung, thiếu minh mẫn. Từ đó, chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng. Do vậy, nếu để kéo dài tình trạng này mà không được điều trị, người bệnh có thể gặp các tình trạng sức khỏe nguy hiểm khác.

Tình trạng “sương mù não” không phải là một chẩn đoán bệnh mà là triệu chứng của các tình trạng sức khỏe khác. “Sương mù não” là một thuật ngữ sử dụng để mô tả tình trạng tâm thần chậm chạp, như phủ một lớp sương mù và ngơ ngác.

Người gặp hội chứng sương mù não thường có những biểu hiện:

Có những biểu hiện bất thường về trí nhớ: Hay quên, có lúc cảm giác như bị lẫn.

Mất đi sự sáng suốt, rõ ràng trong các hoạt động tâm thần.

Mất tập trung chú ý.

Có cảm giác là không biết điều gì xảy ra.

Rối loạn ý thức.

Trong khi đó, BS Trần Đình Văn, Khoa Phẫu thuật Thần kinh 1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức dẫn nghiên cứu năm 2022 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, hội chứng hậu Covid-19 là các triệu chứng xảy ra ở các bệnh nhân có tiền sử nhiễm Covid-19 kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Hội chứng hậu Covid-19 bao gồm hơn 200 triệu chứng, hay gặp chủ yếu là vấn đề hô hấp, vấn đề nhận thức, mệt mỏi. Hội chứng hậu Covid-19 gây viêm đa hệ thống (MIA-A), ảnh hưởng đến gây viêm hệ thần kinh, thoái hoá hệ thần kinh, gây ra các vấn đề nhận thức trong đó có biểu hiện của “sương mù não”.

Về cơ chế bệnh sinh “sương mù não”, bệnh Covid-19 thông qua tác động trực tiếp, gây căng thẳng dẫn tới ảnh hưởng đến trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận, gây viêm vùng dưới đồi thông qua các đại thực bào microglia, quá trình viêm được khuyếch đại hơn bởi tăng tính thấm thành mạch của hàng rào máu não do IL - 6, CRH (corticotropin- releasing hormone) làm  tăng sự thâm nhập virus, chất độc, cytokine.

Theo một số nghiên cứu khác: các tế bào thần kinh tại vùng nhận thức hoạt động có nhu cầu oxy cao, dễ tổn thương khi có tình trạng thiếu oxy; tế bào thần kinh khi bị virus xâm nhập, đặc biệt tải lượng virus cao, gây rối loạn chức năng ty thể và dẫn đến tổn thương.

Cũng theo BS Trần Đình Văn, các yếu tố nguy cơ cao gây “sương mù não” sau mắc Covid-19 gồm:

- Tình trạng mắc Covid-19 biểu hiện nặng, đặc biệt bệnh nhân phải nằm ICU;

- Có triệu chứng hô hấp khi khởi phát mắc Covid-19;

- Người bệnh nữ.

Cách nào khắc phục?

Một số chuyên gia y tế cho rằng, sương mù não hiện vẫn là một bí ẩn với giới y khoa và triệu chứng rất đa dạng.

Để khắc phục tình trạng sương mù não, người bệnh cần tích cực luyện tập thể dục, ăn đủ chất dinh dưỡng, hạn chế căng thẳng và uống đủ nước mỗi ngày (trung bình 2 lít nước/ngày).

Cụ thể, theo BS Nguyễn Huy Hoàng, với những người gặp tình trạng "sương mù não" có triệu chứng nhẹ thì có thể tự khắc phục bằng cách:

- Vận động nhiều giúp cơ thể hoạt động, giảm căng thẳng như đi bộ, chơi các môn thể thao nhẹ nhàng.

- Giúp trí não hoạt động nhiều hơn như đọc sách, chơi những trò chơi trí tuệ (cờ, giải ô chữ…), nên hạn chế xem tivi mà nên nghe nhạc hay radio.

- Bổ sung các loại thuốc tăng cường tuần hoàn não, thuốc hoạt huyết để lưu thông hoạt huyết tốt hơn.

- Hằng ngày cần bổ sung các thực phẩm như rau, trái cây… hạn chế dùng thịt đỏ và các loại đồ uống có chất kích thích như bia rượu, cà phê.

Trong khi đó, TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền cho rằng, cách điều trị tốt nhất hiện nay là tạo cho mình một thói quen tốt. Có thể thực hiện những hướng dẫn sau:

- Đảm bảo đủ về thời gian và chất lượng giấc ngủ để giúp cơ thể hồi phục sức khỏe.

- Tập luyện thể dục đều đặn, thường xuyên: Tập luyện vận động không chỉ tốt cho hệ hô hấp và hệ tim mạch và còn là một cách rất tốt để cải thiện chức năng não bộ.

- Tránh sử dụng rượu và thuốc lá có thể giúp giảm phản ứng viêm trong não.

- Nghỉ ngơi một cách hợp lý, có những hoạt động tạo sự vui thú cho bản thân, như đi chơi với bạn bè, gia đình...

- Chế độ ăn lành mạnh, nhiều rau, hoa quả, dầu oliu, lạc, đậu, giúp cải thiện trí nhớ. Lựa chọn thực phẩm giàu acid béo omega, tốt cho tế bào thần kinh. Những loại thực phẩm này có tác dụng làm tăng độ tập trung, tư duy rõ ràng hơn và tốt cho trí nhớ.

Ngoài ra có thể sử dụng một số loại thuốc vitamin nhằm giúp giảm tình trạng sương mù não như vitamin nhóm B (folate, B6, thiamin, niacin, B12…), vitamin C, vitamin D, vitamin E, sắt, magne, kẽm.

Những loại vitamin và khoáng chất này giúp tăng cường chức năng của não. Vitamin D có hiệu quả trong cải thiện chức năng nhận thức và quá trình xử lý ngôn ngữ, lời nói. Sử dụng thực phẩm hoặc thuốc có vitamin D kết hợp với ánh sáng sẽ giúp cải thiện chức năng não.

Magne là một yếu tố vi chất có hiệu quả tốt cho trí nhớ, sự tập trung và làm giảm bớt các biểu hiện của sương mù não.

40808-h40808ng
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/lam-gi-khi-bi-suong-mu-nao-5684790.html Copylink