Mùa mưa, cảnh giác với sốt xuất huyết
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, người dân thường ít quan tâm đến một số bệnh, dịch khác. Trong khi đó, vào thời điểm tháng 9-11 thường là lúc dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) phát triển mạnh, có nguy cơ bùng phát cao.
Không nên chủ quan
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS.BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện (BV) Nhi trung ương cho biết: Từ khoảng 60 năm trở lại đây, SXH vẫn thường xảy ra vào cuối mùa xuân sang mùa hè, hoặc cuối mùa thu sang mùa đông bởi đây là thời gian thuận lợi cho muỗi phát triển.
Theo dịch tễ học, ở Việt Nam số lượng các ca bệnh SXH thường xảy ra ở miền Nam lớn hơn nhiều so với miền Bắc. Bởi có một số yếu tố thuận lợi cho muỗi phát triển là mưa rào và tạo ra những vùng nước đọng là những nơi muỗi có thể sinh sản phát triển, tạo ra những con muỗi lây truyền SXH. Ở miền Bắc, số lượng các ca mắc bệnh SXH thường ít hơn. Ở trẻ em, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - BV Nhi Trung ương mỗi năm ghi nhận số lượng trẻ em mắc bệnh SXH dao động từ khoảng 60 đến 300 ca bệnh nằm viện điều trị.
Chuyên gia về phòng, chống dịch bệnh nhận định, trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người dân trở nên chủ quan hơn với các căn bệnh nguy hiểm khác.
Trung tâm Bệnh Nhiệt đới- BV Bạch Mai cho biết đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp SXH phải nhập viện từ đầu năm tới nay, trong đó một số trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính,…
Một trường hợp điển hình về người bệnh chủ quan khi mắc SXH đã được PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai chia sẻ: Trung tâm từng điều trị cho 1 ca bệnh mắc SXH nhưng không đi khám vì lầm tưởng là phản ứng phụ của việc tiêm vaccine phòng Covid-19. Theo lời kể của người bệnh thì người này được tiêm vaccine sau đó xuất hiện sốt, mệt mỏi, đau cơ. Cứ tưởng đó là các phản ứng của cơ thể sau khi tiêm vaccine nên bệnh nhân tự theo dõi tại nhà. Đến ngày thứ 3, bệnh nhân hết sốt, xuất hiện ban đỏ vùng mặt kèm ban đỏ rải rác toàn thân, mệt mỏi… Tại BV Bạch Mai, kết quả xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ, xét nghiệm Dengue NS1 dương tính. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc SXH, được điều trị theo phác đồ SXH. Sau 6 ngày điều trị theo đúng phác đồ của bệnh, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
Một trường hợp khác, tại BV Quân Y 354, chị N.C.V đang chăm sóc chồng bị SXH kể với phóng viên, ban đầu anh N.P.Đ. (chồng chị V.) có hiện tượng sốt, nhiệt độ tăng cao hơn 39 độ. Do đang thời điểm dịch bệnh nên cả nhà khá lo lắng và chủ động tới BV để làm xét nghiệm Covid-19. Sau khi kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính, hai vợ chồng chị được vào khám và làm xét nghiệm máu. Anh Đ. bị SXH, bác sĩ yêu cầu nhập viện luôn bởi những cơn sốt của anh Đ. kéo dài và thân nhiệt khi sốt tiếp tục tăng cao. Tính đến nay, anh Đ. đã điều trị tại viện được 4 ngày, hiện toàn cơ thể luôn đau mỏi, các cơn sốt vẫn chưa cắt.
Cẩn trọng với những biến chứng
Nhiều huyên gia nhấn mạnh, các tỉnh phía Nam là địa bàn thường bùng phát dịch SXH. Trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội, người dân chỉ đến các cơ sở y tế để khám, điều trị khi dấu hiệu bệnh nặng nên khó có thể thống kê số ca mắc bệnh và việc điều trị người mắc SXH cũng trở nên phức tạp, khó khăn hơn bởi các biến chứng người bệnh có thể mắc phải.
Vẫn theo BS Đỗ Thiện Hải, các biến chứng thường gặp khi mắc SXH chủ yếu là tình trạng giảm tiểu cầu nặng, gây nên tình trạng chảy máu như chảy máu cam, chảy máu tiêu hóa (chảy máu dạ dày, chảy máu ruột non). Còn một biến chứng khác cũng khá nặng thường gặp ở bệnh nhân SXH là tình trạng sốc. Đó là khi mắc bệnh, người bệnh gặp tình trạng thoát dịch ra khỏi lồng mạch làm cho máu cô đặc, giảm tính tuần hoàn.
“Để khắc phục tình trạng này, tránh cho người mắc SXH không gặp phải những biến chứng trên thì chúng ta cần lưu ý hai vấn đề. Thứ nhất là cố gắng phòng bệnh bằng cách kiểm soát môi trường sống xung quanh cho sạch sẽ, tránh để những vật dụng có nước đọng lại, tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Thậm chí, có người đã từng tìm thấy muỗi ở trong những lọ hoa cắm trên bàn thờ. Thứ hai là khi người dân bị mắc SXH thì cần đi khám để được tư vấn một số vấn đề về chăm sóc.
Người bị SXH cũng cần uống nhiều nước để bù lại cho khối lượng tuần hoàn đã bị thoát ra khỏi lồng mạch, giảm nguy cơ cô đặc máu, đảm bảo thể tích tuần hoàn, hạn chế việc dẫn tới tình trạng sốc. Một số những biến chứng nặng khác là suy gan, suy thận” - BS Đỗ Thiện Hải khuyến cáo.
Nhằm phòng chống nguy cơ bùng phát dịch SXH, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế hướng dẫn người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy như: Bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như lon, chai, lọ,… để muỗi không vào đẻ trứng.
Thực hiện thường xuyên các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.
Loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.