Nỗ lực chấm dứt bệnh dại
Dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 hướng tới mục tiêu kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó mèo nuôi, phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.
Nguy cơ tử vong cao
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên, mặc dù đã xuất hiện từ 80-100 năm trước và có vaccine hiệu quả nhưng bệnh dại vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành gây tử vong nhiều nhất tại Việt Nam, ngoại trừ tử vong do bệnh sởi năm 2014 và tử vong do Covid-19 thời gian qua.
Bộ Y tế cho biết, bệnh dại gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vaccine. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 70-110 người tử vong vì bệnh dại trong vòng 10 năm qua.
Theo PGS TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây nên, thường tác động lên hệ thần kinh con người. Bệnh dại lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo).
Thông thường thời kỳ lây truyền bệnh dại ở chó nhà là từ 3 - 7 ngày trước khi chết và trong khoảng thời gian từ 1 - 3 ngày trước khi có biểu hiện dại thì virus dại đã thải ra đến tuyến nước bọt của con vật. Vì vậy, nếu bị cắn trong giai đoạn này vẫn có thể mắc bệnh, mặc dù tại thời điểm bị cắn thấy chó vẫn bình thường.
Ông Phu cũng nhấn mạnh: Bằng mắt thường không thể phân biệt được con chó cắn người có mang virus dại hay không, do đó khi có người nhà bị chó dại cắn cần theo dõi con vật. Nếu bị cắn mà không biết chắc con chó có bị dại không thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để được tư vấn. Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ phát bệnh thường 2-4 ngày.
Quan trọng nhất là tiêm phòng cho đàn chó, mèo
Với tổng số đàn chó nuôi lớn, hiện có khoảng 7,5 triệu con, nguy cơ bệnh dại có thể xảy ra trong thời gian tới là rất cao. Tại Việt Nam, trong những năm qua, mỗi năm ghi nhận 240-300 ca tử vong do bệnh truyền nhiễm thì có đến 1/3 là tử vong do bệnh dại.
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh, tuy nhiên có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Tiêm vaccine phòng bệnh dại kịp thời cho người bị chó nghi dại cắn là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại ở người.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, có 3 giải pháp chính để loại trừ bệnh dại trên người, trong đó quan trọng nhất là tiêm phòng cho đàn chó mèo và tỷ lệ tiêm liên tục trong nhiều năm phải đạt trên 70%.
Tiếp đến là tiêm vaccine phòng bệnh cho người có nguy cơ cao nhiễm bệnh dại và tiêm huyết thanh kháng bệnh dại cho người bị chó mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại cắn. Cũng theo ông Tấn, chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Nếu tiêm phòng cho chó chỉ mất 20.000-40.000 đồng/con nhưng nếu người bị cắn phải điều trị dự phòng thì tốn 1,5-2 triệu đồng/người.
Dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 hướng tới mục tiêu kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó mèo nuôi, phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân tiêm phòng đầy đủ cho chó mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó mèo, ra đường phải đeo rọ mõm.
Theo các chuyên gia y tế, khi không may bị chó mèo cắn, cào, liếm phải rửa sạch vết thương bằng nước sạch và xà phòng liên tục trong 15 phút, sau đó sát trùng lại bằng cồn. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch và các thứ có sẵn trong nhà như dầu gội đầu, sữa tắm, rượu, cồn. Không tự ý nặn vết thương và khâu, rạch, băng kín vết thương.
Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời, bởi tiêm vaccine là biện pháp duy nhất để phòng bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không đến thầy lang chữa bệnh dại dẫn đến những biến chứng chết người.