Phối hợp tốt để điều trị F0 tại nhà
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ca F0, việc triển khai quản lý F0 tại cộng đồng là một trong những biện pháp cần thiết giúp giảm tải cho các bệnh viện, cơ sở điều trị. Trong thời gian qua, tại một số địa bàn ở TP Hồ Chí Minh...
Mô hình trực tuyến và “thực địa” hoạt động song song
Theo PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng Khoa Y, Đại học Y Dược TP HCM, thời gian vừa qua nhà trường đã tổ chức mô hình chăm sóc F0 trong cộng đồng, tức là F0 sẽ ở trong nhà, đảm bảo theo sát F0 không để F0 lo lắng về việc làm thế nào để tiếp cận nhân viên y tế trong trường hợp có dấu hiệu trở nặng, giảm nguy cơ tử vong. Mô hình gồm 2 đội, đội 1 là chăm sóc F0 tại nhà thông qua hình thức trực tuyến, đội 2 là đội cấp cứu ngoại viện hỗ trợ các F0 ở cộng đồng.
Đối với đội 1, các bác sĩ, sinh viên, các bạn tình nguyện viên sẽ giám sát F0 trong nhà qua hình thức trực tuyến, làm các hồ sơ bệnh án điện tử để theo dõi sức khoẻ của từng F0, thông tin sẽ được cập nhật 1-2 ngày/lần tuỳ theo tần suất, nguy cơ diễn biến bệnh của F0. Khi F0 có dấu hiệu trở nặng thì chính người bác sỹ ở đội 1 sẽ gọi đường dây nóng ở đội 2. Đội 2 sẽ lập tức triển khai xe cấp cứu đến nhà F0 để đưa F0 tới cơ sở điều trị. Nếu bệnh nhân tương đối ổn sẽ đưa vào khu lưu, nếu F0 trở nặng sẽ được vào khu cấp cứu.
“Ưu điểm của mô hình này là chúng ta có thể chăm sóc một lượng lớn cộng đồng, thực hiện cá thể hoá việc chăm sóc theo mô hình bác sĩ gia đình giúp cho người bệnh an tâm khi luôn có một bác sỹ đồng hành với mình từ khi bị bệnh đến khi được chữa khỏi, hồi phục. Hơn nữa, đối với hình thức này, chúng ta có thể phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng, cấp cứu kịp thời cho F0, giảm nguy cơ diễn biến nặng, tử vong đối với các ca bệnh” - PGS TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết.
Đối với việc triển khai mô hình này, các F0 sẽ được chuyển viện đúng tầng, giảm tải cho các bệnh viện tầng trên. Bởi đã có tình trạng, các F0 quá hoang mang, lo lắng nên đôi khi là đến những bệnh viện ở những tầng trên không cần thiết. Đội cấp cứu ngoại viện sẽ đảm trách việc sơ cấp cứu, chuyển viện đúng tầng.
Cần sự phối hợp tốt giữa địa phương và lực lượng y tế
Đối với việc thực hiện các mô hình điều trị, quản lý F0 tại nhà, lực lượng y tế cần các địa phương hỗ trợ về các danh sách F0 trên địa bàn, đặc biệt là số điện thoại để có thể liên hệ. Trên cơ sở đó, đội bác sĩ, sinh viên, tình nguyện viên sẽ trực tiếp trao đổi, ghi nhận thông tin của các F0, làm hồ sơ bệnh án điện tử, theo sát diễn biến từng bệnh, hướng dẫn người bệnh những điều cần làm.
Theo BS Lê Phước Truyền, Giảng viên Bộ môn Nhi (Đại học Y Dược TP HCM) - người phụ trách đội cấp cứu ngoại viện trên địa bàn quận 8: Để vận hành được mô hình điều trị F0 trên địa bàn quận, nhà trường có 4 đội chia 3 ca, 4 kíp, đảm bảo bao quát được địa bàn rộng. Một đội cấp cứu ngoại viện sẽ có từ 10-12 thành viên và phụ trách 3 xe cứu thương. Đội 1 nắm thông tin, đội 2 chỉ tập trung vào những ca có diễn tiến cần cấp cứu, có chỉ định nhập viện. Trên thực tế triển khai, điều quan trọng nhất là có danh sách các F0 trên địa bàn, với sự hỗ trợ chính quyền quận 8 trong thời gian qua thì mô hình điều trị F0 đã và đang thật sự vận hành tốt, mang lại hiệu quả, giảm rõ rệt số ca tử vong.
Bên cạnh các bác sĩ, sinh viên, tình nguyện viên điều trị, tư vấn về cách điều trị các triệu chứng của Covid-19, nhiều sinh viên, tình nguyện viên có chuyên môn về tâm lý học cũng tham gia vào các đội tình nguyện để hỗ trợ điều trị vấn đề tâm lý cho các F0.
Theo BS Võ Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các mô hình điều trị các F0 tại nhà, trong đó có mô hình của Trường Đại học Y Dược TP HCM là sự phối hợp tốt giữa lực lượng y tế và chính quyền địa phương. Đây là mô hình khả thi, tất cả các địa bàn đều có thể thực hiện được. Đặc biệt đối với những địa bàn lớn, có số ca F0 lớn thì cần những mô hình như vậy.
“Ngoài việc theo dõi, điều trị các F0, chúng ta cần phát huy mô hình này đối với các trường hợp cần theo dõi sức khoẻ khác tại cộng đồng trong bối cảnh các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh đều được tạm thời chuyển công năng thành bệnh viện điều trị Covid-19” - BS Khoa nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết, mô hình điều trị F0 của Trường Đại học Y Dược TP HCM đầu tiên được triển khai tại quận 10, sau 10 ngày số người tử vong giảm rõ rệt. Mô hình này tiếp tục được triển khai tại quận 8, quận Bình Tân và cũng nhận được những kết quả tốt về việc kiểm soát các ca F0 điều trị tại nhà, số ca tử vong cũng đã giảm. Vì thế, về lâu dài, chúng ta cần triển khai mô hình đến các địa phương để đảm bảo tính bền vững của mô hình.
Thực đơn cho người mắc Covid-19 tại nhà và khu cách ly
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp với Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã xây dựng nội dung khuyến cáo bảo đảm dinh dưỡng cho người mắc Covid-19 tại nhà và khu cách ly. Theo đó, người mắc Covid-19 cần đảm bảo được cung cấp đủ thực phẩm, cần ăn đủ 3 bữa chính. Mỗi bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm: Ngũ cốc, khoai củ; thịt, cá, tôm, trứng, sữa, đậu đỗ; dầu mỡ; rau xanh và quả chín.
Cần cung cấp đủ protein, vitamin và chất khoáng để giúp cho hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, cần ăn đủ lượng thịt, cá, trứng (200-250 g); rau xanh (300-400 g) và quả chín (200-300 g) mỗi ngày.
Trong trường hợp mệt mỏi, chán ăn, mất vị giác vẫn cần ăn đủ bữa và số lượng thực phẩm, có thể thay đổi cách chế biến thành các dạng thực phẩm lỏng như: Cháo, súp, chia làm nhiều bữa nhỏ hoặc thay thế bằng các loại sữa, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng giàu năng lượng từ 1-3 lần/ngày.
Mỗi ngày người mắc Covid-19 cần uống vào khoảng 1,6 - 2,4 lít nước (tương đương 8-12 ly thủy tinh). Hạn chế sử dụng nước ngọt; đồ uống có cồn. Cùng đó, phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống sôi; đọc kỹ nhãn mác thực phẩm trước khi sử dụng.
M.Thủy