Stress trong mùa dịch COVID-19: Lao đao ngay cả khi không là bệnh nhân
Dịch COVID-19 không chỉ tấn công về sức khoẻ sinh học của người bệnh, mà thậm chí còn có thể khiến sức khoẻ tinh thần của tất cả mọi người dù người mắc bệnh hay không mắc bệnh bị ảnh hưởng. Nếu không biết cách nhận biết và giải quyết, việc stress lâu ngày có thể khiến sức khoẻ tinh thần kiệt quệ.
Dịch COVID-19 không chỉ tấn công về sức khoẻ sinh học của người bệnh, mà thậm chí còn có thể khiến sức khoẻ tinh thần của tất cả mọi người dù người mắc bệnh hay không mắc bệnh bị ảnh hưởng. Nếu không biết cách nhận biết và giải quyết, việc stress lâu ngày có thể khiến sức khoẻ tinh thần kiệt quệ.
Dịch COVID-19 ập đến với sức lây lan nhanh chóng đã có những tác động mạnh mẽ đến tâm sinh lý của nhiều người. Đặc biệt là những người yếu thế, có thu nhập không ổn định hay những người ở trong những vùng, địa phương bị tác động nặng như khu cách ly hay bị lây nhiễm và thậm chí là những người nhiều cảm xúc.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh - Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt Diệp Quang, tình trạng dịch bệnh không chỉ mang đến cho người nhiễm COVID-19 những mệt mỏi, khó chịu về cơ thể mà còn là những sang chấn tâm lý về mặt tinh thần, ngay cả những người chưa nhiễm cũng lo lắng, căng thẳng, hoang mang.
"Những dấu hiệu của stress thường gặp là trầm cảm, rối loạn lo âu, mất ngủ, ăn không ngon, dễ nổi nóng… không biết phải làm gì, luôn bị những ám ảnh hay các suy nghĩ tiêu cực xâm chiếm tâm trí. Những yếu tố này không chỉ có ở các người bệnh, mà ngay cả người chưa mắc bệnh (âm tính) cũng không tránh khỏi những căng thẳng, có những suy nghĩ tiêu cực nếu không có được những ổn định hay biện pháp phòng tránh về mặt tâm thần", chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho biết.
Bên cạnh đó, chuyên gia tâm lý Lê Khanh cũng chia sẻ, những nghiên cứu về sức khỏe tâm thần cho thấy, không chỉ trước khi bị nhiễm, trong khi bị mà ngay cả sau khi bị nhiễm, dù đã được điều trị không đến mức nguy kịch, thì người bệnh vẫn có thể có những tổn thương tâm lý sâu sắc, và điều này lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất.
"Đây là một căn bệnh truyền nhiễm có sự lây lan vô cùng nhanh chóng và dễ dàng, chỉ cần một vài phút lơ là trong việc phòng vệ là đã có thể bị nhiễm. Điều này lại càng tạo nên tâm lý hoang mang lo sợ, nhất là đối với những người lớn tuổi, đang có bệnh mãn tính hay với những người ít có cơ hội tìm hiểu các kiến thức, kỹ năng trên các phương tiện truyền thông chính thống với các chuyên gia về dịch tễ học"- Chuyên gia chia sẻ.
Thực tế, việc giãn cách xã hội vừa đem lại hiệu quả tương đối cho công việc chống dịch, nhưng đồng thời lại có tác động không nhỏ đến việc làm đứt gãy khả năng thu nhập cho phần lớn những người lao động tự do hay làm việc trong khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh chia sẻ thì nó còn tạo ra một hậu quả khác là những “lỗ hổng về thời gian”.
Bình thường, với những người lao động thì mở mắt ra là đã có việc phải làm, rồi chạy ra ngoài đường, gặp gỡ hết người này đến người khác… "Từ đó, các cảm xúc do công việc đem lại, buồn vui lẫn lộn với các mức độ cảm xúc đa dạng. Điều này đem lại cho họ sự quân bình về tâm lý"- Chuyên gia nhấn mạnh.
Theo phân tích và nhận định của chuyên gia tâm lý, thời gian giãn cách ở tại nhà, ngoài việc vệ sinh cá nhân và ăn uống, thì đa số mọi người hầu như không biết làm gì và hàng ngày cũng chỉ thấy vài gương mặt đã quá quen thuộc của người nhà, sẽ dễ tạo sự nhàm chán.
Bên cạnh đó, không có các áp lực và sự thúc đẩy của công việc, không có cảm giác phải đương đầu hay tiếp xúc với một ai đó, chưa kể đến việc không kiếm ra tiền, tất cả những nguyên nhân này có thể dẫn đến việc cảm thấy mình vô dụng nhất là với những người đang có trách nhiệm góp sức vào các hoạt động trong gia đình.
Chính cái cảm giác trống rỗng, bất lực, không biết làm gì có ích cho bản thân và cho người trong nhà khiến cho người ta rất dễ có các suy nghĩ tiêu cực, các suy luận theo chiều hướng xấu đưa đến sự suy sụp tâm thần có thể kéo dài trong thời gian giãn cách.