Sứ mệnh chống dịch Covid-19 của thầy thuốc
Tại văn bản 7330/KCB-BYT mới được ban hành, Bộ Y tế cho biết, những trường hợp người hành nghề khám chữa bệnh tự ý bỏ vị trí công tác có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề.
Nếu thoái thác trách nhiệm thì ai đi chống dịch?
Cụ thể, Bộ Y tế cho biết, qua các đợt kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế và báo cáo từ một số tỉnh thành, đã có hiện tượng người hành nghề khám chữa bệnh tự ý bỏ vị trí công tác, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Tại văn bản 7330, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh việc quản lý người hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tổng hợp gửi những trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm quy định về đạo đức hành nghề, gửi Bộ Y tế để xem xét. Bộ Y tế sẽ có hình thức kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với trường hợp vi phạm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết với tư cách một nhà quản lý bệnh viện, BSCKII Lê Công Tước - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho hay, trong điều kiện bình thường, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Luật Lao động và Luật Viên chức. Trong trường hợp người hành nghề y có lý do chính đáng như sức khỏe, gia đình thì chúng ta cần quan tâm, hỗ trợ.
“Tuy nhiên, trong khi cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức gay cấn như hiện nay, cá nhân tôi cho rằng việc kỷ luật, tước giấy phép hành nghề những trường hợp thoái thác nhiệm vụ là hợp lý. Dịch bệnh đang căng thẳng như vậy, nếu ai cũng tự ý bỏ vị trí công tác, ai cũng thoái thác trách nhiệm thì ai đi chống dịch? Chúng ta hay nói đây là cuộc chiến chống dịch Covid-19, bác sĩ cũng đi chiến đấu như những người lính thì những người như vậy đâu khác gì đảo ngũ trong quân đội?” - BS Tước nói.
Là bác sĩ đã từng có mặt tại tuyến đầu khi Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang, ông Lê Công Tước tâm sự: “Nghề thầy thuốc đòi hỏi lương tâm và trách nhiệm rất cao. Không có lòng nhân ái, không sẵn sàng hy sinh vì người khác thì không thể làm một thầy thuốc giỏi được. Bởi vậy, đối với những người chỉ lo lắng cho bản thân mình trong dịch bệnh thì không xứng đáng làm thầy thuốc”.
“Người dân cần chúng ta nhất, chúng ta cần xả thân”
Tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội), nơi điều trị cho gần 700 trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 từ 30/4 tới nay, TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện khẳng định: Hầu hết nhân viên y tế sẵn sàng xả thân để chống dịch. Sứ mệnh lịch sử của thế hệ thầy thuốc chúng tôi là chống dịch.
Ông Thường thông tin thêm, Bệnh viện đa khoa Đức Giang không ghi nhận hiện tượng bác sĩ tự ý rời bỏ vị trí công tác hay không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được phân công. Tất cả các đồng chí được phân công vào vùng lõi điều trị bệnh nhân Covid-19 đều vui vẻ nhận lời. Nhiều anh em làm đơn xin được tham gia điều trị bệnh nhân F0. Còn có trường hợp bác sĩ nói với tôi, cháu chưa lập gia đình, chưa có vợ con nên không cần nghỉ ngơi, về thăm người thân mà làm việc trong khu điều trị bệnh nhân 5-7 tuần.
Đối với hiện tượng nhân viên y tế không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được phân công, hay tự ý bỏ vị trí công tác, BS Thường cho rằng: “Ở những lúc yên bình, nhân viên y tế được dành sự tôn trọng rất lớn từ cả xã hội với việc làm cao cả của mình, đến khi dịch bệnh bùng phát, ở thời điểm nhân dân đang cần chúng ta nhất thì thoái thác nhiệm vụ, tôi cho rằng điều đó không khác gì hành động đảo ngũ của người lính trên chiến trường. Với tư cách một bác sĩ đang trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, tôi lên án hiện tượng này”.
Bên cạnh đó, theo BS Thường, có một hiện tượng cần phải nhắc đến, đó là việc y, bác sĩ tự ý bỏ vị trí công tác thường xảy ra tại những cơ sở y tế điều trị gián tiếp bệnh nhân Covid-19, còn đối với những nhân viên y tế trực tiếp tham gia chống dịch, con số này rất nhỏ.
Ông Thường lý giải, một số rất nhỏ y, bác sĩ quá lo lắng về dịch bệnh, về tỷ lệ tử vong của y, bác sĩ tham gia chống dịch trên toàn cầu, đây là tâm lý chung và có thể hiểu được. Tuy nhiên, chúng ta cần phải biết, với sự cố gắng của Đảng và Nhà nước, hiện tại, gần như 100% nhân viên y tế tại Việt Nam đều đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Do vậy, tỷ lệ lây nhiễm của các y bác sĩ tại Việt Nam trong quá trình chống dịch là rất thấp.
“Thế hệ cha anh chúng ta lên đường đi cứu nước trong thời chiến, chúng ta là nhân viên y tế, chúng ta sinh ra trong thời bình, khi đất nước, người dân cần chúng ta nhất, chúng ta cần xả thân. Nếu không nhân dân trông chờ vào ai để bảo vệ sức khỏe của người dân?” - BS Thường nhắn nhủ tới các đồng nghiệp.
Theo Bộ Y tế, để bảo đảm nhân lực thực hiện phòng chống dịch Covid-19 và khám chữa bệnh thường quy, các Sở Y tế cần tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn (cả công lập và tư nhân) thực hiện nghiêm các quy định về quản lý người hành nghề khám, chữa bệnh tại đơn vị. Xây dựng phương án, kế hoạch bố trí nhân lực phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế để dự phòng có tình huống lây nhiễm phải cách ly y tế, gây ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của người hành nghề khám chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Cần biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các cán bộ, viên chức, người hành nghề tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống dịch và hoạt động khám chữa bệnh.