Monday, Aug 22, 02:08 PM

Tăng phạt hành chính để chống dịch sốt xuất huyết

Theo số liệu của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) hiện đã tăng 293,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 122,7% so với cùng kì giai đoạn 2016-2020. Trong đó, số ca nặng là 502 ca, chiếm tỷ lệ 1,57% trong tổng số ca mắc, cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước.

Tăng phạt hành chính để chống dịch sốt xuất huyết
Tăng phạt hành chính để chống dịch sốt xuất huyết
tang-phat-h224nh-ch237nh-de-chong-dich-sot-xuat-huyet_1.jpg
Lực lượng chức năng tại TPHCM tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng

6 quận - huyện có số ca mắc và số ca mắc/100.000 dân cao nhất là quận 12, Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Tân Phú.

Trước số ca mắc SXH tăng cao, ngành y tế thành phố phải đến các quận/huyện để giám sát, hướng dẫn. Tuy nhiên, khi giám sát thực tế Sở Y tế TPHCM phát hiện công tác vệ sinh môi trường ở một số nơi chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, đại diện huyện Cần Giờ cho biết, tình hình dịch SXH có chiều hướng gia tăng, đặc biệt xã Bình Khánh và thị trấn Cần Thạnh là 2 địa phương được ghi nhận số ca mắc nhiều hơn so với các xã khác. Tính đến ngày 24/7/2022, toàn huyện ghi nhận 240 ca mắc mới.

Tương tự, từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Nhà Bè có 59 ổ dịch SXH với 574 ca, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021, không có ca tử vong. Tuy nhiên, chỉ riêng 2 tuần đầu tháng 7, huyện Nhà Bè ghi nhận tăng đột biến 44 ổ dịch (tăng 200%). Bên cạnh đó, huyện Nhà Bè vẫn còn 128 điểm nguy cơ cần xử lý.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, vấn đề nhức nhối, khó giải quyết chính là các công trình xây dựng, nơi tiềm ẩn nguy cơ phát sinh lăng quăng, muỗi vằn gây bệnh SXH. Thực tế qua công tác kiểm tra phát hiện nhiều công trình có các hầm hào, mương nước chứa lăng quăng. Tuy nhiên, việc kiểm tra lại gặp khó khăn. “Có lãnh đạo địa phương đi cùng nhưng đoàn của Sở Y tế vẫn bị bảo vệ các công trình không cho vào kiểm tra, thậm chí là xua đuổi. Điều này cho thấy một số địa phương chưa làm mạnh tay với những nơi có thể phát sinh dịch bệnh” - ông Hưng bức xúc.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự quan ngại đối với các dự án treo cũng tiềm ẩn mối nguy bùng phát dịch bệnh SXH do có nhiều vật chứa, mương nước, hầm nước… chứa lăng quăng. Thế nhưng, việc kiểm tra, xử lý các điểm nguy cơ này lại gặp không ít trở ngại, khó khăn.

Chưa quan tâm đúng mức

Trước tình trạng số ca mắc SXH chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi người dân còn khá chủ quan, nên nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường xử phạt hành chính.

Ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM cho rằng, với sự gia tăng bất thường số ca mắc, số ca nặng, số ca tử vong như hiện nay là điều đáng lo ngại, cần có giải pháp hiệu quả hơn. “Có những địa phương tỷ lệ kiểm soát điểm nguy cơ rất thấp, chỉ 10 - 20%, cao nhất cũng chỉ 80%. Việc xử phạt vi phạm các quy định phòng, chống dịch SXH cần được xử lý mạnh tay hơn nữa để răn đe, cảnh báo. Đặc biệt 5 địa phương là quận 1, quận 5, quận 10, huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè chưa xử phạt trường hợp nào thì cần phải xem xét lại, bởi lẽ những địa phương này có số ca mắc không ít và số lượng điểm nguy cơ cũng không nhỏ” - ông Bình đề xuất.

Về công tác xử phạt hành chính đối với phòng, chống bệnh SXH, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM thông tin, từ đầu năm 2022 đến nay toàn thành có 155 quyết định được ban hành. Trong đó, 3 quận huyện có số xử phạt cao là Bình Tân (46), Bình Chánh (28), quận 3 (13); 5 quận huyện chưa ra quyết định xử phạt là quận 1, 5, 10, Cần Giờ, Nhà Bè; các quận/huyện còn lại có xử phạt nhưng số lượng vẫn còn hạn chế.

Đáng chú ý, kết quả kiểm tra thực tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho thấy, gần 20% hộ dân vẫn có lăng quăng trong nhà, tỷ lệ có lăng quăng ở các địa điểm có người quản lý và địa điểm không có người quản lý trực tiếp xấp xỉ 50%. Điều này cho thấy dù ngành y tế và UBND các cấp quyết liệt kiểm soát nơi sinh sản của muỗi gây bệnh SXH nhưng một bộ phận người dân và cả các cơ quan tổ chức vẫn chưa quan tâm đúng mức. Đây là một khó khăn thách thức lớn đối với công tác phòng, chống dịch SXH của TPHCM.

Được biết, tích lũy từ đầu năm đến nay, số ổ dịch SXH tại TPHCM lên đến 1.888 ổ dịch. Số ổ dịch bắt đầu tăng liên tục từ tuần 16 đến nay. Từ tuần 21 đến nay, số ổ dịch tại thành phố trên 100 ổ dịch/tuần. Các quận, huyện có nhiều ổ dịch là quận 12, Củ Chi, Hóc Môn, Tân Phú.

Sở Y tế TPHCM đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị SXH trên địa bàn theo 3 kịch bản : (1) dưới 2.000 ca, (2) từ 2.000 đến 4.000 ca, (3) từ 4.000 - 6.000 ca đang điều trị tại bệnh viện nhằm chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong do SXH. Căn cứ kịch bản này, TPHCM đang ở tình huống 2 (mỗi ngày có 300 - 600 ca SXH nhập viện).

THANH GIANG
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/tang-phat-hanh-chinh-de-chong-dich-sot-xuat-huyet-5692800.html Copylink