Tiền Giang chuyển Trung tâm công tác xã hội tỉnh thành bệnh viện dã chiến
Sau khi ghi nhận chùm ca bệnh tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Tiền Giang, rạng sáng ngày 14/8 Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang và đoàn công tác Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn để tìm phương án nhanh chóng kiểm soát ổ dịch này....
Trung tâm công tác xã hội tỉnh Tiền Giang hiện có 86 nhân viên và 357 đối tượng dễ tổn thương được bảo trợ xã hội, với 05 khu trong đó: khu A có 39 người; khu B có 101 người; khu C có 72 người; khu D 102 người và khu E là 43 người. Đối tượng dễ tổn thương được bảo trợ xã hội chủ yếu là người già, người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em và phụ nữ neo đơn.
Theo ghi nhận của CDC tỉnh Tiền Giang, tính đến ngày 14/8, ổ dịch tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Tiền Giang ghi nhận tổng cộng 68 ca F0 trong tổng số 443 cán bộ nhân viên và đối tượng dễ tổn thương.
Trước đó ngày 9/8, tại đây ghi nhận ca dương tính đầu tiên là nhân viên Trung tâm tại khu D, có mẹ là F0. Ngay lập tức CDC Tiền Giang đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ trung tâm và ghi nhận 68 trường hợp F0, trong đó khu B ghi nhận 63 ca dương tính là đối tượng dễ tổn thương; 04 ca dương tính còn lại là nhân viên tại các khu B, E, D.
Nhận định về ổ dịch tại Trung tâm công tác xã hội, TS Nguyễn Vũ Thượng – Trưởng đoàn công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Tiền Giang cho biết, do F0 là nhân viên phục vụ ăn uống tại khu B, có tiếp xúc gần với các đối tượng vì vậy khiến tốc độ lây nhiễm nhanh. Đây là khu nguy cơ rất cao vì đa số các ca F0 đều là đối tượng dễ tổn thương.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang và đoàn công tác Bộ Y tế đã nhanh chóng đề ra các phương án để sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh tại ổ dịch này. Theo đó các ca F0, F1 sẽ được cách ly ngay tại chỗ, Trung tâm công tác xã hội sẽ được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến, nếu các ca bệnh có diễn biến nặng sẽ chuyển qua trung tâm hồi sức tích cực của tỉnh.
Sở Y tế cần triển khai tập huấn cho nhân viên tại Trung tâm về công tác chăm sóc, điều trị cho các ca F0. Các trường hợp F1 được cách ly thành 03 khu bao gồm: Trẻ em – phụ nữ; người già; các đối tượng còn lại. Bên cạnh đó phải tiến hành song song công tác truy vết F1 của các nhân viên F0 ở ngoài cộng đồng.
CDC tỉnh đảm bảo công tác lấy mẫu gộp với tần suất 2 ngày/lần, đồng thời thường xuyên sát khuẩn bề mặt, phòng ốc hàng ngày, kiểm soát nhiễm khuẩn không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo.