Thursday, Jul 21, 03:07 PM

TPHCM: Đã ghi nhận một số tín hiệu đáng mừng

(Chinhphu.vn) - Mặc dù diễn biến phức tạp, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận một số tín hiệu đáng mừng về dịch bệnh. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội triệt để hơn trong thời gian 1 tuần hoặc 10 ngày tới để ngăn chặn được nguồn lây lan và đạt được đỉnh dịch. - Thông tin chính thống hoạt động, quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao; và thế giới...

TPHCM: Đã ghi nhận một số tín hiệu đáng mừng
TPHCM: Đã ghi nhận một số tín hiệu đáng mừng

Không phát sinh ổ dịch mới, thêm 1585 bệnh nhân xuất viện

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tính từ 19 giờ 30 ngày 21/7 đến 6 giờ ngày 22/7, Thành phố ghi nhận thêm 2.433 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 22/7.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận tổng cộng hơn 43.700 trường hợp mắc COVID-19.

Theo HCDC, số ca dương tính phát hiện vẫn còn cao, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa đạt đỉnh dịch và có thể diễn biến phức tạp trong vài ngày tới.

Mặc dù diễn biến phức tạp, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận một số tín hiệu đáng mừng về dịch bệnh. Đó là không phát sinh ổ dịch mới. Trong ngày 21/7, Thành phố Hồ Chí Minh đã có thêm 1.585 bệnh nhân xuất viện, tổng số ca được điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 6.422 người.

Hiện các bệnh viện trên địa bàn thành phố đang điều trị 35.228 bệnh nhân dương tính (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR xét nghiệm nhanh dương tính), trong đó có 533 bệnh nhân nặng đang thở máy và 10 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến nay thành phố đã ghi nhận 382 bệnh nhân tử vong. 

Siết chặt giãn cách để ngăn chặn nguồn lây

HCDC cho biết, hơn 95% các ca phát hiện dương tính qua lần xét nghiệm đầu tiên trong khu cách ly, phong tỏa cho thấy trường hợp nhiễm COVID-19 là do diễn tiến của bệnh từ F1 thành F0, không có cơ sở để khẳng định do lây nhiễm trong khu cách ly, phong tỏa.

Trong 3 kịch bản đã đề ra sau 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tình hình dịch bệnh hiện tại của Thành phố đang phù hợp với kịch bản thứ 2. Đó là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và tăng cường một số biện pháp.

Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội triệt để hơn trong thời gian 1 tuần hoặc 10 ngày tới để ngăn chặn được nguồn lây lan và đạt được đỉnh dịch.

Phân 5 tầng chăm sóc, điều trị F0

Song song đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung cao việc phân tầng, quản lý, chăm sóc điều trị F0 với mô hình 5 tầng theo đề nghị của ngành y tế.

Cụ thể, tầng 1 là cách ly tạm thời người nghi nhiễm, chờ kết quả PCR để xem xét cho cách ly tập trung tại địa phương.

Tầng 2 là tầng F0 có triệu chứng cần điều trị, chủ yếu ở bệnh viện quận.

Tầng 3 và 4 dành cho F0 vừa có triệu chứng vừa có bệnh nền, cần điều trị ở tuyến cao hơn.

Tầng 5 dành cho F0 có triệu chứng nặng nhất sẽ được tập trung điều trị, hạn chế nguy cơ tử vong.

HCDC kêu gọi, mỗi người dân cần phát huy tinh thần mỗi người là một chiến sĩ trong cuộc chiến này. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết. Tăng cường kiểm soát, siết chặt các giải pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các khu vực trọng yếu như bệnh viện, khu vực sản xuất. Trường hợp nằm trong khu vực phong tỏa, người dân cần thực hiện nghiêm các quy định cách ly y tế để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho bản thân và gia đình.

Thành lập cơ sở cách ly tập trung cho F0 không có triệu chứng

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố, nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện điều trị COVID-19, UBND TPHCM đã có công văn khẩn hướng dẫn phối hợp tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho đối tượng F0 trên địa bàn thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

Theo đó, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức ban hành ngay quyết định thành lập cơ sở cách ly tập trung cho đối tượng F0 không triệu chứng, không kèm bệnh lý nền hoặc đã được điều trị ổn định và không béo phì thuộc địa bàn quản lý.

Sử dụng các cơ sở hạ tầng có sẵn như khu ký túc xá của trường học, khu chung cư mới chưa đưa vào sử dụng, khách sạn, nhà nghỉ, trường học để thành lập khu cách ly tập trung.

Đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cơ bản cho người được cách ly và bố trí 2 khu vực cách ly riêng biệt cho 2 nhóm đối tượng là người chỉ mới có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính và người đã có kết quả RT-PCR dương tính.

Mỗi cơ sở cách ly tập trung phải bố trí phòng sơ cấp cứu và có ít nhất 5-10 bình oxy.

Xem xét cách ly tại nhà với F0 mới phát hiện có CT≥ 30

Mỗi quận, huyện, thành phố Thủ Đức thành lập “Tổ phản ứng nhanh” để kịp thời hỗ trợ các tình huống khẩn cấp tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc “Tổ cấp cứu ngoại viện” để chuyển người bệnh đến các bệnh viện điều trị COVID-19 hoặc các bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời trong trường hợp nguy kịch.

Dữ liệu của người bệnh phải được cập nhật hàng ngày vào phần mềm ứng dụng “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”.

Xem xét cách ly tại nhà cho các trường hợp F0 mới phát hiện, không triệu chứng nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR có giá trị CT ≥ 30 và hội đủ các điều kiện cách ly tại nhà theo quy định của ngành y tế.

Đối với các trường hợp F0 không triệu chứng sẽ được cách ly tập trung 7 ngày rồi về cách ly theo dõi tại nhà nếu xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 7 âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30.

Trường hợp dương tính với giá trị CT < 30 sẽ tiến hành thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên mỗi 2 ngày sau đó cho đến khi có kết quả âm tính thì cho phép về cách ly theo dõi tại nhà.

Đồng thời, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức hoặc phường, xã, thị trấn ban hành quyết định kết thúc thời gian cách ly tập trung theo quy định.

8 điều người bệnh cần làm khi thực hiện giám sát y tế tại nhà.

8 điều F0 cần làm khi cách ly tại nhà

Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm cách ly người bệnh F0 tại nhà sau khi đảm bảo đầy đủ các yêu cầu tại khu cách ly tập trung hoặc các bệnh viện dã chiến (thời gian cách ly điều trị, kết quả xét nghiệm, nồng độ virus) cũng như điều kiện cơ sở vật chất cách ly tại nhà.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), người bệnh lúc này có thể có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc có chỉ số nồng độ virus thấp nên khả năng lây cho gia đình không cao.

Nhưng để đảm bảo an toàn, không lây nhiễm cho người trong gia đình, người bệnh cần phải tuân thủ thực hiện các biện pháp: Giữ khoảng cách 2m, mang khẩu trang và tấm che giọi bắn trong trường hợp thật sự cần thiết phải tiếp xúc trực tiếp với người trong nhà và thực hiện một số lưu ý an toàn khác….

Triển khai tiêm vaccine COVID-19 đợt 5

Hôm nay 22/7, TPHCM tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine đợt 5 với 615 điểm tiêm trên toàn thành phố và kéo dài trong 2 tuần. Mỗi phường, xã, thị trấn sẽ tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm, mỗi ngày tiêm cho 120 người/điểm.

TPHCM cũng đã chỉ định một số bệnh viện đủ điều kiện, chưa chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị COVID-19, thực hiện tiêm vaccine cho người mắc bệnh mạn tính và có nguy cơ. 

Đến thời điểm này, TPHCM đã tiếp nhận hơn 930.000 liều vaccine COVID-19 (gồm AstraZeneca, Moderna, Pfizer và một lượng nhỏ Sinopharm).

Đối tượng ưu tiên tiêm chủng trong đợt 5 được xác định là những người mắc các bệnh nền (thận mạn tính, phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường); người trên 65 tuổi; người thuộc diện chính sách, có công và đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế; người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế; người tham gia trực tiếp phòng chống dịch. Bên cạnh đó, TPHCM cũng ưu tiên tiêm cho những người có nguy cơ cao, trong đó tập trung là người nghèo. 

Việc tiêm vaccine sẽ đảm bảo giãn cách và phân chia nhiều điểm tiêm với quy mô nhỏ, theo khung giờ, ứng dụng công nghệ thông tin để hẹn giờ tiêm, nhập thông tin hành chính và tiền căn sức khỏe người được tiêm trước khi đến điểm tiêm.

Quy trình tiêm chủng cũng được tối giản hóa nhằm hạn chế tập trung đông người, phòng tránh lây nhiễm trong giai đoạn có nhiều ca bệnh trong cộng đồng. 

Điểm đáng chú ý trong chiến dịch tiêm chủng lần này là việc xác định nơi tiêm vaccine không phải căn cứ vào hộ khẩu thường trú, mà theo nguyên tắc “người nào ở đâu sẽ tiêm ở đó”. 

Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và lực lượng tiêm chủng, UBND TPHCM quyết định tạm thời sẽ không triển khai tiêm chủng ở các khu vực phong tỏa, cách ly.

Tuy nhiên, lãnh đạo TPHCM yêu cầu các địa phương thông báo rõ để người dân không hoang mang việc bị mất quyền lợi.

Ngay sau khi các điểm gỡ phong tỏa, địa phương cần phải tổ chức tiêm ngay để đảm bảo quyền lợi cho người dân. 

Theo Bộ Y tế, lũy kế đến cuối tháng 7, TPHCM đã được phân bổ 2 triệu liều vaccine COVID-19. Dự kiến đến cuối tháng 8 và đầu tháng 9, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ thêm khoảng hơn 3 triệu liều, nâng tổng số nguồn vaccine cho TPHCM lên đến 5 triệu liều./.

Theo Báo Chính Phủ http://baochinhphu.vn/Suc-khoe/TPHCM-Da-ghi-nhan-mot-so-tin-hieu-dang-mung/439296.vgp Copylink