Vì môi trường không khói thuốc lá
Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay (31/5), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn thông điệp “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của việc sử dụng thuốc...
Hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm
Các chuyên gia y tế đã nhiều lần cảnh báo, hút thuốc lá dẫn đến một loạt các hậu quả xấu như làm tăng khả năng nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp hay nghiêm trọng hơn là ung thư phổi. Theo WHO, thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.
TS Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia WHO tại Việt Nam đưa ra cảnh báo nhiều bệnh do thuốc lá thụ động gây ra ở người lớn như: Đột quỵ, ung thư xoang mũi, ung thư vú, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Còn với trẻ em là các bệnh như: Hen suyễn, ung thư hạch, các triệu chứng hô hấp giảm chức năng phổi, bệnh viêm tai giữa…
Điều đáng quan ngại, hút thuốc lá còn làm ảnh hưởng đến môi trường sống.
Một số liệu thống kê cho thấy, hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá; ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường khoảng 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá. Các tác động môi trường của việc sử dụng thuốc lá gây thêm áp lực không cần thiết đối với các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cũng khẳng định, khói thuốc "sản xuất" ra nhiều hạt muội - yếu tố gây ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất đối với sức khoẻ con người - hơn cả khói diesel. Hút thuốc là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc, trường học, khu vực công cộng do khói thuốc thải ra ngoài không khí hàng ngàn chất hóa học độc hại.
Thống kê của ngành y tế cho thấy tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá trong nhà lên tới 67% và tại gia đình là 49%. Do đó, để hạn chế tình trạng này cần tiếp tục siết chặt những quy định hút thuốc lá ở nơi công cộng, tiến tới giảm hút thuốc thụ động tại mỗi gia đình.
Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em
Tại Việt Nam, từ lâu hút thuốc lá đã trở thành thói quen của nhiều người. Vì thế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho rằng, để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng hút thuốc lá, cần sự chung tay, đoàn kết của các cơ quan, cộng đồng.
Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) dẫn các số liệu của WHO cho biết, trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Khói thuốc có thể tồn tại ở khắp mọi nơi và đặc biệt không có ngưỡng an toàn khi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động, gây ảnh hưởng đến cộng đồng mà nạn nhân chủ yếu đa phần là phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động chiếm tới 80%, còn trẻ em là 50%. Những người hút thuốc thụ động khi hít phải khói thuốc lá chịu ảnh hưởng gấp 4 lần những người trực tiếp hút thuốc.
Ngoài tác hại đối với sức khỏe, thuốc lá cũng góp phần không nhỏ vào việc hủy hoại môi trường. Các đầu mẩu thuốc lá và vỏ bao sau khi sử dụng sinh ra một khối lượng rác thải lớn; ước tính mỗi năm có tới 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá thải ra ngoài môi trường. Không chỉ là rác thải bẩn, đầu lọc thuốc lá còn gây hại cho các sinh vật dưới nước nếu bị bỏ lại trên bãi biển, sông, hồ hoặc trôi xuống cống thoát nước vì phải mất từ 5 - 7 năm mới phân hủy hết.
Thời gian qua, các địa phương, đơn vị, bộ, ngành, đoàn thể đã thành lập hoặc kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá; ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành, lĩnh vực về việc tổ chức triển khai, thực thi nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam, hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá đã có những kết quả tích cực, cả về cơ chế, chính sách và công tác tư vấn, cai nghiện… Nhờ vậy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá đã giảm từ 22,5% năm 2015 xuống còn 21,7% năm 2020. Tỷ lệ nam giới hút thuốc lá giảm từ 45,3% năm 2015 xuống còn 42,3% năm 2020. Tỷ lệ học sinh độ tuổi 13-17 hút thuốc lá cũng giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019.