Công nghệ sản xuất phân bón: Đầu tư theo chiều sâu
Giai đoạn 2016 - 2020, các nhà máy sản xuất phân lân, phân NPK đã đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị… nhằm nâng cao hàm lượng dinh dưỡng, phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.
Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, thời gian qua, các công ty sản xuất phân bón có nhiều đổi mới về công nghệ và thiết bị; nghiên cứu phát triển sản phẩm chất lượng cao, các loại phân bón chứa vi sinh vật hữu ích, đáp ứng xu thế phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ ở nước ta và trên thế giới; sản xuất nhiều loại phân bón mới chuyên dùng cho từng loại cây, theo từng vùng canh tác chuyên biệt...; xây dựng, cải tiến hệ thống xử lý khói bụi, xử lý nước trong quá trình sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường ngày càng chặt chẽ.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón chú trọng đổi mới công nghệ và thiết bị |
Điển hình như Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, đã triển khai thành công Đề tài: "Xây dựng các giải pháp công nghệ xử lý axít H2SiF6 dây chuyền sản xuất supe phốt phát nhằm giảm chi phí xử lý môi trường", mang lại hiệu quả lớn cả về kỹ thuật, môi trường và kinh tế. Đề tài đã xử lý được H2SiF6 phát sinh trong quá trình sản xuất, tuần hoàn 100% nước thải trong quá trình sản xuất, từ đó không xả thải ra môi trường, giúp hoạt động sản xuất ổn định, mang lại giá trị làm lợi khoảng 55,77 tỷ đồng/năm.
Tại Công ty Cổ phần DAP-Vinachem đã thực hiện Đề tài: "Nâng cao hiệu suất thu hồi P2O5 trong quá trình sản xuất axit photphoric", nhờ điều chỉnh một số bước công nghệ tại nhà máy sản xuất axit photphoric (PA). Kết quả, đã giảm được dư lượng P2O5 xuống thấp hơn thiết kế 1,4%; tận thu toàn bộ P2O5 có trong nước róc ở bãi chứa thạch cao PG. Đề tài góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản apatit, giảm định mức tiêu hao apatit trong sản xuất.
Hay, Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, đã nghiên cứu và áp dụng thành công giải pháp dùng khởi động mềm thay cho biến tần cao thế; đồng thời nghiên cứu cải tạo, khôi phục hệ thống điều khiển, liên động bảo vệ máy nén K-1301. Việc áp dụng thành công giải pháp giúp đơn vị chủ động hoàn toàn trong sửa chữa và chuẩn bị vật tư dự phòng, không phải chờ nhập khẩu thiết bị thay thế; chủ động trong các tình huống xử lý sự cố, nhanh chóng khôi phục chạy máy và duy trì được sản xuất liên tục, ổn định; không phải thuê chuyên gia lập trình phần mềm, đồng thời giúp nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ kỹ thuật viên... Giá trị làm lợi của giải pháp ước tính hàng chục tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng hoạt động khoa học - công nghệ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đối với lĩnh vực sản xuất phân bón: Tập trung khai thác, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất của các Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy DAP Hải Phòng và Nhà máy DAP Lào Cai theo hướng tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, đa dạng hóa sản phẩm, giải quyết các vấn đề liên quan tới môi trường. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư vào sản phẩm hiện đang có trên thị trường như: Sản phẩm phân lân nung chảy, phân super lân, các loại phân bón NPK... trên cơ sở chuyển đổi công nghệ đáp ứng yêu cầu về môi trường, tiết kiệm năng lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm.