Doanh nghiệp Việt phải kết nối thông tin thị trường và hệ thống phân phối tại EU như thế nào để đạt hiệu quả?
Liên minh Châu Âu - EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam. Vậy, doanh nghiệp Việ
Liên minh Châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc) với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam (2015 - 2021). Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang là đối tác thương mại thứ 14 của EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN; tính riêng về xuất khẩu, Việt Nam xếp thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU (theo Eurostat, năm 2021).
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 57,01 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu 16,9 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam tiếp tục xuất siêu năm 2021 đạt 23,23 tỷ USD.
Trong 06 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 31,71 tỷ USD, tăng 14,5% so với 06 tháng năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đạt 23,82 tỷ USD, tăng 22,7%. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU ghi nhận sự tăng trưởng tốt; đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trong Khối đạt mức tăng 2 con số. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục đà phục hồi và tăng mạnh như dệt may (37,8%), giày dép (19%), cà phê (75,2%), thủy sản (42,1%); rau quả (12,2%)…
Với mục tiêu tận dụng tối đa cơ hội thị trường, khai thác hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang EU thông qua việc cung cấp, cập nhật thông tin thị trường, đồng thời giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nhập khẩu và hệ thống phân phối tại EU, chiều ngày 11/08/2022 tại Khách sạn Sài Gòn, 41-47 Đông Du, Quận I, TP.Hồ Chí Minh, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Phổ biến thông tin thị trường và kết nối với các hệ thống phân phối khu vực EU”.
Hội thảo tập trung trao đổi, giải đáp các thắc mắc về thông tin thị trường, cập nhật các quy định, chính sách mới, xu hướng tiêu dùng và khuyến nghị cách thức tiếp cận, thâm nhập các hệ thống phân phối tại địa bàn cụ thể. Đồng thời là cơ hội cho các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm và kết nối đối tác trực tiếp, xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh và tiềm năng của Việt Nam sang EU.
Đây là kênh thông tin cần thiết và hữu ích cho các doanh nghiệp đã, đang và sẽ có ý định lựa chọn EU là thị trường mục tiêu cho hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Cũng liên quan đến đầu tư từ EU trong bối cảnh thực thi Hiệp định EVFTA, TS.Hoàng Xuân Trung, Viện Nghiên cứu Châu Âu thông tin, trong số các đối tác EU, Hà Lan là quốc gia có vốn FDI đổ vào Việt Nam nhiều nhất; thứ hai là Cộng hòa Pháp và thứ ba là CHLB Đức.
Lĩnh vực FDI mà EU đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là các ngành công nghiệp dựa trên công nghệ cao. Một số tập đoàn hiện nay đang có xu hướng chuyển đầu tư sang các ngành dịch vụ, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm và năng lượng sạch. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư EU đang có xu hướng quan tâm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch ở Việt Nam, trong đó đáng chú ý là năng lượng điện gió ngoài khơi.
"Với EVFTA là chất xúc tác, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫp dẫn thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao", TS.Trung nhận định và dẫn chứng sau một thời gian thực hiện EVFTA, theo bảng xếp hạng GII năm 2021 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Việt Nam xếp thứ 44 trong tổng số 132 quốc gia, thấp hơn so với thứ hạng 42 của năm 2019 và năm 2020, song vẫn đứng đầu trong nhóm các quốc gia có cùng mức thu nhập.