Gam màu sáng tối trong bức tranh mang thương hiệu BVBank – Ngân hàng TMCP Bản Việt
Kết quả kinh doanh trong quý IV cũng như năm 2023 không mấy khả quan khi lợi nhuận giảm mạnh, tỷ lệ nợ khó thanh khoản vượt “ngưỡng trần” quy định mà Ngân hàng Nhà nước đề ra là 3% thế nhưng thương hiệu BVBank - Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt
Sau khi Thương hiệu và Công luận đăng tải bài viết: “Ngân hàng Bản Việt và câu chuyện xây dựng, phát triển thương hiệu” vào ngày 02/11/2023 và bài viết “Thương hiệu BVBank và chuyện thay đổi, nhận diện thương hiệu mới” vào ngày 10/01/2024 liên quan đến hành trình xây dựng, phát triển thương hiệu đã nhận được nhiều phản hồi. Trong đó, vấn đề chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đầu tư và tài chính của thương hiệu BVBank được khách hàng, người tiêu dùng quan tâm hàng đầu.
Kết quả kinh doanh trong quý IV cũng như năm 2023 không mấy khả quan khi lợi nhuận giảm 84%, tỷ lệ nợ xấu vượt mức trần quy định mà Ngân hàng Nhà nước đề ra là 3% thế nhưng thương hiệu BVBank vẫn muốn phát hành lô trái phiếu trị giá 5.600 tỷ đồng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dự phòng rủi ro cho vay tín dụng của nhà băng này -801 tỷ đồng, điều này cho thấy khả năng phòng thủ của BVBank trước những rủi ro liên quan nợ xấu đang ở mức thấp. Ngoài ra, BVBank cũng đang “sở hữu” hơn 76.135,5 tỷ đồng bất động sản thế chấp cùng nhiều đối tác tín dụng bất động sản tính đến thời điểm 31/12/2023.
Lợi nhuận giảm 84%, nợ xấu vượt “ngưỡng trần”….
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Bản Việt (BVBank) thì lợi nhuận sau thuế đạt 7,9 tỷ đồng giảm 18,1 tỷ đồng (tương đương giảm 69,4%) so với quý IV/2022, lũy kế từ đầu năm đến ngày 31/12/2023 đạt 56,5 tỷ đồng giảm 307, 4 tỷ đồng (tương đương giảm 84%) với với năm 2022.
Theo báo cáo, quý IV/2023, thu nhập lãi thuần - mảng kinh doanh cốt lõi của BVBank đạt 428 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2023, thu nhập lãi thuần của BVBank lại giảm 13,7% so với năm 2022.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý IV/2023 tăng 33,8% đạt 135,4 tỷ đồng so với 101,1 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022. Lũy kế cả năm 2023, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tận 276,5 tỷ đồng tăng 23% so với năm 2022.
Theo giải trình của BVBank, năm 2023 được đánh giá là một năm còn rất nhiều khó khăn tác động lên nền kinh tế. Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước, BVBank liên tục giảm lãi suất cho vay. Mặc dù thu nhập lãi quý IV và năm 2023 có tăng tương ứng 14% và 25% sp với cùng kỳ.
Nhưng do do chi phí vốn đầu vào tăng cao bởi những biến động thị trường từ tháng 10/2022, dẫn đến chi phí lãi Quý IV tăng 15% và năm 2023 tăng gần 43% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra do biến động của tỷ giá làm lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối năm 2023 giảm 48% so với năm trước. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý IV tăng 34% so với cùng kỳ năm trước cũng làm lợi nhuận của BVBank giảm so với cùng kỳ.
Cũng trong kỳ quý IV/2023 này thì nhóm nợ xấu tăng lên khá nhiều so với quý IV/2022. Một trong những nhóm nợ tăng mạnh nhất của BVBank là nhóm “Nợ dưới tiêu chuẩn” đạt 311,3 tỷ đồng, còn nhóm “Nợ nghi ngờ” đạt 584,3 tỷ đồng và đáng chú ý là nhóm “Nợ có khả năng mất vốn” đạt 1.019 tỷ đồng đều lần lượt tăng 108,8%, 43,3% và 18,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, tổng nợ xấu nội bảng của BVBank đạt 1.914,5 tỷ đồng tăng 496 tỷ đồng so với quý IV/2022 là 1.418,5 tỷ đồng. Do đó, nhóm nợ xấu tại BVBank tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu theo đó cũng tăng lên 3,31% vượt mức trần quy định mà Ngân hàng Nhà nước đề ra là 3%.
Dự phòng rủi ro tín dụng đối với dư nợ cho vay khách hàng từ đó cũng tăng lên, đối với dự phòng cụ thể từ 31/12/2022 là 366,4 tỷ đồng đã lên 375,4 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023; dự phòng chung tại ngày 31/12/2022 là 374,9 tỷ đồng đã lên 425,6 tỷ đồng đến 31/12/2023. Tổng quỹ dự phòng rủi ro ở thời điểm quý IV/2023 chính thức đạt 801,1 tỷ đồng.
Từ những chỉ số trên, có thể thấy BVBank cũng đang lo ngại trước tình hình nợ xấu đang tăng lên so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, những chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh để chống đỡ với nợ xấu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận tại BVBank.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của BVBank tăng 11,1% so với đầu năm, lên 87.883,9 tỷ đồng. Tổng cho vay khách hàng đạt 57.768 tỷ đồng, tăng 13,5% so với đầu năm; Dự phòng rủi ro cho vay tín dụng của nhà băng này vào thời điểm 31/12/2023 là -801 tỷ đồng, tăng 59,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Điều này cho thấy khả năng phòng thủ của BVBank trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu đang ở mức thấp và có chiều hướng đi lùi.
… nhưng vẫn dự kiến phát hành 5.600 tỷ đồng trái phiếu
Ngày 03/01/2023, tại văn bản số 05/24/BVBank/CBTT-TC của Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), nhà băng này đã công bố thông tin về Quyết định số 109/23/QĐ-HĐQT ngày 27/12/2023 về việc phát hành trái phiếu ra công chúng tăng vốn cấp 2 năm 2024-2025.
Theo đó, số lượng trái phiếu dự kiến phát hành của Ngân hàng BVBank là 56.000.000 trái phiếu với tổng thu về dự kiến là 5.600 tỷ đồng trong vòng 6 đợt phát hành. Mệnh giá trái phiếu là 100.000 VNĐ/trái phiếu. Đây là loạt trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có đảm bảo, là Nợ thứ cấp và thoả các điều kiện để được tính vào Vốn cấp 2 theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN và các quy định pháp luật hiện hành.
Cụ thể, Đợt 1, dự kiến phát hành vào quý I/2024 với số lượng 15 triệu trái phiếu giá trị 1.500 tỷ đồng;
Đợt 2, dự kiến phát hành vào quý II/2024 – quý III/2024 với số lượng 7 triệu trái phiếu giá trị 700 tỷ đồng;
Đợt 3, dự kiến phát hành vào quý III/2024 – quý IV/2024 với số lượng 6 triệu trái phiếu giá trị 600 tỷ đồng;
Đợt 4, dự kiến phát hành vào quý I/2025 – quý II/2025 với số lượng 15 triệu trái phiếu giá trị 1.500 tỷ đồng;
Đợt 5, bắt đầu vào quý II/2025 – quý III/2025 với số lượng 7 triệu trái phiếu giá trị 700 tỷ đồng;
Đợt 6, dự kiến phát hành vào quý III/2025 – quý IV/2025 với số lượng 6 triệu trái phiếu giá trị 600 tỷ đồng.
Cũng theo Nghị quyết của HĐQT Ngân hàng TMCP Bản Việt, trường hợp trái phiếu chưa phát hành hết trong mỗi đợt, số lượng trái phiếu còn lại sẽ chuyển sang đợt tiếp theo. Lãi suất tối đa là 8%/năm. Kỳ hạn tối đa 8 năm kể từ ngày phát hành. Phương án sử dụng vốn thu về từ trái phiếu sẽ được bổ sung vốn cho vay trung – dài hạn dành cho khách hàng.
Trước đó, BVBank đã hoàn tất đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị trái phiếu tính theo mệnh giá 100 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng mỗi trái phiếu. Trái phiếu phát hành từ tháng 08/2022 và dự kiến đáo hạn vào tháng 08/2029.
Ngân hàng BVBank “sở hữu” hơn 76.135,5 tỷ đồng bất động sản thế chấp cùng nhiều đối tác tín dụng bất động sản
Theo đó, BCTC Hợp nhất quý IV/2023 (tính đến ngày 31/12/2023), ngân hàng BVBank đang nắm trong tay hơn 76.135,5 tỷ đồng bất động sản thế chấp, tăng 8.569,5 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022, chiếm gần 82% tổng tài sản thế chấp. Tốc độ tăng này còn cao hơn cả tốc độ tăng trưởng tín dụng tại BVBank trong những năm trước đó.
Thực tế, việc nắm giữ nhiều bất động sản thế chấp cũng gây khó khăn cho ngân hàng khi thực hiện phát mại do tính thanh khoản không cao và tồn tại nhiều rủi ro pháp lý cũng như sự đồng thuận của chủ tài sản. Ngoài ra, không ít tài sản bảo đảm đã được định giá cao hơn giá trị thực tế (do giá trị tài sản bảo đảm thay đổi theo thị trường) khi phê duyệt khoản vay. Do đó, khi thanh lý, các ngân hàng thường có xu hướng định giá theo giá trị khoản nợ mà không sát với giá thị trường.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 26/01/2024, giá cổ phiếu BVB ở mức 11.000 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với phiên giao dịch trước đó, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh hơn 148,6 nghìn đơn vị.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) được thành lập năm 1992, ó trụ sở chính tại số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TP. Hồ Chí Minh do ông Lê Anh Tài làm Chủ tịch HĐQT và ông Ngô Quang Trung làm Tổng Giám đốc.
Hiện, ban lãnh đạo BVBank gồm: Ông Lê Anh Tài giữ chức Chủ tịch HĐQT BVBank. Bà Nguyễn Thanh Phượng giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT; Ông Ngô Quang Trung làm Tổng Giám đốc và 04 phó Tổng Giám đốc gồm: Ông Lê Văn Bé Mười, ông Phan Việt Hải, ông Nguyễn Thanh Tú và bà Văn Thành Khánh Linh.
Trong hoạt động kinh doanh, BVBank có những bước đi đầy ấn tượng với nhiều loại sản phẩm và dịch vụ tài chính cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp như: Các sản phẩm tiết kiệm, cho vay, thẻ tín dụng, trái phiếu, dịch vụ thanh toán và chuyển tiền. Ngoài ra, BVBank cũng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính chuyên sâu cho khách hàng doanh nghiệp, chẳng hạn như tài trợ thương mại và dịch vụ tài chính đầu tư.
Trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, BVBank gặp phải không ít thăng trầm về tài chính, kinh doanh và huy động vốn,… khiến người tiêu dùng quan tâm về các quyền lợi được hưởng khi đầu tư và ngân hàng này.
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về thương hiệu BVBank với những dự án đầu tư; tình trạng sở hữu chéo; sự quan tâm của khách hàng...