Monday, Jul 24, 11:07 AM

Hành trình phát triển thương hiệu NGS – “ông lớn” kín tiếng về công nghệ

Công ty Cổ phần Thiết bị và Truyền thông NGS (Công ty NGS) được biết tới là một thương hiệu có thế mạnh về công nghệ khi trở thành đối tác của nhiều doanh nghiệp lớn và liên tục trúng nhiều dự án với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

Hành trình phát triển thương hiệu NGS – “ông lớn” kín tiếng về công nghệ
Hành trình phát triển thương hiệu NGS – “ông lớn” kín tiếng về công nghệ

Ông lớn về công nghệ

Công ty Cổ phần Thiết bị và Truyền thông NGS (Công ty NGS) được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh và đăng kí thuế Công ty Cổ phần ngày 17 tháng 03 năm 2008. Trụ sở công ty tại số 8 Lý Thường Kiệt, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ban đầu NGS với vốn điều lệ 5 tỷ đồng do 8 cá nhân góp vốn. Trong đó, Lê Việt Anh là cổ đông lớn nhất nắm giữ 28% và một số cá nhân khác như: Hoàng Hữu Thân góp 20%, Nguyễn Vũ Hoàng An góp 8%. Đến đầu năm 2024, NGS tăng vốn điều lệ lên 240 tỷ đồng, 2 cổ đông lớn nhất là Nguyễn Vũ Hoàng An và Lê Việt Anh lần lượt sở hữu 51% và 16% vốn điều lệ. Vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty do ông Phạm Thế Trường đảm nhiệm. Được biết, ông Trường từng đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, Giám đốc điều hành SAP Việt Nam.

Hệ sinh thái của NGS
Hệ sinh thái của NGS

Khởi nghiệp từ lĩnh vực công nghệ, NGS ngày càng lớn mạnh thông qua việc cung cấp các sản phẩm, giải pháp về tích hợp hệ thống, dịch vụ viễn thông và đào tạo công nghệ thông tin. Với nội lực mạnh mẽ về tài chính và con người, NGS xác định tập trung đầu tư vào các lĩnh vực chủ chốt bao gồm ERP, dầu khí, công nghệ cao.

Trên con đường khẳng định vị thế của mình, NGS luôn thấu hiểu điều kiện tiên quyết cho những thành công và gia tăng giá trị của doanh nghiệp đó là tạo nên sự khác biệt. Chính những khác biệt trong tư duy xây dựng hệ thống một cách bền vững, khi lựa chọn lĩnh vực đầu tư kinh doanh theo chiều rộng và chiều sâu… đã mang đến cho NGS cơ hội đánh dấu bước trưởng thành của mình.

Xác định con người là nhân tố hàng đầu, NGS không ngừng tìm kiếm và nuôi dưỡng tài năng, mang đến cho thành viên những cơ hội được thể hiện giá trị bản thân, đóng góp tích cực cho từng giai đoạn phát triển khác nhau của doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu, hệ sinh thái của NGS còn có nhiều doanh nghiệp khác như Công ty CP Tư vấn công nghệ NGS (vốn điều lệ 30 tỷ đồng), Công ty CP Công nghệ số NGS (vốn điều lệ 50 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư công nghệ NGS (vốn điều lệ 110 tỷ đồng) và Công ty TNHH Viễn thông NGS (vốn điều lệ 300 tỷ đồng, thành lập tháng 2/2023).

Trúng nhiều gói thầu lớn về công nghệ

Công ty NGS đã tham gia đấu và trúng thầu tới 94 gói thầu, với tổng giá trúng thầu lên tới hơn 1.162,08 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập hơn 747,65 tỷ đồng và tổng giá trị trúng thầu với vai trò liên danh hơn 414,42 tỷ đồng.

Đồ thị tăng trưởng doanh thu của Công ty NGS từ 2022 - 2025, trong đó doanh thu năm 2024 đã đạt 147,790 tỷ đồng.
Đồ thị tăng trưởng doanh thu của Công ty NGS từ 2022 - 2025, trong đó doanh thu năm 2024 đã đạt 147,790 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Công ty NGS vừa được Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) lựa chọn thực hiện Gói thầu Triển khai hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) - giai đoạn 1 trị giá hơn 207,59 tỷ đồng. Theo đó, Công ty NGS đã trúng thầu gói thầu này với giá trúng thầu 207,59 tỷ đồng, giá gói thầu hơn 218,49 tỷ đồng (tỷ lệ tiết kiệm chưa tới 1%). Thời gian thực hiện hợp đồng 638 ngày.

Gói thầu có 3 nhà thầu dự thầu, trong đó có Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT và Công ty cổ phần Tập đoàn HiPT. Tuy nhiên, chỉ có 2 nhà thầu là Tập đoàn HiPT và NGS nộp hồ sơ dự thầu. Lý do Tập đoàn HiPT bị loại là HSDT của nhà thầu không đạt ở bước đánh giá về kỹ thuật.

Công ty CP Thiết bị và Truyền thông NGS vừa trúng Gói thầu Triển khai hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp tại Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS). Ảnh minh họa.
Công ty CP Thiết bị và Truyền thông NGS vừa trúng Gói thầu Triển khai hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp tại Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS). Ảnh minh họa.

ERP được biết là một phần trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Với phần mềm ERP, mọi hoạt động của doanh nghiệp, từ quản trị nguồn nhân lực, quản lý dây chuyền sản xuất và cung ứng vật tư, quản lý tài chính nội bộ, đến việc bán hàng, tiếp thị sản phẩm, trao đổi với đối tác, khách hàng… đều được thực hiện trên một hệ thống duy nhất. Hiện nay, một số tên tuổi lớn cung cấp hệ thống ERP trong nước là FPT, Citek, ARON, CMC...

Với vai trò liên danh với Công ty TNHH TCT Công nghệ và giải pháp CMC, trúng gói thầu Tư vấn xây dựng kho dữ liệu tập trung DW và báo cáo phân tích thông minh BI, do Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP làm chủ đầu tư. Giá trúng thầu hơn 11,31 tỷ đồng, giá gói thầu hơn 11,54 tỷ đồng (giảm 1%).

Tiếp đó là gói thầu Triển khai hệ thống quản trị nguồn lực Doanh nghiệp (ERP) cho Công ty mẹ PVN - Giai đoạn 1, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Công ty NGS trúng thầu với giá hơn 168,88 tỷ đồng, giá gói thầu hơn 174,97 tỷ đồng (giảm chưa tới 1%).

Một số gói thầu mà Công ty NGS tham gia
Một số gói thầu mà Công ty NGS tham gia và tỷ lệ tiết kiệm.

Ngoài ra, ngày 18/12/2023, Công ty NGS trúng gói thầu về Cung cấp thiết bị tường lửa và dịch vụ triển khai do Tổng cục Thuế làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện hợp đồng 180 ngày. NGS trúng thầu với giá 31,387 tỷ đồng, giá gói thầu 31,576 tỷ đồng (tỷ lệ giảm 1%).

Công ty NGS trúng gói thầu về Cung cấp thiết bị tường lửa và dịch vụ triển khai do Tổng cục Thuế làm chủ đầu tư
Công ty NGS trúng gói thầu về Cung cấp thiết bị tường lửa và dịch vụ triển khai do Tổng cục Thuế làm chủ đầu tư.

Liên quan đến vấn đề đấu thầu, trước đó, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 6601/VPCP-CN gửi các bộ, cơ quan ngang bộ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về việc báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu, trong văn bản có nêu: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi về hoạt động lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư, đặc biệt đối với những gói thầu có nhiều kiến nghị, phản ánh tiêu cực, vi phạm; những gói thầu có ít nhà thầu tham gia dự thầu và có tỷ lệ tiết kiệm thấp; những trường hợp một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại một địa phương, một chủ đầu tư, bên mời thầu trong thời gian dài. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kịp thời có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Việc thực hiện hiệu quả các dự án trong công tác đấu thầu sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống Nhân dân được tốt hơn. Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về chất lượng, sản phẩm của các gói thầu và đơn vị cấp vốn thực hiện dự án của Thương hiệu NGS trong bài tiếp theo.

Đức Anh - Trần Mạnh
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/hanh-trinh-phat-trien-thuong-hieu-ngs-ong-lon-kin-tieng-ve-cong-nghe-a227492.html Copylink