Ngành Công Thương: Tìm giải pháp bảo vệ môi trường
Củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức, nhằm đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững ngành Công Thương đang được Cục Kỹ thuật an toàn & Môi trường công nghiệp (KTAT&MTCN) - Bộ Công Thương coi là nhiệm vụ trọng tâm tron
Hoàn thiện chính sách pháp luật
Để đảm bảo các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kỹ thuật an toàn và môi trường, thời gian qua Cục KTAT&MTCN đã thanh tra việc chấp hành các quy định về an toàn điện, đập, quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp và khai thác khoáng sản tại 6 đơn vị và kiểm tra 70 đơn vị, trong đó kiểm tra định kỳ 58 đơn vị, kiểm tra đột xuất 12 đơn vị. Nhờ đó, kịp thời phát hiện những vi phạm, hạn chế trong công tác an toàn và bảo vệ môi trường (AT&BVMT) tại các đơn vị. Kịp thời yêu cầu các đơn vị triển khai biện pháp khắc phục, tuân thủ các quy định pháp luật nâng cao hiệu quả công tác quản lý AT&BVMT trong ngành Công Thương.
Quản lý chặt vật liệu nổ công nghiệp và khai thác khoáng sản |
Đáng chú ý, Cục đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ về môi trường như báo cáo đánh giá tác động tổng thể đến môi trường xã hội Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và Duyên Hải để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Bình Thuận, Trà Vinh. Cùng đó, công tác phát triển ngành công nghiệp môi trường; phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thống kê tai nạn lao động; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hợp tác quốc tế... cũng được Cục KTAT&MTCN và các đơn vị trực thuộc thực hiện có hiệu quả.
Bên cạnh đó, trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Cục KTAT& MTCN đã hoàn thành chương trình đề ra với việc hoàn thành xây dựng, trình lãnh đạo Bộ Công Thương ban hành 5 thông tư quy định về các vấn đề quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn tời trục mỏ...
Ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng KTAT&MTCN - nhấn mạnh, thời gian tới, Cục sẽ bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, trong đó tập trung rà soát, đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống VBQPPL về lĩnh vực an toàn và bảo vệ môi trường ngành Công Thương phù hợp với thực tiễn.
“Năm 2020, sẽ xây dựng và hoàn thành 10 VBQPPL đươc Bộ trưởng giao, gồm: 3 Thông tư và 7 Quy chuẩn quốc gia về an toàn” - ông Trần Văn Lượng nói và cho biết.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Giao nhiệm vụ cho Cục KTAT& MTCN, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng - nêu rõ, trong rất nhiều yếu tố cấu thành, công tác an toàn và môi trường là rất quan trọng, nếu tăng trưởng mà không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường thì không thể phát triển bền vững được. “Theo đó, Cục KTAT&MTCN cần đặc biệt chú ý đến công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về AT&BVMT, đặc biệt là bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất điện”- Thứ trưởng nêu rõ.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng gợi mở, từ sự phát triển rất nhanh của lĩnh vực điện mặt trời, điện gió, điện khí LPG… đòi hỏi Cục KTAT&MTCN phải có những giải pháp kịp thời để không chỉ quản lý tốt mà còn tham mưu cho lãnh đạo Bộ hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm quản lý và thúc đẩy phát triển những lĩnh vực rất mới này.
Nhấn mạnh thêm về công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là những vấn đề liên quan đến sự cố cháy nổ, ô nhiễm môi trường trong các cơ sở sản xuất công nghiệp nói chung, thủy điện, nhiệt điện than nói riêng, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu, Cục KTAT&MTCN bằng nhiều hình thức, trong đó có việc phối hợp tốt hơn với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền, định hướng, nhằm tạo sự đồng thuận của dư luận.
Cục KTAT&MTCN đã xây dựng và tham mưu cho lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2019-2025. Hiện dự thảo Kế hoạch đang được rà soát và điều chỉnh để trình Thủ tướng ban hành. |