Wednesday, Mar 24, 09:03 AM

Tăng cơ hội tiếp cận vốn rẻ cho người dân, doanh nghiệp

Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng âm dù room dồi dào, ngành ngân hàng đã và đang triển khai nhiều giải pháp tăng cơ hội tiếp cận vốn giá rẻ cho người dân, doanh nghiệp, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ...

Tăng cơ hội tiếp cận vốn rẻ cho người dân, doanh nghiệp
Tăng cơ hội tiếp cận vốn rẻ cho người dân, doanh nghiệp

Tăng cơ hội tiếp cận vốn rẻ cho người dân, doanh nghiệp

Nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi

Cùng với việc giảm lãi suất chung để kích thích nhu cầu vay vốn từ doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đã và đang giảm dần lãi suất cho vay để thúc đẩy tín dụng bất động sản.

Hiện các ngân hàng đang áp dụng mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà trong khoảng từ 5% đến 10,5%/năm. Tuy nhiên, sau giai đoạn ưu đãi, lãi suất thả nổi rơi vào khoảng từ 8% đến 13% mỗi năm, song mức này đã giảm so với năm 2023.

Đồng thời, thực hiện yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều nhà băng đã tung ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm tăng cơ hội tiếp cận vốn giá rẻ cho người dân, doanh nghiệp.

Ở khối ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam mới đây cũng đã công bố dành khoảng 630.000 tỷ đồng để cho vay ưu đã với lãi suất đã được điều chỉnh giảm sâu xuống dưới 5%/năm, tương đương mức huy động của một số ngân hàng nhỏ hơn.

Còn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng này đã công bố chương trình triển khai cho vay trung và dài hạn với thời hạn lên tới 30 năm và cố định lãi suất trong một thời gian nhất định, áp dụng từ tháng 01/2024. Theo đó, người vay vốn để mua nhà, đất, ô tô hay đầu tư sản xuất kinh doanh… có quyền chọn lãi suất ưu đãi cố định trong 18 tháng đầu tiên.

Ngoài ra, Vietcombank giảm luôn 0,5% lãi suất cho các khách hàng đang vay vốn ở một số lĩnh vực mà không cần phải đi vay khoản mới mới được hỗ trợ; đa dạng thêm các hình thức thế chấp, tín chấp không cần tài sản đảm bảo để thu hút người vay.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã ra mắt Gói ưu đãi lãi suất STEP UP với quy mô lên đến 300 nghìn tỷ đồng trong thời gian từ tháng 01 cho đến hết tháng 4/2024. Theo đó, mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn bằng VND sẽ được dành cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang sử dụng đa dạng sản phẩm dịch vụ tại VietinBank, chuyển nguồn thu xuất khẩu về giao dịch tại VietinBank, các khách hàng đang hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và NHNN.

Để hỗ trợ các khách hàng phục hồi và phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cam kết tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp giúp khách hàng tiếp cận vốn vay với 7 chương trình tín dụng chính sách. Năm 2024, Agribank dành gần 60.000 tỷ đồng vốn ưu đãi triển khai 5 chương trình tín dụng lãi suất thấp dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đang triển khai Chương trình “Vay ưu đãi - Rồng phát tài” dành cho khách hàng cá nhân với tổng hạn mức 18.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu vay sản xuất, kinh doanh và vay phục vụ nhu cầu đời sống. Người vay sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi từ 6,79%/năm với tỷ lệ cho vay lên tới 90% tài sản bảo đảm và thời gian đến 25 năm. Ngân hàng này cũng đã đồng loạt giảm lãi suất các gói vay ưu đãi xuống chỉ còn từ 5,79%/năm.

Còn Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) cũng đang triển khai gói giải pháp “Am hiểu ngành nghề - Giải pháp ưu việt” cho 8 nhóm ngành nghề được Ngân hàng xác định đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế cũng như đảm bảo an sinh xã hội.

Những chương trình tín dụng ưu đãi của các ngân hàng được kỳ vọng sẽ là giải pháp góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động cấp tín dụng

Không chỉ từ phía các ngân hàng, trong vai trò cơ quan quản lý, điều hành, NHNN tiếp tục chỉ đạo việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho hoạt động cấp tín dụng.

Nhiều ngân hàng đã và đang giảm dần lãi suất cho vay để thúc đẩy tín dụng bất động sản

NHNN đã ban hành Thông tư số 22/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư số 22 quy định đối với tài sản là khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, hệ số rủi ro tín dụng là 160% thấp hơn so với quy định cũ tại Thông tư 41 là 200%. Mức hệ số rủi ro này tương đương với hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay chuyên biệt khác và thấp hơn các khoản tài trợ dự án kinh doanh bất động sản.

Thông tư cũng bổ sung quy định về hệ số rủi ro đối với khoản cho vay cá nhân phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là 50%...

TS. Châu Đình Linh - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, quy định trên sẽ khuyến khích các ngân hàng tài trợ cho vay dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp; khuyến khích tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tập trung vào các khoản cho vay đối với cá nhân để hỗ trợ người nông dân theo chủ trương, định hướng của Chính phủ.

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung đẩy mạnh giải pháp tăng trưởng tín dụng, tăng cường rà soát, đơn giản hóa các thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; tập trung tăng cường công tác chuyển đổi số áp dụng vào quy trình tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn và phổ cập rộng hơn hoạt động tín dụng ngân hàng.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định: NHNN sẽ tiếp tục rà soát các văn bản theo Luật Tổ chức tín dụng năm 2024, bảo đảm chỉnh sửa theo hướng tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng.

H. Thủy (Nguồn: baokiemtoan.vn)
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/tang-co-hoi-tiep-can-von-re-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-a216380.html Copylink