Thương hiệu PVX: Lỗ lũy kế gần 4.000 tỷ đồng trong năm 2023
Kết quả kinh doanh quý IV cũng như kết thúc năm 2023, PVX đã lỗ lũy kế 3.964 tỷ đồng. Dù vốn điều lệ ở mức 4.000 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ còn 568 tỷ đồng.
Vừa qua, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) đã công bố BCTC quý IV/2023 với doanh thu 208 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp hơn 8 tỷ đồng.
Trong quý IV/2023, chi phí tài chính của PVX giảm một nửa còn 12 tỷ đồng. Các chi phí tài chính và chi phí hoạt động không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, PVX lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ khoảng 41 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 26 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2023, PVX mang về 1.190 tỷ đồng doanh thu, giảm 33% so với năm 2022. Do kinh doanh dưới giá vốn, công ty báo lỗ gần 106 tỷ đồng. Kết thúc ngày 31/12/2023, PVX đã lỗ lũy kế 3.964 tỷ đồng. Vì vậy, dù vốn điều lệ ở mức 4.000 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ còn 568 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của PVX đạt 6.259 tỷ đồng, giảm hơn 400 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, khoản mục hàng tồn kho đóng góp 1.926 tỷ đồng, chiếm 31% tài sản. Nguồn vốn của doanh nghiệp này được tài trợ chủ yếu bằng khoản phải trả cho người bán ngắn hạn là 3.339 tỷ đồng. Nợ vay tài chính ở mức 760 tỷ đồng.
Được thành lập từ năm 1983 với tên gọi là Xí nghiệp Liên hợp Xây lắp Dầu khí, đến năm 2005 được cổ phần hóa và chuyển thành CTCP Xây lắp Dầu khí với vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Đến năm 2007, Xí nghiệp được đổi tên thành CTCP Xây lắp dầu khí, đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự hiện diện của Trịnh Xuân Thanh trong vai trò Tổng giám đốc.
Năm 2010, PVX đã thành lập hàng chục công ty liên doanh, liên kết hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng, xây lắp, vật liệu, bất động sản, tài chính… Tuy vậy, phần lớn các doanh nghiệp này đều hoạt động kém hiệu quả, nhiều công ty con thua lỗ, phá sản.