Thương hiệu VietBank và hành trình tới “Nhãn hiệu Nổi tiếng - Nhãn hiệu Cạnh tranh Việt Nam”
Tại phiên thảo luận dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tháng 6/2023, nhiều đại biểu đánh giá tình trạng sở hữu chéo, lợi ích nhóm, cho vay “sân sau” trong lĩnh vực ngân hàng đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro hệ thống. Rủi ro tăng vốn ả

Trước đó, Thương hiệu và Công luận có tải bài viết về thương hiệu VietBank và đã nhận được nhiều phản hồi. Trong đó, vấn đề chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đầu tư và tài chính của thương hiệu VietBank được khách hàng, người tiêu dùng quan tâm hàng đầu.
Thời gian vừa qua, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương tín (VietBank; MCK:VBB) liên tiếp cấp tín dụng cho các doanh nghiệp ‘họ Hoa Lâm’ và huy động hàng nghìn tỷ đồng từ trái phiếu sau khi cấp tín dụng cho vay. Trong khi đó, chất lượng tín dụng của VietBank hiện có chiều hướng ‘đi lùi’ khi tổng nợ khó thanh khoản (có thể gọi là nợ xấu) quý III/2023 đạt 2.891 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu vượt ‘ngưỡng trần’ lên đến 4,05% so với hồi đầu năm.
Khảo sát của Thương hiệu & Công luận, VietBank cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thứ ba trong nhóm các ngân hàng đang niêm yết. Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã cắt giảm 50% nhưng vẫn không thể bù đắp cho sự giảm sút trong lợi nhuận… Điều này cho thấy khả năng phòng thủ của VietBank trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu đang ở mức thấp và có chiều hướng đi lùi. Vậy, VietBank đã cấp tín dụng cho các doanh nghiệp “họ Hoa Lâm" bằng phương thức nào?
Tiếp tục cấp tín dụng cho doanh nghiệp “họ Hoa Lâm”
Như Thương hiệu & Công luận đã đề cập, VietBank và Tập đoàn Hoa Lâm có mối quan mật thiết khi ông Dương Nhất Nguyên, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cũng chính là con trai bà Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm. Thời gian gần đây, VietBank liên tục cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc "họ" Hoa Lâm.
Cụ thể, ngày 23/11/2023 vừa qua, VietBank đã chấp thuận thông qua giao dịch giữa nhà băng này với bà Nguyễn Thị Ba, Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La. Theo đó, giao dịch nhận tài sản đảm bảo là quyền sở dụng đất của thửa đất số 1-14 TBĐS 108, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM. Chủ sở hữu: Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La để đảm bảo cho khoản cấp tín dụng trị giá hơn 65,5 tỷ đồng của bà Nguyễn Thị Ba. Khoản vay này được Vietbank cho biết nhằm thanh toán tiền đặt cọc để mua 6 BĐS tại các thửa đất số 3097, 3267, 388, 2093, 1415, TBĐ số 5; thửa 1945 TBĐ số 2, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP. HCM. Thời hạn vay là 1 năm.
Trước đó, ngày 23/10/2023, VietBank thông qua giao dịch giữa nhà băng này với Công ty TNHH CELLO, Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri – La với tổng cấp tín dụng là 228,3 tỷ đồng. Khoản vay này được VietBank cho biết nhằm thanh toán tiền theo Hợp đồng mua phần vốn góp của Công ty TNHH Phú Đình Quang trong Công ty TN,HH Dịch vụ Hoa Lâm. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 1-14; tờ bản đồ số 108, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM. Thời hạn vay là 1 năm.
Ngày 15/08/2023, VietBank cũng thông qua giao dịch giữa nhà băng này với Công ty TNHH Hoa Kim Anh, Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri – La với tổng cấp tín dụng là 127 tỷ đồng. Khoản vay này được VietBank cho biết nhằm hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Bệnh viện Gia An 115. Giao dịch nhận tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất tại các thửa đất số 1-10, 1-11, 1-12, 1-17, 1-18, 1-19, 2-2, 2-3; TBĐS 108, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri – La để đảm bảo cho khoản cấp tín dụng của Công ty TNHH Hoa Kim Anh. Thời hạn vay là 120 tháng.
Ngày 20/07/2023, VietBank cũng chấp thuận thông qua giao dịch cấp tín dụng giữa nhà băng này với Công ty TNHH bệnh viện Quốc tế City và cam kết của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-la. Tổng cấp tín dụng là 176 tỷ đồng, khoản vay này được VietBank cho biết nhằm hoàn tiền chi phí lưu động cho Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City, thời hạn vay là 2 năm. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 16, tờ bản đồ số 108 thuộc phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, chủ sở hữu: Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế Hoa Lâm 1, để bảo đảm cho khoản vay 86 tỷ đồng của Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City tại Vietbank.
Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-la (là chủ sở hữu của Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City) cam kết thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City tại mọi thời điểm khi Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City mất khả năng thanh toán.

Trong hai ngày 28 - 29/6, VietBank thông qua việc cấp tín dụng cho Công ty TNHH TML Riverside, được đảm bảo bằng loạt quyền sử dụng đất và bất động sản của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri – La với Khoản tín dụng gần 492 tỷ đồng và Khoản tín dụng gần 1.665 tỷ đồng (ngày 29/6/2023). Vào ngày 28/6, quyền sử dụng đất của 8 thửa đất số đất số 1-10, 1-11, 1-12, 1-17, 1-18, 1-19, 2-2, 2-3 thuộc tờ bản đồ số 18, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh đã được VietBank chấp thuận thay thế tài sản đảm bảo cho khoản tín dụng gần 100 tỷ đồng của CTCP Kingdom Đông Dương và một khách hàng nữ là bà Nguyễn Thị Ba.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH TML Riverside được thành lập vào năm 2013, với tên gọi cũ là Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm. Ngành nghề hoạt động chính công ty này là bệnh viện, trạm y tế. Cả TML Riverside, Y tế Hoa Lâm Shangri - La và Kingdom Đông Dương đều là các doanh nghiệp có "họ" với Tập đoàn Hoa Lâm.
Tại phiên thảo luận dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tháng 6/2023, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) đánh giá: Tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm, cho vay "sân sau"... trong lĩnh vực ngân hàng đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần không hề mang đúng bản chất là "công ty đại chúng và niêm yết chứng khoán" như quy định pháp luật hiện hành, nhưng cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn rất khó vạch tên, chỉ mặt.
“Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng cho thấy tính chất rất phức tạp, luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống do làm gia tăng một số rủi ro chính. Rủi ro tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con, cháu). Điều này khiến vốn toàn hệ thống không gia tăng thực mà chỉ tăng trên sổ sách, kéo theo hệ lụy làm sai lệch về quản trị ngân hàng, cũng như việc đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng hay giám sát các hoạt động tài chính”, Đại biểu Hà Sỹ Đồng chia sẻ.
Lợi nhuận đi xuống, tỷ lệ nợ khó thanh khoản của VietBank cao thuộc TOP 3 toàn ngành
Tại báo cáo tài chính (BCTC) của Ngân hàng TMCP VietBank, qúy III/2023 thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm 13,4% đạt 348,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022; Mảng lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của VietBank giảm tới 44% đạt 25,4 tỷ đồng và mảng lãi từ hoạt động khác cũng giảm xuống còn 658 triệu đồng.
Điểm sáng trong bức tranh tài chính quý này, mảng lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 32 tỷ đồng, tăng nhẹ lên 2,5% và lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư nhảy vọt tới 207%, lên mức 10,4 tỷ đồng.
Trong kỳ, VietBank đã cắt giảm hơn 50% chi phí dự phòng rủi ro về mức 20,2 tỷ đồng nhưng vẫn không thể bù đắp cho sự giảm sút trong lợi nhuận. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này ghi nhận 49,6 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của nhà băng này rơi về mức thấp nhất kể từ quý IV/2020, chỉ đạt 38,8 tỷ đồng “bốc hơi” 66,72% lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, VietBank có thu nhập từ việc cho vay khách hàng tăng 37,9% lên mức 7.068 tỷ đồng. Thế nhưng, nhà băng này phải chi trả lãi tiền gửi khách hàng tăng 52,8% đạt 5.792 tỷ đồng khiến thu nhập lãi thuần – mảng kinh doanh cốt lõi giảm 4,5% chỉ đạt 1.276 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tại thời điểm 30/09/2023 của VietBank đạt 2.891 tỷ đồng, tăng 566,4 tỷ đồng (tương đương tăng 24,3%) so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng mạnh nhất chạm mức 443,1 tỷ đồng (tăng 143%), trong khi hồi đầu năm ở mức 182 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 64,8% đạt 539,8 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) vẫn chiếm ở mức cao nhất với 1.907,8 tỷ đồng, (tăng thêm 93,3 tỷ đồng – tăng 5%) so với hồi đầu năm 2023.
Như vậy, chất lượng nợ vay của VietBank có chiều hướng đi lùi khi tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 3,65% hồi đầu năm lên 4,05% tại ngày 30/09/2023. Theo khảo sát của Thương hiệu & Công luận, VietBank cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thứ ba trong nhóm các ngân hàng đang niêm yết.

Liên quan đến tỷ lệ nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước từng đặt “ngưỡng trần” nợ xấu các ngân hàng ở mức 3%, nhằm đánh giá chất lượng tài sản. Khi ngân hàng không kiểm soát được nợ xấu dưới mức này sẽ bị giới hạn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, như không được mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu hay không được mua và nắm giữ cổ phiếu nhà băng khác... Có thể thấy tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín đang vượt “ngưỡng trần” nêu trên.
Đáng chú ý, dù nợ xấu gia tăng nhưng lũy kế 09 tháng đầu năm 2023 VietBank chỉ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng số tiền 88,5 tỷ đồng, giảm gần 58 % so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, dự phòng cho vay rủi ro tín dụng của VietBank vào thời điểm quý III/2023 là âm 751,2 tỷ đồng (tăng 33%) so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy khả năng phòng thủ của VietBank trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu đang ở mức thấp và có chiều hướng đi lùi.
Điều chúng tôi mong muốn, bà Tổng Giám đốc mới về sẽ có những chiến lược mới, kiểm soát việc cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp "họ Hoa Lâm". Vì việc sở hữu chéo này đã diễn ra tại Vạn Thịnh Phát và SCB, dẫn tới rất nhiều hệ lụy về mặt pháp lý, đời sống, niềm tin của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Trao đổi với báo giới, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam vẫn chưa hết lo ngại khi tại nhiều ngân hàng TMCP tư nhân hiện nay đều có bóng dáng sở hữu chéo khi cổ đông lớn ở những ngân hàng này là chủ của các công ty, tập đoàn bất động sản.
TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, sở hữu chéo không xấu về bản chất, có nhiều hình thức khác nhau và là hiện tượng phổ biến của ngân hàng các nước trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sở hữu chéo bị biến tướng, nó tạo ra sự lỏng lẻo, mất vốn, tham nhũng... “Nó khiến cho nền kinh tế mất minh bạch, lợi ích nhóm và tạo nên rủi ro cho hệ thống ngân hàng”, TS Cao Sỹ Kiêm nói.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 11/12, giá cổ phiếu VBB ở mức 9.500 đồng/cổ phiếu, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh 2 nghìn đơn vị. Giá cổ phiếu VBB từ tuần 04/12-11/12 luôn ở ngưỡng 9.400-9500 đồng/cổ phiếu, giảm so với phiên giao dịch tuần trước đó.
Hiện nay, sở hữu chéo ngân hàng đang bị biến tướng với nhiều "chiêu trò" ngày một tinh vi hơn. Vấn đề này lại càng nóng lên khi “đại án” SCB – Vạn Thịnh Phát được “phanh phui”. Kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng cho biết, bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chi phối hoạt động của Ngân hàng SCB để chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng (khoảng 12,36 tỷ USD - Theo thông tin từ các cơ quan báo chí thông tin).
Từ vụ việc này cũng cho chúng ta thấy vi phạm trong sở hữu chéo, cho vay "sân sau" của ngân hàng vẫn còn phức tạp. Đây là một thách thức rất lớn với cơ quan quản lý trong bài toán chống chi phối hoạt động ngân hàng.
Vấn đề này cũng nhận được nhiều ý kiến và tranh luận tại nghị trường Quốc hội chiều 23/11 khi thảo luận về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Thương hiệu VietBank tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Phú Tâm được thành lập ngày 14/12/2006, có trụ sở chính tại tỉnh Sóc Trăng do ông Dương Nhất Nguyên làm Chủ tịch HĐQT và bà Trần Tuấn Anh làm Tổng giám đốc.
Cổ đông sáng lập ra thương hiệu VietBank là những cá nhân, pháp nhân có liên quan đến Tập đooàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền. Tiền thân nhóm cổ đông sáng lập ra VietBank là các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Đức Kiên.
Hiện ông Dương Nhất Nguyên, con trai bà Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm hiện đang là Chủ tịch HĐQT VietBank. Trước ông Nguyên, ông Dương Ngọc Hoà, chồng bà Lâm cũng từng giữ vai trò Chủ tịch HĐQT VietBank từ khi sáng lập đến năm 2021.
Đáng chú ý, Tập đoàn Hoa Lâm và các doanh nghiệp thành viên đang có nhiều tài sản đang thế chấp tại VietBank. Ngoài ra, bên cạnh các tài sản thế chấp, VietBank cũng thu xếp hàng loạt lô trái phiếu cho các doanh nghiệp hệ sinh thái Hoa Lâm.
Thương hiệu và Công luận tiếp tục chuyển đến bạn đọc về hành trình xây dựng thương hiệu ngân hàng VietBank và hoạt động liên quan đến chuyện sở hữu chéo giữa doanh nghiệp và ngân hàng "con cưng" cần phải giải quyết như thế nào?