Thương mại điện tử “bội thu” trong ngày 11.11
Sự kiện siêu khuyến mãi ngày 11.11 vừa kết thúc với những thành công được cho là ngoài mong đợi của các sàn thương mại điện tử trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy ngày độc thân (11.11) hiện là lễ hội mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới, vượt qua cả ngày Black Friday của các nước phương Tây. Tại khu vực Đông Nam Á, vài năm trở lại đây một số nước như Thái Lan, Singapore và Việt Nam cũng hưởng ứng ngày hội mua sắm trực tuyến này. Theo đó, các sàn thương mại điện tử hàng đầu như Lazada, Shopee hay Tiki ngay từ cuối tháng 10/2020 đã rục rịch kế hoạch tổ chức sự kiện 11.11 với những chiến lược tiếp cận khách hàng khác nhau.
Chẳng hạn Lazada tung 11 triệu deals toàn sàn giảm đến 50% với tổng giá trị mã giảm lên đến 22 tỷ đồng kéo dài từ Lễ hội mua sắm 11-11 Sale đến Lễ hội mua sắm 12-12. Shopee ngoài áp dụng loạt chương trình giảm giá trong tất cả các ngành hàng đã nâng cấp các tính năng nổi bật trong ứng dụng của mình để kết nối người bán, thương hiệu và người dùng tốt hơn tại sự kiện 11-11 Siêu Sale. Còn Tiki có chương trình "Tiki thả thính - Vạn deal đều dính" diễn ra từ ngày 1-11 đến hết ngày 12-11 với hơn 35 ngành hàng.
Với những chương trình giảm giá “sập sàn” được tung ra trong đợt này, các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam đã thu về doanh thu ngoài mong đợi. Cụ thể, theo đại diện của Shopee, chỉ trong vòng 1 giờ đầu tiên của sự kiện mua sắm ngày 11.11, Shopee đã ghi nhận 20 triệu lượt truy cập trên toàn khu vực. Đáng chú ý, trong vòng 8 giờ đầu tiên của sự kiện, Shopee ghi nhận người dùng cũng có nhu cầu sử dụng nhiều hơn đối với những mặt hàng thuộc lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp khi có hơn 4.500 sản phẩm nước tẩy trang L’oreal Paris 3-in-1 Micellar Water được bán ra.
Theo tiết lộ của một chuyên gia trong ngành này, sự kiện 11.11 năm nay được đánh giá khá thành công khi trên thế giới - sàn thương mại điện tử Alibaba, chỉ trong ngày 11.11 sàn thương mại điện tử này đã phá kỷ lục Ngày Độc thân năm ngoái với doanh thu hơn 74 tỷ đôla Mỹ, bất chấp những lo lắng về đại dịch. Còn với Việt Nam - dù không đạt được con số bán ra “khủng” như Alibaba song trung bình các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam bán 1 ngày hôm qua 11.11 khoảng 20 triệu USD (khoảng 500 tỷ VND) - cho thấy việc bán hàng online không chỉ là xu hướng mà đã trở thành kênh bán hàng quan trọng của doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới như hiện nay.
Sở dĩ thương mại điện tử có kết quả trên là do trong mấy năm trở lại đây lượng người Việt Nam sắm trực tuyến không ngừng gia tăng. Cụ thể, Bộ Công Thương trong báo cáo gần đây cho biết, năm 2019 số người Việt tham gia mua sắm trực tuyến đã cán mốc 44,8 triệu người, so với 30,3 triệu của năm 2015 và 32,7 triệu người năm 2016, 33,6 triệu của 2017 và 39,9 triệu người của năm 2018. Dự báo năm 2020 con số này sẽ tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng trên 30% và quy mô thương mại điện tử sẽ vượt con số 15 tỷ USD.
Đánh giá về mức độ tăng trưởng của thương mại điện tử ở Việt Nam, báo cáo về Kinh tế số Đông Nam Á 2020 của Google công bố mới đây cũng chỉ ra, ngành thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng 46% và tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng Internet chiếm tới 41% - cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Chính vì thế việc bán hàng qua thương mại điện tử và tập trung vào các sự kiện kể trên là cách mà doanh nghiệp có thể thu hút người dùng hiệu quả hơn.
Với những thành công trên, ngay sau khi kết thúc sự kiện 11.11, các sàn thương mại điện tử sẽ bắt tay chuẩn bị ngay cho sự kiện 12.12. Bởi theo giới kinh doanh, ba năm trở lại đây, thị trường Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ doanh thu của thương mại điện tử khi các sàn giao dịch vào những dịp 9.9; 10.10; 11.11; 12.12. Đây là dịp mua sắm cho cuối năm, các thương hiệu lẫn nhà bán hàng mạnh tay triển khai nhiều chương trình kích cầu giảm giá hấp dẫn nên lượng người mua hàng thường tăng đột biến.