Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam - Bài 3: ACB trên hành trình phát triển bền vững
ACB được biết đến là một trong những ngân hàng tiên phong thực hiện phát triển bền vững theo tiêu chí ESG và điều này gắn với chiến lược kinh doanh của ngân hàng một cách hài hòa…
Sự kiện nhằm vinh danh những DN hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận tốt, có vị thế trong ngành và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của toàn ngành. Đáng chú ý, trong Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023, các ngân hàng giữ vị trí áp đảo!
Bài 3: ACB trên hành trình phát triển bền vững
Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) được biết đến là một trong những ngân hàng tiên phong thực hiện phát triển bền vững theo tiêu chí ESG và điều này gắn với chiến lược kinh doanh của ngân hàng một cách hài hòa…
Ngân hàng Á Châu
Tiên phong thực hiện phát triển bền vững theo tiêu chí ESG
Trên thế giới, phát triển theo ESG (môi trường, xã hội và quản trị) đã không còn là lựa chọn, mà trở thành con đường tất yếu, giúp các doanh nghiệp vừa tăng trưởng lợi nhuận, kinh doanh bền vững trên cơ sở để lại ít tác động tới môi trường.
Các chuyên gia nhấn mạnh, tăng trưởng xanh - là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Ý thức được từ rất sớm về tính bền vững trong hoạt động kinh doanh, ngay từ thời gian đầu thành lập, ACB đã thực hành yếu tố Quản trị (Governance), với 4 nguyên tắc trọng tâm, bao gồm: Tuân thủ quy định pháp luật và áp dụng thông lệ tốt về quản trị công ty; Xây dựng và duy trì văn hóa công ty lành mạnh; Phát triển an toàn, hiệu quả, cạnh tranh và Gắn kết với các bên hữu quan.
Với việc kiên trì và nghiêm túc theo đuổi con đường quản trị bền vững, ACB gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong kinh doanh, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn chung.
ACB là nhà băng tư nhân hiếm hoi - ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương trong bối cảnh nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 15.000 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch lũy kế năm 2023 và có tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất thị trường. Mức sinh lời của ACB hiện thuộc TOP cao nhất thị trường với ROE ở mức 24,5%.
Với chữ yếu tố Xã hội (Social), xác định con người là trọng tâm của mọi nguồn lực, ACB luôn chú trọng xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và an toàn, bình đẳng và công bằng, tôn trọng sự bình đẳng và đa dạng của mọi thành viên trong ngân hàng.
Học vấn “cực khủng” của Chủ tịch ngân hàng ACB Trần Hùng Huy gây xao xuyến nhiều chị em…
ACB luôn cập nhật đãi ngộ, cũng như đầu tư cho việc phát triển, đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ công việc và phát triển bản thân cho người lao động.
Thu nhập của cán bộ, nhân viên ACB chứng kiến mức tăng ấn tượng trong vòng 5 năm qua, từ mức bình quân 245 triệu đồng/người trong năm 2018, lên tới mức bình quân 417 triệu đồng/người trong năm 2022. Tính tổng chung trong vòng 10 năm từ 2013 - 2023, thu nhập bình quân nhân viên ACB đã gấp 2,5 lần.
Bên cạnh đó, ACB xây dựng văn hóa, không chỉ chú trọng trau dồi kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, mà cán bộ, nhân viên ACB còn luôn thể hiện tinh thần đạo đức tốt thông qua việc quan tâm đến xã hội và môi trường chung quanh.
Riêng với khía cạnh Môi trường (Environmental), đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc của nhà băng trong trong thời gian dài. Chương trình bảo vệ môi trường với tên gọi “Gần Lại O” - do Chủ tịch Trần Hùng Huy trực tiếp phát động, đã được triển khai từ 10 năm trước.
Bắt đầu từ những hành vi nhỏ của người ACB tiết kiệm tài nguyên (điện, nước…), giảm rác thải, giảm sử dụng đồ nhựa, đồ dùng một lần,… cho tới việc trao đi những món quà tặng mang theo thông điệp xanh “Cùng ACB trân trọng trái đất này” - đã góp phần truyền cảm hứng tới các khách hàng, đối tác và cộng đồng cùng thực hành bảo vệ môi trường.
Theo thống kê, thâm dụng phát thải khí nhà kính trên mỗi nhân viên từ 2,85 tấn CO2 vào năm 2020, giảm xuống lần lượt còn 2,62 tấn CO2 và 2,63 tấn CO2 trong năm 2021 và năm 2022.
Ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam công bố Báo cáo phát triển bền vững
Cuối tháng 10/2023, ACB chính thức phát hành Báo cáo Phát triển bền vững 2022, trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam công bố báo cáo riêng về Phát triển bền vững (ESG).
Đại diện Ngân hàng Á Châu - Chi nhánh Hà Thành cùng thầy cô và các bạn sinh viên khoa kinh tế
Các chỉ số phát triển bền vững liên quan đến Môi trường (E), Xã hội (S) và Quản trị doanh nghiệp (G) được ACB lựa chọn và trình bày, dựa trên cơ sở tham chiếu theo các Tiêu chuẩn công bố thông tin - được Ủy ban Tiêu chuẩn báo cáo bền vững toàn cầu (GSSB) thiết lập, cũng như tham chiếu theo các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc.
Báo cáo Phát triển bền vững hiện là một trong những công cụ giá trị của doanh nghiệp, nhằm thể hiện năng lực cạnh tranh, khả năng sáng tạo, đáp ứng các xu hướng phát triển mới, đồng thời cải thiện mô hình, chiến lược hoạt động để trở nên nhạy bén trước các cơ hội kinh doanh mới mà không bỏ qua các yêu cầu ngày càng cao đối với yếu tố bền vững.
Do đó, việc một doanh nghiệp phát hành báo cáo Phát triển bền vững, ngày càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính và các bên hữu quan.
Thông qua việc báo cáo một cách minh bạch và có trách nhiệm theo 18 Tiêu chí của Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI), Báo cáo Phát triển bền vững 2022 của ACB, bao gồm các thông tin liên quan đến định hướng, cách tiếp cận đối với các vấn đề về phát triển bền vững, phương thức quản trị các lĩnh vực trọng yếu và kết quả ACB đã đạt được.
Báo cáo ghi nhận các dự án, các cải tiến hệ thống, các sản phẩm dịch vụ xét trên các khía cạnh môi trường và xã hội có thể nâng cao hiệu quả, mang đến lợi ích cho hoạt động kinh doanh của ACB.
Trên hành trình tiên phong thực hiện ESG, cam kết về phát triển bền vững, nhận được sự đồng lòng từ 93% cán bộ, nhân viên ACB và được lồng ghép vào chiến lược của ngân hàng, bao gồm việc tăng trưởng đều đặn và bền vững để đáp ứng kỳ vọng của cổ đông, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, xây dựng và duy trì môi trường làm việc có sức thu hút, động viên và giữ chân nhân tài.
Đồng thời, với mục tiêu hướng tới Net Zero, ACB đang quyết tâm và nỗ lực thực hiện những hành động xanh, làm thay đổi nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường và lan tỏa các hoạt động này đến khách hàng, đối tác, cổ đông và cộng đồng.
Một trong các kế hoạch tiêu biểu mà ACB đang triển khai đó là thực hiện thu gom 300 tấn rác nhựa trong giai đoạn từ năm 2023 đến 2025…
Đại diện ACB cho biết:
“Ngân hàng đang thực hiện tích hợp các yếu tố bền vững vào chiến lược kinh doanh với mong muốn, góp phần gìn giữ một môi trường sống tốt hơn cho thế hệ mai sau thông qua kinh doanh bền vững và sự trân trọng đối với môi trường và xã hội.
ACB dành 2.000 tỷ đồng tín dụng xanh cho doanh nghiệp (Ảnh: PV/Vietnam+)
Từ đó, chúng tôi cũng có tham vọng rằng, mô hình ESG của ACB sẽ là nguồn cảm hứng để khuyến khích các doanh nghiệp, đối tác, khách hàng cùng thực hành ESG”.
ACB cũng nhấn mạnh, Báo cáo Phát triển bền vững - sẽ là một báo cáo thường niên quan trọng của ngân hàng, bảo đảm các kết quả hoạt động ESG được theo dõi, giám sát thực hiện và đánh giá thường xuyên.
ACB đang xây dựng nguồn lực đủ năng lực chuyên môn và thực thi ESG, theo yêu cầu mới nhằm chủ động nắm bắt nhiều cơ hội phát triển hơn trên hành trình thực hiện ESG.
Bên cạnh việc tiên phong thực hiện ESG, ACB cũng chú trọng đến hoạt động kinh doanh hiệu quả. Mức sinh lời của ACB hiện thuộc TOP cao nhất thị trường, với ROE ở mức 24,5%.
Trải qua hơn 30 năm phát triển, ACB cho thấy việc cân bằng hợp lý giữa kết quả ngắn hạn với phát triển bền vững dài hạn, giữa tăng trưởng doanh thu với việc tạo giá trị cho các bên liên quan - đã giúp ngân hàng kinh doanh hiệu quả, phát triển toàn diện trên cả 3 tiêu chí E, S, G và đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.
Đầu tư phát triển bền vững để doanh nghiệp trường tồn
Trên cương vị là một “thuyền trưởng” chắc tay chèo, Chủ tịch Trần Hùng Huy đã đưa con thuyền ACB vượt sóng gió, trở lại vị thế TOP đầu các ngân hàng hoạt động hiệu quả, an toàn và ghi dấu ấn bằng hàng loạt hoạt động bảo vệ môi trường, gắn với thực thi ESG.
Khi được yêu cầu giải thích ESG một cách đơn giản nhất, sao cho đứa trẻ 5 tuổi cũng có thể hiểu được, Chủ tịch Trần Hùng Huy đã định nghĩa:
“ESG là cho thế hệ tương lai. Để một mai khi con lớn lên, tất cả mọi thứ vẫn ở đó, vẹn nguyên để con hưởng thụ!”.
Những điểm chính của ESG, bao gồm Governance (Quản trị) để một công ty đi đúng hướng, Social (Xã hội) không chỉ gói gọn ở an sinh xã hội và từ thiện, mà còn bao gồm môi trường làm việc trong doanh nghiệp, nơi coi trọng bình đẳng giới, tạo ra cơ hội công bằng cho mọi người… Cuối cùng là chữ Environment (Môi trường) tác động của doanh nghiệp đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Với mỗi con người ACB, ESG ngắn gọn là “đáp án để giải bài toán ở thì tương lai”. Giá trị mà mỗi thành viên ACB theo đuổi, cũng chính là động lực để ngân hàng tiếp tục triển khai những hoạt động môi trường có ý nghĩa cho xã hội.
Dành 2.000 tỷ đồng tín dụng xanh cho doanh nghiệp
Là ngân hàng tiên phong thực hành ESG, nhưng khoảng thời gian 10 năm trước, ESG là câu chuyện khá xa vời. Khác với yếu tố về quản trị bền vững - đã được ACB đưa vào trọng tâm hành động từ ngày đầu thành lập, nội dung về môi trường khi bắt đầu triển khai tại ACB đã nhận ngay phản đối từ các cổ đông lớn.
Ở thời điểm đó, Chủ tịch Trần Hùng Huy biết rõ, sẽ tốn rất nhiều thời gian để thuyết phục và chứng minh giá trị của nó.
“Trong quá trình chuyển đổi từ ly nhựa thành ly giấy, loại bỏ chai nhựa khi tiếp khách để thay bằng tách trà, thì chi phí bị đội lên rất nhiều. Nhiều người nghĩ, đây là một khoản đầu tư không mấy hiệu quả, mà làm doanh nghiệp, thì hiệu quả phải đặt lên hàng đầu, đây cũng là giá trị cốt lõi của ACB” Chủ tịch Trần Hùng Huy cho biết.
Tuy nhiên, hiệu quả thì cũng có hiệu quả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Ông Huy có một lòng tin mãnh liệt rằng, ACB sẽ là một doanh nghiệp trường tồn, không chỉ 5, 10 năm mà là hàng trăm năm. Để trường tồn, thì môi trường là mấu chốt. ESG không phải là câu chuyện của 1 – 2 năm, mà là câu chuyện của 10, 20, 30… thậm chí là hàng trăm năm sau.
Bắt đầu từ con số 0 để hướng tới một con số 0 khác - Net Zero
Nhiều năm nay, những món quà tặng như sổ, lịch với bao bì thô mộc đã trở thành nét đặc trưng của ACB. Thực chất, đây đều là những sản phẩm sử dụng bao bì tái chế mang theo thông điệp “Gần lại O” mà ACB muốn gửi tới các đối tác.
“Gần lại O” là dự án cộng đồng vì môi trường đầu tiên được ACB thực hiện, cách đây đã 10 năm, từ thời điểm mà xã hội chưa dành nhiều sự quan tâm tới chủ đề “Xanh” như hiện nay. Đây là một chuỗi bao gồm nhiều hoạt động về môi trường, hướng chủ yếu đến giảm thải rác nhựa, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho nhân viên, cổ đông, khách hàng và cộng đồng.
Từ thành công của “Gần lại O”, ACB xây dựng được hoạt động bền vững về môi trường cùng với nền tảng về xã hội, quản trị năm 2022, ACB triển khai định hướng trở thành Ngân hàng tiên phong phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG. ACB cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam công bố báo cáo riêng về phát triển bền vững.
Tại hội nghị biến đổi khí hậu COP26, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt Netzero (Phát thải ròng Carbonic) bằng 0 vào năm 2050 và đây cũng là mục tiêu lớn mà các doanh nghiệp, trong đó có ACB hướng tới cho tương lai.
Bằng những hành động thiết thực, người ACB đã và đang nỗ lực trong việc giảm phát thải ròng CO2. Chủ tịch Trần Hùng Huy đã đặt ra mục tiêu thu gom 300 tấn rác trong 3 năm (đến 2025). Trong năm 2023, nhân sự của ACB thực hiện thu gom 45 tấn rác.
ACB AI BOT có khả năng tương tác thông minh, tự học, thấu hiểu, nhận diện cảm xúc
Tác động của 300 tấn rác lên môi trường, về mặt số học, chỉ là một con số rất nhỏ, gần như bằng 0. Song, Chủ tịch Trần Hùng Huy cho rằng:
“Dù là từ số 0, thì mọi việc luôn cần sự bắt đầu; bởi nếu không bắt đầu, thì sẽ không bao giờ đến được đích”…
Ngày 4/4/2024, tại TP. HCM, ACB họp Đại hội cổ đông thường niên và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu tăng tổng tài sản lên 805 nghìn tỷ đồng, tăng 12%. Theo báo cáo tại đại hội, với lợi nhuận trước thuế vượt 20 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, ACB không chỉ hoàn thành mục tiêu kinh doanh, mà còn là một trong 3 ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao nhất.ACB dự kiến, chia cổ tức năm 2023 tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.
Theo phương hướng hoạt động năm 2024 - được đại hội cổ đông thông qua, ACB có kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 22 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so năm trước. Đến cuối năm 2024, tổng tài sản, dự kiến tăng 12%, lên 805 nghìn tỷ đồng; tín dụng dự kiến tăng 14%; vốn điều lệ sẽ tăng lên 45 nghìn tỷ đồng…
Ông Trần Hùng Huy (sinh ngày 4/12/1978, là con trai lớn của ông Trần Mộng Hùng - một trong những người sáng lập ACB; bà Đặng Thị Thu Thủy - mẹ của ông Huy, là thành viên của HĐQT ACB. Năm 2002, ông Hùng Huy tốt nghiệp thạc sỹ quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman (Mỹ); năm 2011, hoàn thành luận án tiến sỹ kinh tế tại Đại học Golden Gate (Mỹ)…
Bài sau: Vingroup - vì một cuộc sống tốt đẹp